Hành trình hoàn lương của ông trùm bảo kê bãi vàng khét tiếng một thời (Kỳ cuối)

Tay trắng thành tỷ phú 15 năm đi biệt tích. Lăn lóc khắp núi rừng, có mặt nơi "điểm nóng" của những bưởng vàng, mỏ đá quý, mỏ thiếc..., "người chết" Trần Văn Hiệu trở về quê với một cánh tay không lành lặn và đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Sống bằng người bình thường đã khó, vậy mà ít ai ngờ, với một nghị lực phi thường, Trần Văn Hiệu giờ đã thành tỷ phú, hạnh phúc trong gia đình có vợ đảm và 3 con ngoan ngoãn, học giỏi.

Chùn bước ngày về Ngồi dưới gốc cây nhãn lồng Hưng Yên, cái ghế dành cho anh Hiệu phải đặt chắc chắn bởi giờ đây anh khó giữ thăng bằng, một tay lửng buông thõng và đôi mắt không còn nhìn thấy nữa. Tiết trời oi nồng, chuẩn bị cho một cơn mưa lớn khiến di chứng của vụ tai nạn làm anh đau. Nỗi đau như mới ngày hôm qua. Anh kể lại: "Sau vụ tai nạn đó, tôi coi như mình đã chết. Thật sự, tôi không còn muốn trở về gặp người thân. Tôi mặc cảm với chính mình. Ngày đi trai tráng là thế, nay tai nạn thành phế nhân quay về quê thì đau lắm. Đau cho gia đình, bố mẹ và đau cho chính bản thân mình". Nghĩ sao làm vậy, anh Hiệu đã giấu mình, ẩn tên tuổi nơi vùng đất Đại Từ - Thái Nguyên. Gia đình bạn cũng tôn trọng suy nghĩ của anh nên không báo tin. Họ cưu mang anh bởi những ân tình có với nhau từ ngày trong các bưởng vàng, mỏ đá. 5 năm dài đằng đẵng kể từ ngày gặp nạn, nhớ bố mẹ anh cũng đành chôn chặt trong lòng. Sự chán nản khiến cho anh không muốn liên lạc với gia đình. Một lần, có một anh cùng huyện Thanh Miện học ở Học viện Hậu Cần gặp anh Hiệu ở Đại Từ. Gặp người quen, biết họ còn nhận ra mình, trong thâm tâm anh Hiệu cũng vui lắm. Trái tim tưởng như đã chai sạn sau những năm tháng sinh sống nơi khắc nghiệt nhất bỗng đập rộn ràng. Nỗi nhớ nhà, sự ăn năn khi nghĩ về bố mẹ khiến bao đêm anh thao thức không ngủ được. Nhưng gạt qua tất cả, anh vẫn không muốn báo tin về nhà dù biết gia đình và mọi người tưởng anh đã chết. "ừõ thôi, sống mà thành tàn tật thì coi như đã chết để người thân đỡ đau lòng", bao lần anh đã nhủ lòng như vậy. Bố mẹ, gia đình nhận được tin báo của người cùng huyện, biết rằng anh chưa chết nên đã cất công lên Thái Nguyên tìm con. Ba lần người nhà lên tìm, khuyên anh trở về nhưng cả ba lần anh đều không nhận thân quen. Lần nào, nghe bước chân họ nặng nề ra về anh cũng thấy nhói đau. Bố mẹ già đi lại nhiều lần, động viên anh trở về, vợ chồng người bạn cũng khuyên nhủ ngày đêm nên khiến cho trái tim muốn hóa đá của anh tan chảy. Anh quyết định về quê. Cái tin anh Hiệu trở về khiến nhiều người bán tín, bán nghi. Người làng kéo đến chật nhà xem thực hư câu chuyện "người chết" trở về. Mọi chuyện dần dần cũng êm xuôi, dân làng bàn luận chán rồi cũng thôi. Thời gian sauT, một người con gái đảm đang, tháo vát chẳng quản vất vả đã đem lòng yêu anh. Năm 2000, họ thành vợ chồng. Đến nay, anh đã có 2 con gái và 1 con trai. Trò chuyện với tôi, anh tâm sự thật: "Chưa bao giờ cô ấy căn vặn về quá khứ trước đây của tôi. Cô ấy chỉ biết có thời gian tôi đi biệt tích nhưng chẳng biết, mà dường như không cần biết, tôi làm gì, ở đâu". Có lẽ, với chị khi chung sống với một người mang nỗi đau từ quá khứ thì không nhắc lại chuyện cũ vẫn tốt hơn, trừ khi anh muốn kể lại. Hôm nay, kể lại cho tôi chuyện của 15 năm biệt tích, giọng anh vẫn đầy xót xa: "Giờ đây ngẫm lại, tôi thấy phí tuổi thanh xuân quá. Ngày ấy, tôi biết trân trọng nó, hướng tuổi trẻ của mình vào những việc có ích, những nơi tươi sáng thì gia đình, bố mẹ không phải bận lòng. Đằng này, tôi lại tự đày mình vào những nơi không có tiền đồ, tương lai, nơi tình người cạn kiệt, mạng