Hành trình chưa dừng lại của tác giả bài thơ 'Mùa hoa cải'

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng được biết đến là người lãng mạn trong thơ ca, quyết liệt trong báo chí, sâu sắc trong nghiên cứu văn hóa - lịch sử.

Hai tập sách về Hồ Xuân Hương của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng. Ảnh: NVCC.

Hai tập sách về Hồ Xuân Hương của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng. Ảnh: NVCC.

Tác giả bài thơ “Mùa hoa cải” nổi tiếng đã gần tuổi 70 nhưng sức sáng tạo, sự đam mê, nhiệt huyết với văn hóa - nghệ thuật thì vẫn dồi dào, sung sức.

“Lộc trời” của quê ngoại

Nhắc đến nhà thơ Nghiêm Thị Hằng là nói đến gương mặt nổi bật của thi ca đương đại. Bà chính là tác giả bài thơ “Mùa hoa cải” mà nhạc sĩ Lê Vinh phổ thành giai điệu quen thuộc với nhiều người:

“Có một mùa hoa cải

Nở vàng bên bến sông

Em đương thì con gái

Đợi anh chưa lấy chồng…”

Bài thơ đã nói hộ tâm tư, nỗi lòng của biết bao cặp đôi yêu nhau thời chiến. Tình yêu, sự thủy chung luôn được người con gái giữ chặt trong lòng. Ngoài chiến trường, người chiến sĩ có thể hy sinh bất cứ khi nào nên có biết bao tình yêu còn dang dở.

Đến nay, nhiều người còn đưa ra giả thiết về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, như: Tác giả viết về mối tình của anh trai là liệt sĩ hay viết về mối tình của một liệt sĩ nào đó?

Trong căn nhà ở con ngõ nhỏ ở phố Giảng Võ (Hà Nội), nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị, “xé toang” những giả thiết trước đó. Bà sinh ra ở quê nội Cổ Nhuế (Hà Nội), khi lên 5 tuổi, cha không may qua đời, mẹ đi bước nữa.

Nhà có 3 anh em, thì 2 người anh ở lại với mẹ còn cô bé Hằng được người cậu ruột đón về quê ngoại nuôi, đó là làng Kim Xa, có triền bãi lở bồi theo dòng sông Hồng những mùa lũ đi qua (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

“Suốt tuổi thơ, tôi chỉ gặp anh trai cả vài ba lần và lần cuối cùng là khi anh hành quân qua quê ngoại ghé qua chia tay em để vào Nam chiến đấu. Lần chia tay ấy, anh trai của tôi đã ra đi mà không trở về. Thế nhưng, nhân vật tôi nhắc trong bài thơ lại là người khác”, bà nói.

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng kể, lúc học lớp 8, bà trở thành giao liên “đưa thư tình” của anh Trần Văn Đính cho người yêu là chị Phùng Thị Thức. Cô bé Hằng chính là người chứng kiến buổi chia tay của anh Đính và chị Thức vào một chiều đầu Đông bên bến sông rực vàng màu hoa cải.

Anh Đính lên đường đi bộ đội và đã hy sinh, để lại lời thề dang dở bên bến sông quê. “Là người chứng kiến toàn bộ chuyện tình của họ, tôi vô vùng thương xót, cảm thông và đó chính là mạch nguồn cảm xúc để tôi sáng tác nên bài thơ “Mùa hoa cải”.

Rất may là bài thơ đã được nhiều người biết đến khi thời điểm đó có biết bao đôi trai gái rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chiến tranh đã chia cắt họ. Người mất đi, người ở lại trần thế với biết bao khắc khoải, khổ đau… Bài thơ này như “lộc trời” của quê ngoại dành cho tôi”, nhà thơ chia sẻ.

Làm thơ để “dung hòa” cuộc sống

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng. Ảnh: NVCC.

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng. Ảnh: NVCC.

