Hành trình Dời đô: Màn tái hiện lịch sử trầm hùng và xúc động

(VnMedia) - Hàng trăm người dân cố đô Hoa Lư ra tận bờ sông Sào Khê để tiễn Vua Lý Công Uẩn dời đô dưới trời mưa, rất đông người dân Thăng Long đổ về bến Chương Dương dưới trời nắng thu trong mát để đón vua và quan quân triều đình từ Ninh Bình về Đại La - đó là những hình ảnh xúc động trong Lễ hội Hành trình Theo dấu người xưa diễn ra từ ngày 30/9 và kết thúc vào chiều ngày 2/10/2010.

Rất đông người dân Thăng Long ra bến Chương Dương đón "Vua" Lễ dời đô - tiễn Vua trong “nước mắt” của trời Sáng ngày 1/10 tại đền Vua Đinh và đền vua Lê đã diễn ra lễ tế các Vua của 3 triều đại tại cố đô Hoa Lư. Sau đó là màn nghệ thuật tái hiện hành trình dời đô của vua Lý Công Uẩn. Trước đó vài ngày, trời mưa tầm tã, nhưng đến chiều ngày 30/9 đã trở nên tạnh ráo. Chính vì vậy, đêm khai mạc Lễ hội Hành trình Theo dấu người xưa được diễn ra khá suôn sẻ với thời tiết quang đãng. Sáng 1/10, trời mưa từ rất sớm nhưng khi đoàn rước vào đền vua Đinh làm lễ thì trời lại tạnh. Tuy nhiên, sau khi làm lễ xong, đoàn đang đi sang đền vua Lê thì trời mưa như trút nước. Nhiều người dân Hoa Lư nói vui rằng, “trời khóc tiễn Vua dời đô nên mới mưa to như thế”. Mặc dù trời chưa tạnh hẳn, vẫn lất phất mưa và đường đi khá lầy lội nhưng hàng trăm người dân cố đô Hoa Lư vẫn ra tận bến sông Sào Khê để tiễn “vua” Lý Công Uẩn và quan quân triều đình lên thuyền dời đô về Thăng Long. Hình ảnh những người dân đứng trên triền đê giơ tay vẫy mãi đến khi đoàn thuyền của Vua đi rất xa mới trở về làng là những hình ảnh đẹp và đầy xúc động. Hàng trăm người dân Phố Hiến đã ra tận bến sông tiễn "Vua" Phố Hiến, Hưng Yên - Thắm đượm tình người Vì nước to nên tận gần 19h đoàn thuyền của nhà vua mới về tới Phố Hiến - Hưng Yên. Hàng trăm người dân phố Hiến đã ra tận bến sông Yên Lệnh để đón đoàn. Các cụ “thanh đồng, tư văn” khăn áo xúng xính cầm sanh tiền đứng múa hát đón đoàn và theo sau xe về tận Quảng trường thành phố Hưng Yên. Đúng 20h, đêm nghệ thuật Hưng Yên cùng dòng chảy ngàn năm được diễn ra với sự mở đầu bằng màn trống hội, sau đó, đoàn quan quân triều đình và vua Lý Công Uẩn xuất hiện trên sân khấu đã khiến hàng ngàn người dân có mặt ở quảng trường vỗ tay reo hò cùng tiếng hô vang “Đức Vua vạn tuế, vạn vạn tuế!” thực sự xúc động. Đêm nghệ thuật đã tái hiện một miền đất ven sông Hồng trù phú, xanh tươi với nhiều sản vật từ nghề nông, mà đặc biệt là nhãn lồng. Trong những gánh hàng biểu diễn trên sân khấu, hình ảnh trái nhãn lồng được khắc họa rõ nét, như là một trong những thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của vùng đất Hưng Yên trù phú. Sáng 2/10, đoàn vua quan Lý Công Uẩn dời Hưng Yên, đi từ quảng trường ra bến Yên Lệnh. Tại đây, hàng trăm người dân đã có mặt từ sáng sớm, hơn hai chục thanh niên nam nữ tuổi 18 xếp hai hàng để dâng lên Vua Lý Công Uẩn những sản vật đặc sắc của quê hương nhãn lồng. Đoàn thuyền nhà vua dời Hưng Yên trong tiếng nhạc