người cũng bị coi rẻ. Nhiều khi tôi cũng tự trách mình lắm"! Điều này, tôi đã đọc được trên khuôn mặt của anh. ở đó, vẫn còn sự gồ ghề của những tháng năm đầy sóng gió cuộc đời. Những vết sẹo dài cứ giật giật mỗi khi anh xúc động. Trả hết nghiệp chướng Anh Hiệu trở về với hai bàn tay trắng thân thể không lành lặn, lấy vợ cũng không có tiền làm nhà. Hai bên gia đình đều nghèo cả. Vay tiền làm nhà không được, bởi người ta vẫn còn hoài nghi về sự tu chí của anh. Vẫy vùng thoát ra khỏi cảnh nghèo túng, anh lại một lần nữa ra đi. Anh lên đường vào TP. Hồ Chí Minh làm nghề buôn đầu video, băng đĩa lậu. Một năm sống nơi phố thị, anh thấy chán những việc làm không chính danh ấy. Mang được 10 triệu ra Bắc làm vốn. ở nhà, chị vợ cũng tằn tiện nuôi con lợn, con gà để ra được ít tiền. Hai vợ chồng tập trung nuôi 20-30 con lợn, xin xã miếng đất hoang làm nhà. Có mấy chục triệu đồng làm vốn, anh đi tìm hiểu xem mọi người kinh doanh như thế nào. Anh chị quyết định mở một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Nghị lực của anh được tôi luyện cùng với những năm thử thách khắc nghiệt nhất. Anh bảo: "Tôi sống giữa những người nghiện, nhưng có lẽ cả bãi vàng chỉ có mình tôi không mắc nghiện". Chính vì thế, khát vọng làm giàu, thoát nghèo ngày trở về đốt cháy trong con người anh. Lao vào làm ăn, từ buôn bán nhỏ, anh mạnh dạn vay vốn mở rộng thêm quy mô. Đến nay, anh có một cửa hàng bán vật liệu xây dựng do vợ quản lý, có xe chở hàng đi các tỉnh lân cận mà anh thường xuyên đi áp tải. Bên cạnh đó, vợ chồng anh cũng có thêm mấy chiếc ô tô du lịch chở khách theo hợp đồng. Trên các cung đường Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, xe của Trần Cò đã quá quen thuộc với nhiều người. Tổng tài sản của vợ chồng anh Hiệu cũng đến con số vài tỷ đồng. "Mục đích của vợ chống tôi giờ là làm ăn chân chính", kiếm tiền để nuôi các con ăn học chu đáo, bằng bạn bằng bè", anh tâm sự. Phải chăng, từ cuộc đời sóng gió của mình, anh muốn làm tất cả để bù đắp cho con. Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh có hé lộ tham vọng thành lập tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề. Anh đã mua đất ở Móng Cái, dự định xây nhà và tạo dựng một đầu mối xuất khẩu gạo. Một tháng trước, anh ra Móng Cái để khảo sát thị trường và lập phương án kinh doanh. Tuy nhiên, anh cho biết vướng mắc bây giờ vẫn là tìm người quản lý. Anh không muốn đưa vợ con ra Móng Cái, bởi theo anh đây là vùng đất thuận cho buôn bán kinh doanh nhưng không lành cho việc học hành, tu dưỡng đạo đức của trẻ nhỏ. Vẫn đau đáu với những người bạn đã gắn bó sinh tử thời trai trẻ, anh nói với tôi mà như đang độc thoại với chính mình: "Tôi có thằng bạn cùng thời đi đào vàng, cũng đâm thuê, chém mướn. Nó giờ đây rượu chè, nghiện ngập, tôi đang cải tạo nó để đưa ra Móng Cái trông coi việc kinh doanh ở đây. Nếu được tôi chỉ đi lại kiểm tra thôi". Muốn giúp bạn, nhưng không phải giàu là cho nhau được. Anh muốn bạn hướng thiện, tự cải tạo mình để có một bến đỗ bình an như chính cuộc đời của anh. Đến giờ, sau những gì đã trải nghiệm, anh tin rằng mọi chuyện đều có luật nhân - quả. Những lúc an nhàn, thư thái anh vẫn đến thắp hương tại một ngôi điện thờ gần nhà, lắng nghe những lời căn dặn của tiền nhân để giác ngộ chính bản thân mình. Anh tâm sự: "Tôi muốn được trả hết nghiệp chướng đã gây ra để từ đây được thanh thản". Cảm cái tâm trong mỗi việc anh làm, tôi tin mọi điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình anh. Quá khứ đã ngủ yên... Vương Hà Kỳ cuối: "Người chết" trở về từ bãi vàng

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=4665&lang=vn&zone=22&zoneparent=0