Hành trình mới của nữ tướng thành Nam

Sự xuất hiện của 2 cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh và Lưu Ngọc Mai trong vai trò trợ lý HLV ở đội tuyển nữ Việt Nam không gây nhiều bất ngờ khi bộ đôi này đã có một thời gian dài gắn bó với công tác đào tạo sau khi chia tay sự nghiệp cầu thủ

Khi HLV Đoàn Thị Kim Chi vừa đánh tiếng xin rút lui để tập trung cho việc dẫn dắt CLB TP HCM, 2 tên tuổi cùng thời với cô lập tức được HLV trưởng Mai Đức Chung tiến cử thay thế: Văn Thị Thanh và Lưu Ngọc Mai.

Một thời xông pha sân cỏ

Đó là 2 chủ nhân đầu tiên của giải thưởng "Quả bóng vàng nữ Việt Nam" các năm 2001, 2003. Khi được triệu tập, Lưu Ngọc Mai đang dẫn dắt đội U19 nữ TP HCM, còn Văn Thị Thanh vừa hoàn tất khóa học Pro AFC hồi tháng 9, chuẩn bị trở thành nhà cầm quân nữ có chứng chỉ HLV cao cấp nhất.

Nói đến Văn Thị Thanh, có lẽ không người hâm mộ nào không biết đến cô tiền vệ xinh đẹp từng là trụ cột của đội tuyển nữ Việt Nam trong 8 năm. Thanh là tác giả bàn thắng quan trọng giúp tuyển Việt Nam giành HCV SEA Games 2003 trước Myanmar ngay ở kỳ đại hội được tổ chức trên sân nhà.

Trợ lý HLV Văn Thị Thanh thị phạm động tác trong một buổi tập của tuyển nữ Việt Nam. (Ảnh: VFF)

Trong màu áo đội bóng quê hương Hà Nam, Văn Thị Thanh thi đấu 72 trận và ghi 38 bàn thắng dù chơi ở vai trò tiền vệ. Khi chuyển sang huấn luyện, Thanh đã đưa chính CLB Hà Nam phá thế chân kiềng, trở thành đội bóng hàng tỉnh duy nhất cho đến nay được sánh vai 3 "chị đại" Hà Nội, TP HCM và Thái Nguyên trong danh sách những nhà vô địch bóng đá nữ Việt Nam (Hà Tây không được tính sau khi sáp nhập địa giới hành chính với Hà Nội).

Trong 2 năm theo học khóa huấn luyện viên bằng Pro AFC, Văn Thị Thanh dành một khoảng thời gian làm việc với các đội dự tuyển trẻ nữ ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bên cạnh việc nhận lời tham gia các chương trình bình luận bóng đá trên truyền hình. Cô cũng tranh thủ dịp nghỉ hè hằng năm để mở lớp học bóng đá ở Hà Nam với mục tiêu giúp trẻ em hạn chế việc chơi games và xem truyền hình, tăng cường hoạt động thể chất, giảm bớt sự ù lì.

Mục tiêu của Văn Thị Thanh là tìm kiếm những hạt mầm tốt và chắp cánh ước mơ cho các bé trai, bé gái theo đuổi bóng đá. Cô bày tỏ: "Những việc mà nam làm được thì nữ cũng có thể làm được. Bóng đá nữ thường xuyên chịu thiệt thòi, dù gần đây được quan tâm hơn nhưng chưa nhiều và đều đặn. Tôi muốn nâng cao vai trò của những phụ nữ đang làm công tác huấn luyện. Cụ thể là những cầu thủ đã cống hiến cho bóng đá nữ khi giải nghệ phải có chỗ đứng nhất định".

Trăn trở với bóng đá nữ

Muốn phát triển, bóng đá Việt Nam - bao gồm bóng đá nữ - cần yếu tố cốt lõi là phải có nhiều HLV giỏi.

