Hành trình viết văn của tác giả từng là tử tù, thích cầm đao hơn cầm bút

Phạm Ngọc Định, tay 'anh chị' nổi tiếng đất Cảng từng lĩnh án tử hình quyết tâm viết với hy vọng có những tác phẩm lớn để lại cho đời.

Tuổi thơ ghét sách vở, ăn chơi khét tiếng đất Cảng

Buổi ra mắt sách của tác giả Phạm Ngọc Định chật kín khán phòng rất rộng tại Bảo tàng Văn hóa nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng) với đủ thành phần tham gia, từ lãnh đạo địa phương, giới văn chương, thầy cô giáo, gia đình thân thiết và cả "anh em xã hội" của tác giả.

Ít ai biết rằng Phạm Ngọc Định từng là một tử tù. Nhưng nhờ đam mê viết, anh đã vượt qua nỗi sợ hãi chờ ngày ra pháp trường để rồi được trở về đoàn tụ với gia đình và ra mắt cuốn sách đầu tiên ở thể loại truyện dài với tựa đề Biến tấu của ký ức (Nhà xuất bản Văn học phát hành).

Tác giả Phạm Ngọc Định (áo trắng) tại buổi giao lưu ra mắt sách.

Phạm Ngọc Định sinh năm năm 1961 trong một gia đình công nhân ở Hạ Lý (Hải Phòng). Xuất thân từ một gia đình cơ bản, nền nếp nhưng từ nhỏ cậu bé Định rất lười học, ghét sách vở. Học hành chểnh mảng, lay lắt vậy mà anh vẫn tốt nghiệp loại Khá để rồi thi đỗ trường Đại học Thể dục thể thao Trung ương 2 chỉ với một mục đích duy nhất là được vận động tay chân, đỡ phải học nhiều cho "nặng đầu".

Vào trường, Định được thỏa sức "vận động tay chân". Anh thường xuyên bỏ học, theo đám bạn giang hồ lừng lẫy thời đó như Hùng A Lý, Nguyễn Văn Tám gây ra những vụ đâm chém kinh hoàng. Rồi Phạm Ngọc Định cũng sa lưới. Năm 1990, anh bị bắt, lĩnh án 5 năm tù vì tham gia vào băng nhóm đâm chém.

5 năm "bóc lịch", Phạm Ngọc Định ra tù, người vợ gần 10 năm đầu gối tay ấp cũng bỏ đi lao động xuất khẩu ở Đức. Không vợ, chưa có con, tay trắng làm lại cuộc đời, anh chung vốn với vài người bạn mở cửa hàng điện tử, lấy vợ, sinh con một trai một gái rất đẹp.

Có gia đình hạnh phúc, có tiền, những tưởng cuộc sống của anh cứ yên ả trôi qua, quá khứ bỏ lại phía sau. Nào ngờ Phạm Ngọc Định lại lao vào các cuộc vui thâu đêm suốt sáng, từ một người ghét cờ bạc, ma túy, anh “nhúng chàm” lúc nào không hay.

4 năm ngắn ngủi làm lại cuộc đời, Phạm Ngọc Định lại bị bắt. Lần này, anh bị kết án tử hình.

Tử tù quên mặt chữ trở thành tác giả viết truyện

Bị bắt vì buôn ma túy, Phạm Ngọc Định lúc đó đang ở trại T16 Bộ Công an (Thanh Oai, Hà Tây nay là Hà Nội). Trong phòng biệt giam chờ ngày ra pháp trường xử bắn, Phạm Ngọc Định không biết làm gì ngoài… hát.

Phạm Ngọc Định, tay ‘anh chị’ nổi tiếng đất Cảng, từng lĩnh án tử hình quyết tâm viết với hy vọng có những tác phẩm lớn để lại cho đời.

Anh kể, lúc đó theo chế độ hàng ngày tử tù được ghi phiếu ăn và viết thư về cho gia đình. Lúc viết thư về cho vợ, Phạm Ngọc Định lóng ngóng với những con chữ bởi từ bé ghét sách vở, chỉ thích cầm đao kiếm chứ không muốn cầm bút, cũng không đọc bất cứ sách báo gì.

Muốn viết được bức thư hoàn thiện khuyên vợ đi lấy chồng, Phạm Ngọc Định phải xin cán bộ trại giam sách báo, tất cả những gì có chữ để đọc, để nhìn lại những mặt chữ đã bị đao kiếm làm quên hết. Thế rồi, Phạm Ngọc Định nghiện đọc sách báo lúc nào không hay.

Anh nhờ gia đình tiếp tế những cuốn tiểu thuyết như: Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió, Tình yêu và quyền lực, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Mùa lá rụng trong vườn… và cả tạp chí.

Đọc nhiều, Phạm Ngọc Định có ý định viết. Nhưng viết gì đây khi mà ở phòng biệt giam, giấy bút không có, không biết ngày nào ra pháp trường. Với tử tù như Phạm Ngọc Định, chỉ có cách viết ra mới lưu lại được tâm tình, nguyện vọng, suy nghĩ của mình. Mọi thứ cứ quẩn quanh trong đầu và rồi anh tìm ra được ý tưởng về một cuốn truyện.

