Hấp tấp 'rước' PMC, Ban quản trị Tòa nhà Keangnam sẽ bị khởi kiện?

An toàn của tòa nhà, của hàng ngàn cư dân đang sinh sống trong 922 căn hộ tại chung cư Keangnam là vấn đề làm 'nóng' dư luận mấy ngày qua. 26 lao động vẫn phản đối quyết liệt việc bàn giao công việc cho Cty Cổ phần Quản lý và khai thác tòa nhà VNPT (PMC). Nếu Ban quản trị và PMC bằng mọi cách chiếm giữ việc quản lý, vận hành tòa nhà sẽ đẩy sự việc đi về đâu?

Như Báo điện tử Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, sáng ngày 12/4, tại tòa nhà chung cư Keangnam Landmark ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra mâu thuẫn và rối loạn cục bộ bởi việc tranh chấp bàn giao quản lý, vận hành tòa nhà giữa Ban quản trị (BQT) tòa nhà, 26 người lao động (NLĐ) và PMC.

26 NLĐ của Ban quản lý đương nhiệm cho biết: Họ được BQT tòa nhà trực tiếp ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) một năm (từ 01/02/2016 đến 31/01/2017). Những NLĐ này đã làm việc và gắn bó với tòa nhà từ nhiều năm nay, thậm chí có người còn làm việc từ khi bắt đầu xây dựng tòa nhà.

Do vậy, họ quản lý, điều hành tòa nhà rất thuần thục, nhịp nhàng và ăn khớp. Trong đội ngũ này có người được chủ đầu tư bàn giao lại công nghệ vận hành, quản lý trực tiếp. Do đó, việc Ban quản lý đương nhiệm vận hành tòa nhà tương đối an toàn, chưa có sự cố bất thường nào xảy ra.

Tuy nhiên, căn cứ vào Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng về ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, BQT đã ký hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư Keangnam với PMC.

Điều khiến 26 NLĐ lo lắng, bức xúc hơn bởi lẽ BQT tòa nhà trực tiếp ký HĐLĐ với NLĐ thời hạn 1 năm. Nhưng bằng “quyền năng” của mình, hợp đồng mới thực hiện được hơn 2 tháng, 31/3/2016, BQT đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà chỉ thông báo miệng với NLĐ về chủ trương và đối tượng bàn giao….

Hướng giải quyết được BQT đưa ra là sẽ sát nhập đội ngũ NLĐ vào Cty PMC. Tuy nhiên, anh Phạm Văn Sơn (Phó Ban quản lý tòa nhà) trình bày: “Khi được biết đội ngũ đang quản lý, vận hành tòa nhà sẽ bàn giao lại cho PMC, điều chúng tôi quan tâm là quyền lợi của NLĐ có được đảm bảm.

Sau khi phía PMC đưa ra một số quyền lợi của NLĐ, so với những quyền lợi mà NLĐ đang được hưởng cũng như so với Luật lao động thì quyền lợi của chúng tôi không được đảm bảo. Từ đó, chúng tôi đề nghị được thỏa thuận tương xứng.

Hơn thế nữa, khi chúng tôi đề nghị được kèm theo bản mô tả công việc cụ thể đối với từng vị trí sau khi PMC tiếp nhận thì PMC không thể đưa ra. Chúng tôi nghi ngại, sau khi PMC tiếp nhận, PMC sẽ sắp xếp chúng tôi vào một vị trí không phù hợp, điều đó giống như ép chúng tôi phải nghỉ việc. Do đó, thỏa thuận với NLĐ chưa đạt được”.

Lao động tại BQL tòa nhà Keangnam vất vưởng vì bị đuổi khỏi nơi làm việc

Lao động tại BQL tòa nhà Keangnam vất vưởng vì bị đuổi khỏi nơi làm việc

Ngày 01/4/2016, chỉ một ngày sau khi cuộc họp diễn ra và chưa có sự đồng nhất trong giải quyết chế độ nghỉ việc đối với NLĐ, BQT tòa nhà đã ký hợp đồng dịch vụ quản lý và vận hành tòa nhà với PMC.

Ngày 12/4/2016, bà Nguyễn Thị Lâm Hồng (Phó BQT) đã đại diện cho ông Nguyễn Văn Cẩn (Trưởng BQT) ký 26 quyết định chấm dứt HĐLĐ với 26 NLĐ. Việc bà Hồng ký quyết định chấm dứt HĐLĐ được ông Cẩn xác định là có đồng ý qua mail, còn chưa trực tiếp ký văn bản đồng ý ủy quyền. (Ông đang đi công tác trong Sài Gòn - PV).

Anh Phạm Văn Hiền – một NLĐ bức xúc: “Tại sao BQT không giải quyết hậu quả của việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ cho xong xuôi hãy đưa PMC vào để có được sự bàn giao công việc một cách đồng thuận của nhóm NLĐ với PMC. Ngược lại, BQT lại rũ bỏ NLĐ, đẩy chúng tôi ra đường khi bật đèn xanh cho PMC vào tòa nhà, tạo ra mâu thuẫn, rối loạn cục bộ, căng thẳng,… cho đến phá khóa phòng kỹ thuật đột nhập, tranh dành việc tiếp quản. Nếu PMC làm ăn đàng hoàng thì có cần xông vào “cướp việc” một cách trắng trợn như thế không? Điều gì khiến bà Hồng lạm quyền và nôn nóng như vậy?”.

Trao đối với báo chí, bà Lưu Thị Lý (Phó Trưởng phòng LĐTB&XH quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Theo Luật Lao động, người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thì phải thông báo cho NLĐ biết trước tối thiểu 30 ngày. Nếu NLĐ không có nguyện vọng chuyển sang đơn vị mới thì họ có thời gian chuẩn bị công việc khác. Trong trường hợp này, để giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động, NLĐ có thể khởi kiện ra tòa để được đảm bảo quyền lợi của mình”.

Bà Lý cũng cho biết thêm: Chiều ngày 12/4, khi Liên đoàn lao động và Phòng LĐTB&XH quận đang làm việc với BQT và một số người liên quan thì có nghe mọi người nói ở dưới phòng kỹ thuật đã bị phá khóa. Công an quận Nam Từ Liêm cũng có mặt tại hiện trường vào buổi chiều cùng ngày.

Theo tìm hiểu của PV, tòa nhà Keangnam là một chung cư hiện đại, áp dụng công nghệ vận hành của nước ngoài (Hàn Quốc). Nếu BQT không giải quyết thỏa đáng, sự bàn giao không có sự đồng thuận và phối hợp của đội ngũ kỹ thuật viên cao cấp đương nhiệm (đã quen công việc) thì thật đáng quan ngại.

Sự cố nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn của hàng nghìn cư dân và cho toàn bộ tòa nhà, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Phước Long

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/tiep-bai-ban-quan-tri-toa-nha-keangnam-day-cong-nhan-xuong-ho-hap-tap-ruoc-pmc-ban-quan-tri-se-bi-khoi-kien-269928.html