Nghiêm Thị Hằng sáng tác thơ đa dạng, nhiều màu sắc. Tính đến nay bà đã xuất bản 5 tập thơ: “Mưa mùa Thu” (năm 1990), “Lời tỏ tình của biển” (năm 1996), “Lời thì thầm” (năm 1997), “Bài hát xanh” (năm 1999), “Lâu đài trên cát” (năm 2007) và đã có khoảng 200 bài thơ được phổ nhạc.

Thơ của bà sâu sắc, ý nhị và tràn đầy xúc cảm vì thế nó đã “bay” vào khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ tên tuổi, như: Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Huy Thục, Thanh Phúc, Cầm Phong, Thế Song, Đoàn Bổng…

Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Phúc đúc rút: “Thơ của Nghiêm Thị Hằng bắt nguồn từ công việc của cô ấy, đó là làm báo tại tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Bởi thế, chủ đề làng quê, công việc đồng áng đầy ắp trong đầu cô ấy, nên trong thơ luôn gắn bó với đồng quê, rất trữ tình, bài nào cũng có thể phổ nhạc”.

Là người đã phổ bài thơ “Lời ru đưa nôi”, “Về Vĩnh Tường quê anh”, “Khúc hát bên sông” của Nghiêm Thị Hằng, nhạc sĩ Đoàn Bổng nhận định: “Ai đó có cuộc sống êm đềm thì thơ ca sẽ khó hay còn riêng với Nghiêm Thị Hằng lại khác. Do biến cố gia đình nên chị sống thiếu tình cảm của cha mẹ, sau này lớn lên chị xông pha, quyết liệt với nghề báo và đã bị không ít kẻ xấu đe dọa.

Bởi vậy, tôi nhận thấy trong thơ của chị ngoài chủ đề về nông thôn, nông nghiệp và nông dân còn là tiếng nói mạnh mẽ của người phụ nữ với khát khao được yêu, được sống, được đối xử công bằng. Có thể hình dung thơ ca là phương tiện, là “vũ khí” để chị thổ lộ, tâm tình, để đưa ra quan điểm của mình trước vấn đề trái tai gai mắt trong xã hội đương thời”.

Công việc chính là Nghiêm Thị Hằng là một nhà báo. Bà từng là phóng viên kỳ cựu của Báo Nông nghiệp Việt Nam rồi Trưởng phòng Pháp luật - Bạn đọc, Tạp chí Người Cao tuổi. Mặc dù làm thơ, yêu thơ nhưng bà lại không viết báo mảng văn hóa, văn nghệ mà đi thể loại phóng sự điều tra.

Những phóng sự điều tra của bà đã vạch trần các tội ác, sai trái, vô phép tắc của một số cá nhân, đơn vị và không ít kẻ đã phải ra trước vành móng ngựa. Lựa chọn công việc đầy căng thẳng, thách thức và hiểm nguy nên thơ ca có thể nói như một sự “dung hòa” trong công việc tất bật, bộn bề.

Thơ ca giúp bà tin yêu vào cuộc sống, tin vào chân lý và những điều tử tế trong xã hội. Thơ ca giúp bà vững tin, vững tâm hơn với những tuyến bài điều tra gai góc khi đối tượng là những kẻ hung hãn, bất chấp.

Làm sáng rõ hơn về Hồ Xuân Hương

Bìa cuốn sách 'Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương'. Ảnh: NVCC.

Bìa cuốn sách 'Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương'. Ảnh: NVCC.

Chỉ trong vòng chưa đến 2 năm, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã xuất bản 2 cuốn sách về nữ sĩ Hồ Xuân Hương là “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” (NXB Hồng Đức, năm 2021) và “Hồ Xuân Hương tiếng vọng” (NXB Văn học, năm 2022) cho thấy sức làm việc, sức sáng tạo không mệt mỏi của nữ sĩ đã ở gần tuổi “thất thập”.

Điều đặc biệt trong nghiên cứu Hồ Xuân Hương, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã đưa ra những góc nhìn mới, thậm chí chưa từng được công bố về “Bà chúa thơ Nôm”. Bà đã vận dụng những kiến thức về văn học, lịch sử và tâm linh để “hóa giải” về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương.

