Hấp thụ vốn yếu, tín dụng khó bật tăng

Mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm trong khi đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp tắc nghẽn nên lãi suất cho vay dù đang trong xu hướng giảm dần, nhưng tín dụng từ nay đến cuối năm khó tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng suy giảm ở hầu hết các ngân hàng, những nhà băng tăng trưởng tín dụng mạnh nhất hệ thống cũng chỉ ở mức 5 - 6,5% tính đến hết quý II/2023.

Lãi suất giảm, tín dụng vẫn tăng chậm

Theo báo cáo vừa công bố của SSI Research, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý II/2023 vẫn yếu so với quý I/2023 ở hầu hết các ngân hàng. Trong đó, ACB, OCB, MB và VPBank là những ngân hàng có tốc độ tăng tín dụng so với quý trước mạnh nhất, đạt khoảng 5 - 6,5%.

Động lực tăng trưởng tín dụng tại MB là ngành thương mại, sản xuất, bất động sản và xây dựng; tại VPBank là cho vay sản xuất kinh doanh và bất động sản; tại ACB là cho vay tài trợ vốn lưu động...

Tăng trưởng tín dụng tại MB trong 6 tháng đầu năm đạt 10,6%

Còn theo khảo sát của VnBusiness, báo cáo tài chính quý II/2023 của ACB cho thấy, tính tới cuối tháng 6, quy mô tín dụng của ACB đạt hơn 434.000 tỷ, tăng 4,9% so với đầu năm. Riêng trong quý II, tốc độ tăng trưởng có sự cải thiện mạnh mẽ, ở mức tăng 5,5% tương đương gần 23.000 tỷ đồng so với quý I.

Tại MB, tăng trưởng tín dụng là một trong những điểm sáng trong 6 tháng đầu năm nay với dư nợ của ngân hàng hợp nhất tăng 10,6% so với đầu năm, trong đó dư nợ quý II tăng trưởng tốt hơn so với quý I (tăng trưởng 6,8% so với quý I tăng 3,7%).

Tương tự, điểm nhấn lớn nhất trong báo cáo tài chính của VPBank 6 tháng đầu năm là tín dụng hợp nhất của ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13% - cao hơn nhiều mức trung bình ngành (4,7%), nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% tổng dư nợ của ngân hàng mẹ. Dư nợ tín dụng của phân khúc khách hàng cá nhân nói riêng đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% từ đầu năm.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng có vốn nhà nước ở mức thấp, như Vietcombank là 2,6%, Agribank khoảng 1,2%, VietinBank là 6,6%, BIDV là 6,93%.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng trong 6 tháng đạt 4,73%, bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm trước. “Trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại, tín dụng vẫn chiếm 70 - 80% thu nhập của các ngân hàng, lợi nhuận tăng trưởng chậm lại cũng là điều dễ hiểu”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay.

Tín dụng khó tăng đột biến

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay. Điển hình, tại Vietcombank trong 6 tháng đầu năm đã có 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Hay như Agribank cũng có 7 lần giảm lãi suất cho vay, BIDV có 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay từ 1,1 - 1,3%/năm...

Các chuyên gia dự báo, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong những tháng cuối năm do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng: “Lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân, vốn bị suy yếu trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất cho vay neo ở mức cao”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, để giảm lãi suất, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng đã ban hành nhiều văn bản kêu gọi, vận động, thậm chí áp dụng biện pháp hành chính nên lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Nhưng gốc rễ của lãi suất không nằm ở thủ tục hành chính, mà ở thị trường - là vấn đề thanh khoản.

“Nếu chúng ta không củng cố niềm tin cho người dân, đảm bảo chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác cùng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì sẽ rất khó để tăng trưởng kinh tế”, ông Vinh nói.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trước bối cảnh kinh tế khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, kéo theo nợ xấu tăng, mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.

Thực tế, khoảng 60-70% doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội cho biết bị sụt giảm doanh thu năm nay. Vì vậy, dù NHNN liên tiếp hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, nên "sức khỏe" cũng yếu đi, không đủ đáp ứng điều kiện về tín dụng.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/hap-thu-von-yeu-tin-dung-kho-bat-tang-1094319.html