Phạm Ngọc Định mất một tháng trời chỉ ngồi tách đôi từng tờ tạp chí lấy phần ở giữa làm giấy viết. Còn bút, hằng ngày cán bộ sẽ đưa cho ghi chép những thứ cần thiết nên anh kể đã “lừa lấy một cái”.

"Có những ngày tôi viết được 20 trang, đôi tay viết không thể kịp suy nghĩ của mình. Ý tưởng cứ tràn ra càng khiến mình cuống quýt, muốn viết thật nhanh. Tôi chỉ sợ đang viết thì đến ngày phải trả án, không kịp hoàn thành tác phẩm dang dở", Phạm Ngọc Định tâm sự.

Cứ thế, anh viết như thể chỉ còn một giờ nữa mình phải ra pháp trường. Chạy đua với thời gian, chạy đua với ý tưởng, Phạm Ngọc Định cứ hối hả viết. Viết hết cuốn tạp chí, anh dán lại, gửi về cho gia đình, gia đình lại gửi vào cuốn khác cho anh bóc tách và lại viết.

Hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, Phạm Ngọc Định sau đó được giảm án xuống tù chung thân. Nhờ cải tạo tốt, anh được làm đội trưởng, trông nhóm tù khác cải tạo lao động.

Thấy anh ham đọc, ham viết, cán bộ trại giam tạo điều kiện, người nhà gửi giấy bút tiếp tế, anh được thoải mái viết hơn. Những bản thảo sau này, trong một cơ duyên mà theo anh là “trời định” nên đã trân trọng gửi nhờ nhà văn Nguyễn Đình Tú cất giữ.

Được giảm án và trở lại cuộc đời từ năm 2015, Phạm Ngọc Định chăm chỉ làm việc tại trang trại của mình ở Hải Dương. Hằng ngày trồng trọt, chăn nuôi và vẫn "ôm mộng" văn chương, để rồi được sự động viên của bạn bè, người thân, anh ra mắt cuốn sách Biến tấu của ký ức - như một cách tạ lỗi với cuộc đời, với tuổi thơ.

“Tôi luôn nghe thấy nhiều người phàn nàn giờ văn hóa đọc đi xuống, mảng đề tài viết cho thiếu nhi ít quá nên ra mắt cuốn sách này. Sách sẽ được gửi tặng tới các trường học”, tác giả Phạm Ngọc Định chia sẻ.

Mượn bối cảnh chính năm 1972 khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, Biến tấu của ký ức là những trang viết về những đứa trẻ, những gia đình của Hải Phòng thời điểm đó. Thông qua truyện dài này, người đọc có thể hình dung, mường tượng lại một Hải Phòng hiên ngang, bất khuất trong ác liệt của bom đạn chiến tranh.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - một người con của Hải Phòng cho rằng những nhà văn cùng thời ông có viết nhưng chưa ai lột tả được tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh như Biến tấu của ký ức.

"Tác phẩm gây ấn tượng, chạm đến cảm xúc của người đọc không ở tầm vóc ở văn chương, ở sự kiện mà chính là sự sáng tạo trong từng trang viết. Trước hết, nó được ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt - đó là nhà giam và bởi một người tử tù. Trên thế giới ít có tác giả và tác phẩm nào đặc biệt đến như vậy.

Viết trong tù mà văn của Ngọc Định rất trong sáng, kể về các trò chơi dân gian tuổi thơ hay và độc đáo tận cùng. Ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, con người tưởng không có khả năng sáng tạo được nữa, lại sáng tạo đến tận cùng, thật không thể ngờ!”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho biết.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tâm đắc về sức sống của tuổi thiếu niên thời chiến và sự sáng tạo, dũng cảm của những đứa trẻ Hải Phòng thuở ấy trong cuốn sách. "Chất liệu đời sống, tinh thần người Hải Phòng thể hiện qua ý chí, nghị lực sống của những chú bé hồn nhiên, mạnh mẽ ấy đã mang đến hy vọng cho cuộc đời", nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhận định.

Trong khi đó, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu (Ban đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam) khẳng định, nếu có cơ hội, bà sẽ đề xuất dịch cuốn sách ra tiếng nước ngoài để giới thiệu với bạn bè thế giới, giúp họ hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Từng là giang hồ, Phạm Ngọc Định sống rất thực tế và ít ảo tưởng. Nhưng từ khi viết văn, anh thừa nhận mình trở nên ảo tưởng. Anh luôn đau đáu mỗi khi cầm bút: “Vì sao văn chương nước mình không có tác phẩm lớn. Đặc biệt là tác phẩm viết về chiến tranh như Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy?"

Anh bày tỏ, không biết năng lực của mình tới đâu nhưng đang ấp ủ viết một tiểu thuyết về chiến tranh đồ sộ nhất, chưa từng có ở Việt Nam. Có thể đó lại là ảo tưởng nhưng ý thức về trách nhiệm trả nghĩa với cuộc đời, Phạm Ngọc Định hy vọng tương lai sẽ ra mắt cuốn sách như vậy.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hanh-trinh-viet-van-cua-tac-gia-tung-la-tu-tu-chi-thich-cam-dao-hon-cam-but-2211200.html