Hành trình cay đắng của những người vượt biên sang Thái Lan

Sau khi vượt biên sang Thái Lan rồi 'vỡ mộng', một số người dân ở huyện Chư Pưh đã may mắn được hồi hương.

Trở về với buôn làng, họ đã kể lại hành trình cay đắng và những tủi cực phải nếm trải nơi đất khách quê người. Câu chuyện của họ càng làm rõ thêm bộ mặt xấu xa của những kẻ luôn tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phản bội lại lòng tin của chính đồng bào mình.

Mới đây, chúng tôi có cuộc gặp anh Rơ Châm Ty (SN 1981, trú tại làng Bê Tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Anh Ty vừa may mắn được trở về quê hương sau hơn 1 năm sống cơ cực ở huyện Bang Yang, tỉnh Nonthaburi, Thái Lan.

Anh Rơ Châm Ty kể về cho vợ những ngày lao đao ở đất Thái. Ảnh: Thúy Trinh

Cũng như nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cư trú bất hợp pháp ở Nonthaburi, công việc của anh Ty không ổn định, chủ yếu là quét rác, nhặt ve chai, phụ hồ... với tiền công rẻ mạt (khoảng 200-300 bath, tương đương 140-210 ngàn đồng/ngày). Trong khi đó, tiền thuê trọ mỗi tháng trung bình đã mất hơn 2 triệu đồng cho 1 căn phòng chật chội.

Trở về làng, anh Ty biết ơn lực lượng Công an, chính quyền bao nhiêu thì căm phẫn đối tượng Rơ Mah Thuyn bấy nhiêu. Thuyn quê ở xã Hbông (huyện Chư Sê) và đang sống tại Thái Lan bằng cái nghề bất nhân là lừa đảo đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên để bỏ túi số tiền chênh lệch. Điều đáng nói, đằng sau Thuyn còn có sự hậu thuẫn của FULRO lưu vong luôn tìm mọi thủ đoạn để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ vì tin lời lừa phỉnh của Thuyn, anh Ty đã phải trả cái giá quá đắt.

Anh Ty kể: “Tôi bị Thuyn lừa, nói là qua Thái Lan làm mỗi ngày tiền công được 1-2 triệu đồng. Vậy mà qua đến đó, nó bỏ rơi tôi, điện thoại không liên lạc được, Facebook thì nó chặn. Một mình tôi lang thang, đi làm phụ hồ, lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Tôi nhớ nhà, nhớ vợ con mà không biết phải làm sao để về. Tôi căm giận Thuyn lắm. Tôi muốn kêu gọi bà con đừng bao giờ bị mắc lừa như tôi và cũng mong những ai lỡ bị lừa sang Thái Lan rồi thì hãy quay về, ở bên đó chỉ phí thời gian thôi. Về Việt Nam có gia đình, bà con, chính quyền luôn bên cạnh giúp đỡ, động viên chứ không ai bắt mình cả”.

Anh Ty nhắn nhủ như thế vì khi còn ở Thái Lan, FULRO lưu vong thường xuyên tuyên truyền những người dân tộc thiểu số trên đất Thái không được hồi hương vì sẽ bị chính quyền bắt bớ, bỏ tù. Luận điệu của những kẻ độc ác, tráo trở đã khiến nhiều người ngậm đắng nuốt cay chật vật sinh tồn nơi đất khách quê người. Thế nhưng, anh Ty quyết tâm tìm cách trở về quê vì tin rằng mọi thứ không như bọn phản động xuyên tạc. Đó có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của người đàn ông này.

Ông Nay Ky-Trưởng thôn Bê Tel-cho biết: “Những người vượt biên sang Thái Lan rồi trở về như anh Ty thường rất khó khăn về kinh tế và tinh thần. Họ phải kiếm tiền để trả món nợ do chuyến vượt biên, lại ít nhiều mặc cảm với bà con dân làng. Vì vậy, cán bộ thôn và lực lượng Công an hỗ trợ họ làm thủ tục vay vốn tín dụng chính sách để ổn định cuộc sống, thường xuyên động viên để họ bớt tự ti, sớm hòa nhập cộng đồng”.

Kể từ đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ Thái Lan siết chặt quản lý người nhập cư trái phép. Cơ quan chức năng nước này cũng xử phạt rất nặng đối với người dân Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp. Điều đó càng làm cho cơ hội tìm kiếm việc của những người Việt vượt biên sang đây trở nên mong manh. Nhiều người dù khỏe mạnh nhưng không có việc làm. Cuộc sống của họ rơi vào cảnh cùng cực và dần phụ thuộc hoàn toàn vào sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện. Họ còn phải tìm đủ mọi cách để đối phó với các đợt kiểm tra, truy quét của cảnh sát Thái Lan. Trường hợp anh Kpuih Blong (SN 2002, làng Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) là một ví dụ.

Lực lượng Công an, chính quyền địa phương đến động viên anh Kpuih Blong (bìa trái) ổn định cuộc sống. Ảnh: T.T

Tháng 1-2023, Blong vượt biên cùng người anh và 4 cháu nhỏ. Tưởng rằng đến Thái Lan sẽ có nhiều tiền, sống sung sướng nhưng thực tế ở Bang Yai đã làm Blong “vỡ mộng”. Có lần, vì cảnh sát Thái Lan truy quét, cả 6 người nhà Blong phải bỏ trốn ra cánh đồng lúa cách phòng trọ 2 km. 2 ngày sau, họ mới dám về phòng trọ. Không chịu nổi cuộc sống bí bách, lúc nào cũng bất an, lo sợ đó, ngày 18-3-2024, Blong hồi hương.

Blong kể: “Tôi phải ở suốt trong phòng trọ trông cháu cho anh đi làm phụ hồ kiếm tiền. Thỉnh thoảng đổi lại, anh ở nhà, em đi làm thay. Tôi không dám ra ngoài vì sợ cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù, sống không thoải mái chút nào. Lúc nào cũng sợ hãi, lại không có tiền, nhớ gia đình nên tôi quyết định trở về. Hơn 1 năm là quá đủ rồi”.

Nói về tình hình vượt biên và hồi hương trên địa bàn huyện, Trung tá Bùi Mạnh Tuấn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 6 trường hợp tự nguyện hồi hương từ Thái Lan. Phần lớn họ bị lừa đưa qua Thái Lan bằng đường bộ, vượt biên qua đường tiểu ngạch với chi phí 7-9 triệu đồng/người. Lực lượng Công an phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, động viên họ an tâm tư tưởng và bằng những gì đã trải qua tuyên truyền bà con không vượt biên. Đồng thời, cơ quan Công an đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, bóc gỡ, xử lý đường dây tổ chức đưa người vượt biên trên địa bàn. Bà con cần tỉnh táo nhận diện, cảnh giác với thủ đoạn hoạt động của FULRO lưu vong và những đối tượng cò mồi, buôn người ở bên kia biên giới. Đồng thời, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an giúp đỡ những người lầm lỗi vượt qua mặc cảm, tự ti, chăm lo lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống trên quê hương”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hanh-trinh-cay-dang-cua-nhung-nguoi-vuot-bien-sang-thai-lan-post273170.html