Hành trình 80 năm Sukhoi: Từ 'cổ lỗ' đến đỉnh cao 'xe tăng bay'

Tập đoàn Sukhoi được thành lập vào năm 1939. Từ những máy bay ném bom cánh quạt trong Thế chiến II, họ đã thiết kế ra nhiều chiến đấu cơ mẫu mực của thế giới.

Phòng thiết kế Sukhoi, còn gọi là OKB-51 được thành lập vào năm 1939 bởi Paven Sukhoi, kỹ sư hàng không vũ trụ Liên Xô. Ngay khi phòng thiết kế được thành lập, ông cùng các cộng sự bắt tay vào thiết kế máy bay ném bom hạng nhẹ Su-2. Khoảng 900 chiếc được chế tạo và chiến đấu trong Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, đội ngũ thiết kế của Sukhoi bắt tay chế tạo máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên là Su-7. Gần 2.000 chiếc Su-7 được chế tạo và đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1960 cho đến cuối những năm 1980. Ảnh: Wikipedia.

Tiếp nối thành công của Su-7, Sukhoi tiếp tục cho ra đời mẫu máy bay đánh chặn Su-9. Khoảng 1.100 chiếc đã được sản xuất và sử dụng cho đến cuối những năm 1970. Phiên bản nâng cấp sau đó là Su-11. Tuy vậy, phiên bản nâng cấp này không thực sự thành công. Ảnh: Wikipedia.

Ngay khi NATO giới thiệu mẫu máy bay ném bom chiến lược mới, Sukhoi lập tức đáp trả bằng việc cho ra đời mẫu máy bay đánh chặn Su-15. Nó trở thành đỉnh cao của công nghệ của Sukhoi trong những năm Chiến tranh Lạnh. Su-15 vẫn là xương sống trong các đơn vị không quân tiền tuyến cho đến những năm 1990. Ảnh: Wikipedia.

Bên cạnh việc chế tạo tiêm kích đánh chặn, Sukhoi tiếp tục gặt hái thành công với mẫu máy bay cường kích Su-17. Máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1966. Khoảng 2.900 chiếc đã được sản xuất. Các phiên bản nâng cấp như Su-22M3/M4 vẫn còn được sử dụng trong không quân một số nước cho đến hôm nay. Ảnh: Wikipedia.

Từ thành công của Su-17, Sukhoi tiếp tục tạo nên một mẫu cường kích đáng gờm khác là Su-24. Dù nhiều thập niên đã trôi qua, nhưng đôi cánh "ma thuật" của Su-24 vẫn là trụ cột trong sức mạnh tấn công mặt đất của không quân Nga. Ảnh: Sukhoi.

Cường kích Su-25 được giới thiệu vào năm 1981 là trợ thủ đắc lực cho Su-24 trong các nhiệm vụ tấn công mặt đất. Nó được thiết kế cho nhiệm vụ chống tăng và chi viện hỏa lực tầm thấp trên chiến trường. Su-25 cùng với Su-24 từng làm mưa làm gió trên chiến trường Syria trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga. Ảnh: Sputnik.

Su-34 là thế hệ cường kích tiếp theo của Sukhoi. Nó sẽ thay thế cho Su-24 và Su-35 trong vai trò tấn công mặt đất. Su-34 được ví von là "xe tăng bay" bởi khả năng mang tải trọng vũ khí lớn của nó. Ảnh: Sukhoi.

Đến Su-27, Sukhoi đã tạo ra một cú sốc cho NATO. Su-27 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1977, giới thiệu vào năm 1985. Đặc tính kỹ thuật của Su-27 tỏ ra vượt trội so với F-14 và F-15 Eagle của Mỹ. Sự xuất hiện của Su-27 buộc Mỹ phải nâng cấp F-15 và F-16 để đối phó. Ảnh: Airliners.

Su-30 là một phiên bản nâng cấp từ Su-27 dành cho thị trường xuất khẩu. Nó trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quốc phòng chủ lực của Nga. Su-30 được bán cho 12 quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Ảnh: Airliners.

Su-35 là phiên bản mạnh nhất trong gia đình Su-27. Sukhoi đã tạo ra một "kiệt tác" đối với phiên bản này. Đặc tính cơ động siêu việt nhờ động cơ kiểm soát vector lực đẩy, radar mạnh mẽ và tải trọng vũ khí mạnh, Su-35 được đánh giá là tiêm kích thế hệ 4++ hàng đầu thế giới. Ảnh: Airliners.

Su-57 là tương lai của Sukhoi cũng như của Không quân Nga. Chương trình tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Nga đã hoàn tất quá trình phát triển và thử nghiệm. Quá trình sản xuất hàng loạt đã bắt đầu vào đầu năm nay. Ảnh: Sukhoi.

Theo Trung Hiếu/Zing.vn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/hanh-trinh-80-nam-sukhoi-tu-co-lo-den-dinh-cao-xe-tang-bay-1267449.html