Hành trình trong ngành ôtô của cựu sếp VinFast

Hồi ký 'Dặm đường tôi đi' của ông Võ Quang Huệ cho thấy chân dung một người lấy 'học tập suốt đời' làm tôn chỉ.

Ông Võ Quang Huệ. Ảnh: Lê Quân.

Trong một bài viết về ôtô Việt năm 2018, tờ báo Đức Handelsblatt từng nêu "VinFast và BMW mắc nợ một người". Người đó là ông Võ Quang Huệ.

Là một người Việt nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực làm ôtô, ông Võ Quang Huệ đam mê ôtô từ thuở bé được gia đình tạo điều kiện học tập tại Đức, sau đó ông có 12 năm làm nghiên cứu, phát triển cho BMW, hồi hương đưa Bosch về Việt Nam và chặng đường gần đây nhất - đỉnh cao sự nghiệp của ông là "kỳ tích Vinfast".

Những chặng đường đời của ông được kể trong hồi ký Dặm đường tôi đi. Sáng 16/3, tác giả Võ Quang Huệ có buổi giao lưu với bạn đọc tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM).

Trau dồi, học hỏi để sẵn sàng đón nhận cơ hội

Qua hồi ký này, độc giả dễ dàng nhìn thấy chân dung một người lấy "học tập suốt đời" làm tôn chỉ. "Trên đường đời vạn nẻo không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa", tác giả Võ Quang Huệ đúc kết.

Sau nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, ông Huệ kể mình có thể trở về Việt Nam và trực tiếp đóng góp cho việc xây dựng, tái thiết đất nước là nhờ "may mắn". Song cơ duyên đến mà mình không có năng lực, thì cũng không thành công được, ông chia sẻ.

Phải nắm bắt, thấu rõ tình hình, điều kiện đất nước đương thời, cùng kinh nghiệm kỹ thuật, quản trị bản thân tích lũy trong những ngày sống và học tập, làm việc ở nước ngoài, ông mới thuyết phục được Bosch về Việt Nam. Công ty là tiền lệ cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài về nước đi cùng với nghiên cứu, đào tạo chứ không chỉ dừng ở chuyển giao công nghệ, sản xuất.

Về sau này ở ngưỡng tuổi sắp nghỉ hưu, ông lại chấp nhận thử thách mới mà nhiều người ở thời điểm đó cho là điên rồ, không tưởng: sản xuất chiếc ôtô đầu tiên của người Việt.

Chị Bình (29 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ rằng buổi giao lưu này là lần thứ hai chị gặp tác giả. Lần đầu cách đây 10 năm tại một talkshow, chị rất ấn tượng trước nhiệt huyết của diễn giả Võ Quang Huệ: Ông khuyên người trẻ tập trung vào thế mạnh, nỗ lực thành người giỏi trong nghề của mình. Ông say sưa nói về đam mê ôtô và khát vọng chiếc ôtô thương hiệu Việt.

Đồng thời, ông bày tỏ tâm tư rằng nếu có một doanh nghiệp muốn dấn thân vào ngành này, ông sẵn sàng mang kiến thức, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm để hỗ trợ. Cơ hội đến với ông vào năm 2017 khi doanh nhân Phạm Nhật Vượng mời ông về làm ôtô. Xe điện Vinfast ra đời năm 2019 sau 22 tháng dự án dưới sự "cầm lái" của ông, đúng như tên gọi của thương hiệu - nhanh đến ngỡ ngàng.

Nhìn lại chặng đường này, ông nói: Phải không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân, tiếp thu, cập nhật kiến thức để đón nhận cơ hội, làm được những điều trong khả năng. Đến nay ở tuổi ngoài 70 lại dấn thân vào chặng sự nghiệp mới, ở vai trò cố vấn, đào tạo, với kỳ vọng xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển AI (trí tuệ nhân tạo), mỗi ngày ông đều đọc rất nhiều tài liệu chuyên ngành.

Sách Dặm đường tôi đi. Ảnh: Alpha.

3 lời khuyên cho start-up và kỳ vọng vào thế hệ doanh nghiệp phụng sự

Ông Võ Quang Huệ kể thời ở BMW mình từng "start-up thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, giúp khai mở thị trường mới ở 5 địa bàn khác nhau khắp thế giới". Lời khuyên cho những công ty khởi nghiệp hiện nay, ông có ba điều tâm đắc.

Ông Võ Quang Huệ ký tặng tại đường sách Nguyễn Văn Bình hôm 16/3. Ảnh: A.B.

Một là, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh từ đầu. Không chỉ tồn tại suông trên câu chữ, văn hóa là thứ cần được hiểu, được sống, được lưu truyền và phát huy. Lãnh đạo mà không làm gương thì chẳng thể thuyết phục được nhân viên tin vào giá trị cốt lõi của công ty.

Hai là, "quy trình, quy trình và quy trình" - ông nhấn mạnh. Từ những việc nhỏ nhất như tiếp khách, mua thức ăn... đều cần quy trình chuẩn hóa, chứ không thể phụ thuộc vào việc theo dõi chi tiết, khảo sát từng chút một.

Ba là tư duy công nghệ - khoa học, giải quyết vấn đề dựa trên thông tin (facts) - số liệu (figures) - dữ liệu (data).

Hiện ông đang là thành viên của hai hội đồng trường đại học (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Đại học Việt Đức). Chia sẻ với Tri thức - Znews, ông cho biết muốn dành "dặm đường sắp tới" hỗ trợ các khởi nghiệp về AI tại Việt Nam. Kỳ vọng xa hơn nữa là xây dựng các trung tâm nghiên cứu về AI, về ôtô.

Bên cạnh đó, ông nhận định ngày nay nền tảng pháp lý, hệ thống pháp chế, cơ sở hợp tác quốc tế của Việt Nam đã thuận lợi hơn xưa nhiều với hàng loạt FTA (hiệp định hợp tác thương mại quốc tế - PV) được ký kết. Ông kỳ vọng mỗi công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ trở thành "đại sứ thu hút vốn đầu tư", đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu của khu vực và thế giới.

Một điều ông Huệ học được từ người sáng lập Robert Bosch của Tập đoàn Bosch ấy là tinh thần phụng sự vì cộng đồng (hơn 90% cổ phần công ty thuộc về Quỹ từ thiện mang tên ông sau khi ông mất, công ty luôn chú trọng và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...).

Ông hy vọng tinh thần này sẽ thấm nhuần trong các thế hệ doanh nhân trí thức mới, không chỉ dừng lại ở nghĩ giàu - làm giàu, mà hướng đến đóng góp cho đất nước, cho thế giới.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hanh-trinh-trong-nganh-oto-cua-cuu-sep-vinfast-post1465250.html