Hành trình "Theo dấu người xưa" mở màn Đại Lễ

Chỉ còn vài ngày nữa, Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra tưng bừng, trang trọng. Lễ Hội Hành trình "Theo dấu người xưa" sẽ là hoạt động chính thức đầu tiên "khai màn" cho 10 ngày Đại Lễ, sẽ diễn ra từ ngày 30/9 - 02/10/2010 bắt đầu từ Hoa Lư - Ninh Bình và kết thúc tại Hoàng Thành Thăng Long - Thủ Đô Hà Nội.

Hành trình Theo dấu người xưa mô phỏng cuộc "Dời Đô" của vua Lý Công Uẩn theo đường sông từ Cố đô Hoa Lư về Thăng Long. Ở Lễ hội này, đoàn rước sẽ đi trên sông, xuất phát từ Ninh Bình và tạm dừng một đêm tại Hưng Yên - mảnh đất trù phú - thanh bình, nơi cư ngụ của người Việt xưa. Tại Hưng Yên sẽ diễn ra đêm hội đón rước, dâng sản vật, chào đón vua Lý Công Uẩn. Sau đó, đoàn rước tiếp tục theo sông Hồng về bến Chương Dương Độ - nơi cửa ngõ của đất Đại La linh thiêng, vùng đất "địa linh" nơi hội tụ linh khí của trời đất, từ bến Chương Dương, đoàn rước tiến về Hoàng Thành Thăng Long làm lễ tế trời đất và kết thúc Lễ Hội Hành trình Theo dấu người xưa. Ngày 30/9/2010, mở màn Theo dấu người xưa sẽ là đêm nghệ thuật Huyền thoại Hành trình dời Đô được diễn ra vào lúc 20h tại khu di tích lịch sử Đền vua Đinh (Ninh Bình). Sau đêm Huyền thoại Hành trình dời Đô, sáng ngày 01/10/2010 sẽ diễn ra Tế lễ Đăng Đàn, Tuyên Chiếu dời Đô, Lễ tiễn Vua từ Đền Vua Đinh, Vua Lê ra bến Hoàng Long (Ninh Bình). Đoàn rước theo sông Hoàng Giang về Hưng Yên và mở hội. Tại đây, sẽ diễn ra lễ Đón Vua, mở hội khao quân, Khai mạc tuần lễ văn hóa Phố Hiến - Hưng Yên. Sáng sớm ngày 02/10/2010 đoàn rước sẽ theo sông Hồng về bến Chương Dương Độ, nơi đang diễn ra các hoạt động văn hóa tưng bừng mừng Đại Lễ, đặc biệt là Hội đua thuyền. Nhà hát chèo Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội giao trực tiếp thực hiện toàn bộ Lễ hội Hành trình Theo dấu người xưa với sự hỗ trợ, tham gia biểu diễn của Nhà hát chèo Ninh Bình, Nhà hát chèo Hưng Yên và một số Đoàn nghệ thuật khác. Lễ hội Hành trình "Theo dấu người xưa" được thực hiện độc đáo với các hoạt động nghệ thuật có sự tham gia trực tiếp của quần chúng nhân dân, sự giao lưu văn hóa trên bến dưới thuyền sẽ tái hiện lại cuộc sống bình yên, phồn thịnh của đất nước ta thời vua Lý Công Uẩn dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Hoạt động này mang ý nghĩa quan trọng trong Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long, vừa góp phần tái hiện lịch sử, vừa quảng bá cho ngành du lịch phát triển mảng du lịch văn hóa trên sông, mà điểm xuất phát là từ Hà Nội tỏa đi các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1510&itemid=11698