nghi lễ vừa trang trọng vừa trầm hùng, người dân tràn xuống tận mé nước để giơ tay vẫy tiễn Vua mãi không chịu trở về. Rất đông người dân Thăng Long ra bến Chương Dương đón "Vua" Đại La đón “vua” Lý trong nắng thu dịu mát Đúng 15h, đoàn thuyền của nhà Vua cập bến Chương Dương. Người dân Thăng Long đứng dày đặc bến sông để đón đoàn. Dưới nắng thu dịu mát, gần chục chiếc thuyền biểu diễn những màn bơi chải đầy khỏe khoắn và tạo hình đẹp mắt. Những thanh niên trai tráng của kinh thành Thăng Long đã thể hiện sức trẻ, nhiệt huyết của người dân nơi đây chào đón nhà vua dời đô đến miền đất mới, nơi có thế “rồng cuộn, hổ ngồi…”. Đoàn vua quan lên xe rồng trong tiếng reo hò của người dân hai bên đường. Điểm dừng chân cuối cùng trong Hành trình Theo dấu người xưa là Hoàng Thành Thăng Long. Tại điện Kính thiên, nhà vua cùng các nhà sư đã làm lễ cầu khấn đất trời, sau đó trích đọc Chiếu dời đô và tổ chức múa hát mừng vua, cũng là để khao dân chúng có mặt. Hành trình Theo dấu người xưa đã khép lại trong những ngày đầu tiên của Đại lễ Ngàn năm Thăng Long trong không khí trang trọng và mang đậm dấu ấn lịch sử. Các diễn viên của Nhà hát chèo Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Thành phố và Sở VHTTDL giao phó - trực tiếp thực hiện toàn bộ Lễ Hội với sự hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên. Lần đầu tiên làm tổng đạo diễn một Lễ Hội lớn với 2 đêm truyền hình trực tiếp liên tục tại hai địa phương khác nhau cùng rất nhiều hoạt động quan trọng khác, NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ tôi và toàn bộ ê kíp thực hiện cũng hơi lo lắng, nhưng chúng tôi đã vào cuộc bằng tinh thần quyết tâm cao, bởi đêm khai mạc Lễ hội chính là hoạt động chính thức đầu tiên của Đại Lễ. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức một cách tốt nhất, hiệu quả nhất để “đầu xuôi, đuôi lọt”. Cho đến thời điểm này, tôi hoàn toàn hài lòng và cảm thấy vô cùng hạnh phúc, sung sướng khi Lễ Hội đã thành công mỹ mãn được quần chúng nhân dân các địa phương và dư luận khắp nơi dành cho những tình cảm tốt đẹp”. Lễ Hội Hành trình Theo dấu người xưa được UBND Thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, Sở VHTTDL Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên tổ chức và đơn vị thực hiện là Nhà hát chèo Hà Nội cùng với Nhà hát chèo Ninh Bình, Nhà hát chèo Hưng Yên và một số đơn vị nghệ thuật khác. Những hình ảnh trong Hành trình Dời đô: Nhà Vua cùng các nhà sư làm lễ ở đền Vua Đinh Lên thuyền dời cố đô Hoa Lư Dừng chân tại Phố Hiến - đoàn nhà vua đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân nơi đây Ngược dòng sông Hồng, vua và hoàng hậu cùng quan quân triều đình đã về đến Chương Dương dưới sự đón tiếp của hàng trăm người dân nơi đây. Sau đó, đoàn đã về làm lễ tại điện kính thiên trong Hoàng Thành Thăng Long và kết thúc Lễ Hội Hành trình Theo dấu người xưa. Nhật Anh - (ảnh Bá Lục)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=58&newsid=202038