Những công trình nghiên cứu của bà cũng là tài liệu hết sức quan trọng và tin cậy để “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương gần đây đã được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.

Lý giải cơ duyên đến với việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng cho biết, tuổi thơ của bà lớn lên ở đất Phủ Vĩnh Tường - nơi có người chồng của nữ sĩ là ông Trần Phúc Hiển làm tri phủ Tam Đái, tiền thân của phủ Vĩnh Tường.

Bởi vậy, việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương cũng là trách nhiệm của một người con quê hương Vĩnh Tường với tấm lòng, sự thành kính và biết ơn. “Duyên ấy, nghiệp ấy đến với tôi vào năm 2019 về phủ Vĩnh Tường viết bài ký “Để thương nhau đến tận bây giờ”.

Không ngờ đó chính là ngày mà 200 năm trước ông phủ Vĩnh Tường từ giã cõi đời, để lại mối nhân duyên “Thương nhau đến tận bây giờ” với “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương. Những ngày đại dịch Covid-19 chính là thời gian tôi ngồi nhà viết về Hồ Xuân Hương qua những tư liệu, tài liệu thu thập được từ Vĩnh Tường, làng Nghi Tàm (Tây Hồ), nơi sinh thời nữ sĩ sinh sống) và quê hương của nữ sĩ ở Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)”, bà nói thêm.

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng bên tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: NVCC

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng bên tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: NVCC

PGS.TS, nhà phê bình văn học Vũ Nho nhận định: “Nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng không tuyên bố mình viết tiểu thuyết lịch sử theo trường phái nào. Chỉ với lòng tôn kính và ngưỡng mộ nhà thơ, kì nữ, “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương mà tác giả cầm bút vượt qua mọi khó khăn để dựng lại chân dung cuộc đời của nữ sĩ theo sự hiểu biết và cảm thấu của mình.

Lần đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử mà thành công như Nghiêm Thị Hằng cũng là việc đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Tất nhiên, có thể có người băn khoăn vì một số chi tiết về năm tháng Nguyễn Du gắn bó với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du kết hôn với bà Đoàn Thị Huệ, Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” tức “Đoạn trường tân thanh” vào thời gian nào và ở đâu thì chưa được khẳng định. Nhưng không sao. Đây là tiểu thuyết chứ không phải là công trình biên khảo”.

Chia sẻ thêm về công trình nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng cho biết: “Hiện nay, rất nhiều giả thiết về “Bà chúa thơ Nôm”, tất nhiên có những giả thiết có cơ sở, có giả thiết không có cơ sở.

Bởi vậy thông qua những nghiên cứu của mình, tôi mong muốn làm sáng rõ hơn về Hồ Xuân Hương - một nhà thơ nữ tài năng của thi ca Việt Nam, một niềm tự hào của Việt Nam khi vừa qua “Bà chúa thơ Nôm” đã được vinh danh “Danh nhân văn hóa”.

Công trình nghiên cứu của tôi như “món quà” của hậu thế dâng lên người xưa, mong sao danh hiệu cao quý “Danh nhân văn hóa” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương không chỉ tỏa sáng trên quê hương đất Việt mà còn rạng danh trên thế giới”.

Tất bật, vội vã, lúc nào nhà thơ Nghiêm Thị Hằng cũng như đang chạy đua với thời gian. Dù đã nghỉ hưu với công việc ở tòa soạn nhưng bà vẫn viết báo, vẫn đang dang dở với nhiều tuyến bài điều tra, bởi bà bảo “tôi thương những người dân thấp cổ bé họng và muốn làm gì để lấy lại lẽ phải, sự công bằng”.

Bên cạnh đó, tác giả “Mùa hoa cải” chưa dừng lại trên hành trình tìm mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương nên chúng ta có quyền chờ đợi tin vui của bà về kết thúc bí ẩn phần mộ nữ sĩ tài hoa bậc nhất trong nền thi ca Việt Nam ở đâu.

Ngô Khiêm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-chua-dung-lai-cua-tac-gia-bai-tho-mua-hoa-cai-post640721.html