Hành trình vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long

(PL&XH) - Tác phẩm kịch bản “Hành trình theo dấu người xưa” là lễ hội tổng thể với chuỗi sự kiện văn hóa và tâm linh dựa trên những dữ kiện lịch sử, rời bến từ sông Sào Khê, qua sông Hoàng Long, chuyển vào sông Đáy rồi căng buồm trên sông Hồng đến kinh đô.

Năm 1009, sau khi nhà tiền Lê suy thoái, quần thần nhất loạt đồng thuận tôn vinh Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế – tự Lý Thái Tổ – là vị vua khai sáng sự nghiệp nhà Lý lúc người 35 tuổi (sinh năm Giáp Tuất 974), trị vì triều đại Lý 19 năm, niên hiệu là Thuận Thiên (mất năm Mậu Thìn 1028). Hình ảnh vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vừa được tái hiện Trong 19 năm trị vì đất nước, (1009-1028) Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã có những công lao to lớn đối với nhà Lý trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, nâng tầm thế của một quốc gia độc lập tự chủ của dân tộc Đại Việt, đặc biệt là công lao mang ý nghĩa lịch sử vĩ đại – Đó là sự anh minh, sáng suốt khi hạ chiếu chỉ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La – Thăng Long, định đô “Nơi trung tâm trời đất – Thế rồng cuộn hổ ngồi – Xem khắp nước Việt ta chỗ này là thắng địa”… ghi dấu ấn tiền khởi từ một nghìn năm trước cho sự phát triển trường tồn của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến hôm nay. Với sự kiện có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội 990 năm – nhà thơ Huy Cận đã cảm xúc với bài thơ “Thăng Long nghìn tuổi” bằng 4 câu mở đầu: Đây Thăng Long đất sắp tròn nghìn tuổi Rồng bay lên – ngày tháng tốt tâu vua Lý Công Uẩn mắt thần nhìn nước non mở hội Bốn phương trời Đại Việt lập kinh đô Để tri ân vua Lý Thái Tổ khai sáng Quốc đô từ nghìn năm trước, ngay trong chương trình Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã tái hiện cuộc hành trình của Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long với lễ hội mang chủ đề “Hành trình theo dấu người xưa” tái hiện từ 30-9 đến 3-10, khởi hành xuất phát từ Hoa Lư – Ninh Bình ra Hà Nội kết thúc tại Hoàng thành Thăng Long. Tác phẩm kịch bản “Hành trình theo dấu người xưa” là lễ hội tổng thể với chuỗi sự kiện văn hóa và tâm linh dựa trên những dữ kiện lịch sử, rời bến từ sông Sào Khê, qua sông Hoàng Long, chuyển vào sông Đáy rồi căng buồm trên sông Hồng đến kinh đô. Chương trình đặc biệt này do Sở VH-TT-DL Hà Nội tổ chức với sự phối hợp của Nhà hát chèo Hà Nội và Cty Truyền thông – Du lịch Hà Lan, cùng sự tham gia của các địa phương trên lộ trình của cuộc hành trình được khai diễn từ 19g ngày 30-9 với đêm nghệ thuật tại Cố đô Hoa Lư – trong không gian đền vua Đinh, vua Lê – ca ngợi Hoa Lư miền đất ba vua: Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ, đặc biệt tôn vinh sự anh minh với tầm nhìn xuyên thiên niên kỷ của Lý Công Uẩn khi quyết định dời đô ra Thăng Long. Sau đêm huyền thoại dời đô, sáng 1-10 cử hành lễ dâng hương, đăng đàn tuyên đọc Chiếu dời đô và lễ rước, tiễn vua Lý Công Uẩn từ đền Đinh – Lê đến bến Hoàng Long với những hoạt động nghệ thuật văn hóa – múa rồng, múa lân và các hoạt động thể thao dân tộc trên sông suốt thời gian thuyền lướt gió trên sông hướng về Thăng Long – Hà Nội. Buổi chiều cùng ngày, tại bến sông thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên, tưng bừng lễ hội đón vua Lý Thái Tổ, mở hội khao quân, khai mạc tuần văn hóa Phố Hiến – Hưng Yên, giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân gian. Tại đây điểm nhấn là đêm hội đón vua với sự xuất hiện của Hoàng đế Lý Công Uẩn lẫm liệt uy nghi – mở đầu cho đêm lễ hội với hàng vạn người tham dự. Sáng ngày 2-10, trong không khí Thủ đô tưng bừng với hàng loạt hoạt động mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội. Cuộc “Hành trình theo dấu người xưa” từ Hưng Yên theo dòng sông Hồng đến bến Chương Dương – Hà Nội với đoàn thuyền rồng theo dấu người xưa dời đô ra Thăng Long, cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân hai bên bờ sông trên từng đoạn. Khi đoàn thuyền xa giá Lý Thái Tổ về đến bến Chương Dương, nhà vua lên bờ bước qua cổng chào tượng trưng cho thành Đại La xưa, là màn nghệ thuật Thăng Long được tái hiện với cảnh rồng vàng – được thiết kế bằng bóng bay khổng lồ – sẽ xuất hiện bay trên không gian cao, chào đón nhà vua. Toàn bộ lễ hội tại đây được sân khấu hóa ngoài trời trên bến – dưới thuyền tấp nập với sự tham gia trực tiếp của hàng vạn dân chúng Hà thành đón rước Lý Công Uẩn. Đồng thời, lễ rước Chiếu dời đô với trọng lượng 7 tấn, chạm khắc vàng cũng được tiến hành đưa về Vườn hoa Lý Thái Tổ. Cuộc hành trình theo dấu người xưa kết thúc tại Hoàng thành Thăng Long ngày 3-10. Bùi Đình Nguyên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20101004103356202p1004c1028/hanh-trinh-vua-ly-cong-uan-doi-do-tu-hoa-lu-ra-thang-long.htm