Cựu tiền vệ quê Hà Nam nhìn nhận: "Bóng đá nữ cần có nhiều người thầy tận tâm, giỏi nghề để đào tạo những thế hệ cầu thủ đẳng cấp. Người thầy giỏi sẽ trang bị được nhiều kiến thức, đúng quy chuẩn cho cầu thủ trẻ để khi lên tuyển quốc gia, họ không phải mất nhiều thời gian để hòa nhập và nhanh chóng thể hiện được năng lực".

Văn Thị Thanh băn khoăn về "sự đồng bộ hóa trong cách thức huấn luyện, vận hành lối chơi" giữa các tuyến trẻ và đội 1.

Cô lý giải: "Ở các đội bóng nam, Hà Nội có chút gì đó về hình thái, lối chơi riêng được đồng bộ giữa các tuyến, tạm gọi là bản sắc. Còn các đội khác gần như chưa có, mỗi tuyến đều có triết lý chơi bóng riêng, từ U16, U19 lên U21 thì cầu thủ trẻ phải mất thời gian làm quen với triết lý của HLV mới. Nếu làm được việc đồng bộ hóa, có giám đốc kỹ thuật thì một đội bóng có thể xây dựng lối chơi xuyên suốt, từ đội trẻ đến đội 1. Đó chính là tương lai của bóng đá".

Chủ nhân "Quả bóng vàng nữ 2003" nói về việc theo học khóa đào tạo HLV chuyên nghiệp do AFC tổ chức: "Đã là HLV, ai cũng mong được trang bị nhiều kiến thức tiên tiến, hiện đại, phục vụ tốt cho công việc của bản thân. Tất nhiên, học và có cơ hội áp dụng kiến thức được học tại các đội bóng là rất tốt, không nhất thiết phải làm ở các đội chuyên nghiệp mà ngay ở các đội trẻ, nếu đào tạo ra nhiều cầu thủ giỏi còn quý hơn nhiều".

Với việc tiếp nhận kiến thức chuyên môn từ các khóa học bằng A và bằng Pro AFC, Văn Thị Thanh nhận ra rằng trong bóng đá không có đúng sai hay quy chuẩn mà mọi thứ đều có nguyên lý riêng trong từng khâu. Cô cũng muốn được lan tỏa kiến thức, chia sẻ những trải nghiệm để các HLV nữ đi sau đỡ vất vả hơn.

Từ khi nghỉ thi đấu cho đến lúc ngưng huấn luyện ở CLB Phong Phú Hà Nam, Văn Thị Thanh đã đi học và trải nghiệm rất nhiều. Với việc hoàn thành khóa học bằng Pro AFC, cựu tuyển thủ quê Hà Nam mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho bóng đá nữ.

Văn Thị Thanh cho rằng bóng đá nữ Việt Nam đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, trong đó việc được tham dự World Cup là cú hích lớn. Dĩ nhiên, ai cũng mong đã có được lần đầu tiên, bóng đá nữ Việt Nam cần có lần hai, lần ba... Đó là cơ sở của kế hoạch dài hạn, đưa bóng đá nữ Việt Nam tiếp cận gần hơn với trình độ bóng đá châu lục và thế giới.

Huỳnh Như đá vòng loại Olympic Paris

Hội quân từ đầu tháng 10-2023, đội tuyển nữ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho các trận đấu tại vòng loại thứ nhì Olympic Paris 2024 khu vực châu Á. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với CLB Lank FC để có được sự phục vụ của tiền đạo Huỳnh Như. Ở bảng C được tổ chức tại Uzbekistan, tuyển Việt Nam lần lượt gặp Uzbekistan (26-10), Ấn Độ (29-10) và Nhật Bản (1-11).

Vòng loại thứ nhì môn bóng đá nữ Olympic Paris 2024 khu vực châu Á có 12 đội tham dự, được chia làm 3 bảng, mỗi bảng 4 đội. Ba đội xếp nhất các bảng sẽ cùng với đội nhì bảng có thành tích tốt nhất lọt vào tiếp vòng loại cuối cùng, tranh 2 suất trực tiếp đến Paris.

Đ.Tùng

Quốc An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/hanh-trinh-moi-cua-nu-tuong-thanh-nam-20231021213151371.htm