Hành trình sáng tạo của nữ nhiếp ảnh gia

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh báo chí, số lượng nam nhiếp ảnh gia luôn áp đảo. Tuy nhiên, các nữ nhiếp ảnh gia cũng có thế mạnh riêng và thành quả đạt được chẳng thua kém phái mạnh. Những câu chuyện của họ gây chú ý tại Biennale nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam - Photo Hanoi'23.

Để trái tim tự do khám phá

Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) bước chân vào con đường nhiếp ảnh từ năm 2005 khi tình cờ tham gia Hành trình nhiếp ảnh photovn tại Hà Nội. “Tham gia hành trình này, tôi được dạy chụp máy phim bài bản suốt 2 năm đầu, cứ 3 tháng một kỹ năng, từ lấy nét, chọn độ cảm biến, tiêu cự, tỷ lệ, ánh sáng, khẩu độ... Giai đoạn đó tôi hầu như chỉ copy từ sản phẩm của người dạy mà chưa có bản sắc hay sáng tạo, với các motip ảnh 3 (3 bức trong một chủ đề), ảnh có viền...”, Maika Elan kể.

Tác phẩm trong dự án cá nhân "Consequences of a displaced memory" của Hứa Như Xuân

Những năm sau này, Maika Elan chụp nhiều ảnh lomo (ảnh ngẫu hứng, tự do), kiếm sống bằng ảnh thời trang, cho các Tạp chí Đẹp, Sành điệu… Và chỉ đến năm 2010 trở đi, chị mới thấm thía những khó khăn của một nữ nhiếp ảnh gia khi học kỹ năng chụp ảnh báo chí và tư liệu của IMMF (Quỹ tưởng niệm Báo chí Đông Dương) với thành viên là các nhà nhiếp ảnh từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam. “Trước đây, khi chụp ảnh thời trang, thành quả tôi có được cũng có nghĩa là của cả nhóm. Giải Nhất ảnh đơn và Phóng sự ảnh xuất sắc nhất của tôi sau khóa học này là tự nỗ lực vận động trong tìm kiếm đề tài, lựa chọn nhân vật, trang phục, lên lịch, chỉnh sửa, hoàn thiện… Tôi nghĩ, với nhiếp ảnh, lại là phái nữ, hãy để trái tim mình tự do khám phá ngay từ những bước đi đầu tiên”.

Dấu mốc lớn nhất trong cuộc đời chụp ảnh của Maika Elan vào năm 2011 - 2012, khi chị thực hiện dự án The Pink Choice (Sự lựa chọn màu hồng) để có triển lãm ngay sau đó “Yêu là yêu”, dưới sự tài trợ của Quỹ Văn hóa Đan Mạch. “Đây là trải nghiệm tuyệt vời vì nó thể hiện sự cương quyết của tôi trên con đường đã chọn và đã đến đích. Cứ thế mà làm thôi, đi và chụp, chẳng có gì thay đổi, chẳng áp lực giải thưởng, chụp vì thấy cần phải chụp như thế”.

Theo Maika Elan, mỗi nghề đều có những khó khăn riêng, ngoài vấn đề sức khỏe, hạn chế mang vác nặng, chị không đồng ý với quan niệm cần cảm thông, phân biệt giới tính hay ưu ái trong thứ hạng nghề nghiệp. “Vì đam mê và tình yêu nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh nữ nên tự tìm giải pháp vượt khó khăn để đáp ứng yêu cầu thời gian, kỹ thuật, cũng như bổn phận của người phụ nữ. Có lẽ, chỉ khi hết mình với nghệ thuật, thành quả đạt được sẽ chẳng thua kém gì phái mạnh, để có động lực thực hiện những dự án trong tương lai”.

Dùng nhiếp ảnh làm phương tiện biểu đạt

Nữ nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân cũng có 2 năm học nhiếp ảnh cơ bản ở một trường học tại London (Anh), nơi chị chuyển đến sống năm 2012, sau thời gian ở Pháp. Với nền tảng kỹ thuật vững vàng, chị mong muốn thực hành ngay lập tức và tạo ra điều gì đó với bộ óc sáng tạo thật khác biệt.

“Tôi muốn chứng minh với bố mẹ mình có thể kiếm tiền từ công việc nhiếp ảnh và tự nhủ bản thân sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia ở tuổi 25. Thật bất ngờ, ngay trước sinh nhật lần thứ 25, tôi đã có được công việc đầu tiên, chụp bộ sưu tập cho một thương hiệu. Đó là công việc khiến tôi vô cùng hạnh phúc, nó chứng tỏ tình yêu của tôi đã có được cho nhiếp ảnh”, Hứa Như Xuân chia sẻ.

Thời gian sau này, Hứa Như Xuân được nhiều người nhận xét, hình ảnh là ngôn ngữ chị thông thạo nhất. Ở mỗi tác phẩm, chị kể một câu chuyện khác nhau, về một người, một vật, một cột mốc; đôi khi là kể về chính mình. Hứa Như Xuân thực hiện chuỗi dự án cá nhân “Tropism” (Hướng động) (2016 - 2021), chắt lọc từ những khủng hoảng đã xuất hiện trong cuộc đời mình. “Những tác phẩm này, dù duy mỹ hay không, đều là nguồn sức mạnh và cảm hứng của tôi”. Trong đó, dự án đầu tiên "Tropism: Consequences of a Displaced Memory" khám phá dòng cảm xúc qua những bức ảnh lưu trữ của gia đình; “Tropism Theatre of Remembrance” tổng hợp nhiều mẩu chuyện, với nhiều mảnh vật khác nhau, biến đổi liên tục theo từng giai thoại.

Qua nhiều dự án, Hứa Như Xuân nỗ lực chia sẻ những câu chuyện chân thực thông qua nhiều hình thức trực quan khác nhau, trong đó nhiếp ảnh là phương tiện biểu đạt chính. "Tôi thích khám phá nhiều câu chuyện kể về một địa điểm, một người hoặc một đối tượng và bằng cách nào những câu chuyện này có thể liên kết với nhau trên cùng một bức ảnh. Đó quả thật là những công việc khó khăn và phức tạp nhưng rất thú vị!".

Hứa Như Xuân từng cộng tác với tạp chí TIME, Financial Times, Dazed Beauty, Dior và Kenzo… Chị quan niệm, một bức ảnh có hồn phải mang tính trung thực và kích thích xúc cảm người xem. “Thật lỗi thời khi cố gắng xác định tác phẩm theo khái niệm tốt hay xấu, đen hay trắng. Tôi cho rằng tất cả các lớp đều mang và định nghĩa tinh thần tác phẩm nhiếp ảnh. Bạn chỉ cần dành nhiều thời gian hơn để nhìn vào bức ảnh và tự hỏi tại sao bạn cảm thấy như vậy khi bạn chiêm ngưỡng nó. Với một nhiếp ảnh gia nữ làm việc theo nhóm, tôi nghĩ điều quan trọng là kiên trì, đam mê, xây dựng đội ngũ sáng tạo lâu dài. Mối quan hệ con người được đặt ngang hàng với tác phẩm đang sản xuất...”.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/hanh-trinh-sang-tao-cua-nu-nhiep-anh-gia-i327613/