'Hạnh phúc là sẻ chia...'

Đó là triết lý sống rất nhân văn của người cán bộ vừa năng nổ, nhiệt tình, sâu sát công việc, giàu lòng nhân ái; vừa kiên trì, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình và đã gặt hái được nhiều thành công. Anh là Hoàng Văn Nhãn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Người cán bộ cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm

Đồng chí Hoàng Văn Nhãn là một trong các điển hình tiên tiến được Bộ CHQS tỉnh Hà Nam tuyên dương tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Tốt nghiệp THPT, tháng 2-1990, Hoàng Văn Nhãn viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Đoàn 45, Binh chủng Đặc công. Cuối năm đó, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS), anh đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị động viên, tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.

Niềm vui từ thành quả lao động của vợ chồng anh Nhãn.

Trở về địa phương, mọi nhiệm vụ được giao anh đều hoàn thành xuất sắc. Tháng 7-2010, anh được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ngọc Sơn. Trên cương vị mới, anh chủ động phân tích tình hình, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương (QS, QPĐP). Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: "Với đặc điểm xã nằm ở địa bàn trung tâm của huyện, có hai làng nghề truyền thống; hằng năm diễn ra lễ hội Chùa Bà Đanh…, đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, song nhiệm vụ QS, QPĐP cũng gặp không ít khó khăn, nhất là công tác tuyển chọn, gọi công nhân nhập ngũ, do thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS thường đi làm ăn xa".

Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn công dân nhập ngũ, ngay từ đầu năm, Ban CHQS xã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành nhiều biện pháp đăng ký, quản lý chặt chẽ nguồn công dân trong độ tuổi NVQS. Trên cơ sở số lượng, Ban CHQS xã phân tích chất lượng, chủ động xây dựng kế hoạch tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ hằng năm. Việc tuyển chọn, xét duyệt, gọi công dân nhập ngũ của xã luôn bảo đảm công khai, dân chủ, đúng luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình trốn tránh.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, đúng quy trình trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, nên những năm qua, xã Ngọc Sơn luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Cùng với đó, Ban CHQS xã cũng tập trung kiện toàn tổ chức biên chế trung đội dân quân cơ động, đội ngũ cán bộ thôn đội trưởng, tiểu đội trưởng theo hướng ưu tiên tuyển chọn các đồng chí là đảng viên, các đồng chí đã hoàn thành NVQS trở về địa phương làm nòng cốt. Ban CHQS xã phối hợp với Công an xã xây dựng chương trình phối hợp hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng địa phương; hằng năm, sử dụng hàng trăm lượt dân quân phối hợp cùng lực lượng công an xã tuần tra canh gác, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết… Nhờ vậy, địa bàn xã luôn bảo đảm tốt an ninh, an toàn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Tấm lòng nhân ái

Từ thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam về thăm gia đình anh Hoàng Văn Nhãn, dù quãng đường không xa, nhưng chúng tôi vẫn mong sớm được gặp cháu Hoàng Thị Yến Nhi - cháu bé bị mẹ bỏ rơi cách đây gần 4 năm, được gia đình anh Nhãn nhận về nuôi. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến nơi, là thấy bé Yến Nhi kháu khỉnh chơi đùa trước sân nhà. Ít ai biết bé gái này từng bị bỏ rơi ngay khi vừa được sinh ra. Thấy người lạ, Yến Nhi ôm lấy bố. Anh Nhãn nhẹ nhàng bồng con âu yếm và bắt đầu kể với chúng tôi câu chuyện đầy cảm động: "Tháng 10-2013, trong lần tham gia phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ huyện, khoảng 9 giờ sáng, tôi đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực chùa Bà Đanh thì nhận được tin báo trên cầu treo Cấm Sơn có cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi. Tôi lập tức có mặt tại hiện trường. Qua kiểm tra thấy cháu rất yếu, đựng trong một túi nilon. Tôi vội đưa cháu vào bệnh xá, sau đó báo cho chính quyền địa phương...".

Gửi cháu bé cho các thầy thuốc của bệnh xá, anh Nhãn quay về bàn với vợ làm thủ tục xin nhận cháu làm con nuôi. Quá bất ngờ trước đề xuất của chồng, vợ anh đặt nghi vấn: “Hay là chồng có con riêng, rồi dựng lên “màn kịch” này và viện lý do để hợp lý hóa?”. Sau một hồi giải thích, anh phải dùng đến lý lẽ tâm linh để thuyết phục, chị mới tạm gạt mối nghi ngờ sang một bên rồi lại đặt mối lo ngại về kinh tế để anh “giải đáp”. Đó là, bố mẹ tuổi đã cao; con trai lớn (cháu Hoàng Ngọc Anh, sinh năm 1994, đang học lớp 11) bị đột biến gen, thường xuyên phải điều trị tại một bệnh viện tuyến Trung ương. Gánh nặng học hành của hai con, lại thêm chi phí chữa bệnh cho thằng lớn, giờ nhận thêm con nuôi, liệu có đủ sức lo toan?

Ngừng một lát như để tìm về quá khứ, anh Nhãn tiếp lời: "Biết cô ấy đã xuôi xuôi, tôi nhẹ nhàng nói: “Em ạ! Ông trời không lấy hết của ai và cũng không cho ai tất cả. Mình hãy gắng làm phúc...”. Thực lòng, nói như vậy tôi chỉ mong sự đồng thuận từ vợ để mau chóng nhận cháu bé về nuôi, rồi mọi chuyện sẽ tính sau. Lúc đó, một số người dân và nhà chùa trên địa bàn biết tin cháu bị bỏ rơi, cũng muốn xin nhận làm con nuôi. Sau khi được vợ đồng thuận, chúng tôi bắt tay ngay vào làm thủ tục đón cháu về nuôi, mặc cho không ít những lời khuyên can của họ hàng, thậm chí cả những lời đàm tiếu của người đời, đại loại như: “Ốc chẳng mang nổi mình ốc, còn đòi ôm cọc cho rêu...”.

Từ khi có thêm cháu bé, cả nhà rất vui, hai đứa con của anh cứ tranh nhau đòi bế em; rồi cả nhà bận bịu lo cho em bé từng bữa ăn, giấc ngủ. Trộm vía, em bé rất ngoan và được cả nhà cưng nựng. Từ ngày bé Yến Nhi về với gia đình anh, tuy phải vất vả, lo toan nhiều hơn, nhưng lúc nào cũng tràn đầy niềm vui. Anh Nhãn bộc bạch: “Mỗi khi ngắm nhìn con bé trong vòng tay yêu thương của gia đình, tôi luôn ngẫm nghĩ một điều: “Hạnh phúc là những thứ ta cho đi, dù còn ít, nhưng nhận được rất nhiều”.

Quả ngọt từ mồ hôi, công sức

“Áp lực kinh tế đè nặng lên cuộc sống gia đình khiến nhiều đêm tôi mất ngủ vì trăn trở, nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Chính trong khó khăn đã tạo động lực để gia đình tôi vươn lên…” - vừa dẫn chúng tôi tham quan trang trại với mô hình VAC khép kín, anh Nhãn vừa trải lòng như vậy.

Anh kể, lúc đầu chỉ với hơn 400m2 đất ở do cha mẹ để lại, anh quyết định vay mượn anh em, bạn bè để có vốn mở rộng diện tích chăn nuôi, trồng trọt lên 13.000m2. Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, anh làm trang trại, trồng hoa đào kết hợp nuôi ong lấy mật. Nhưng thật không may, trận bão năm 2004 làm ong chết hàng loạt, gia đình thiệt hại gần 70 thùng ong. Anh lại trăn trở, suy nghĩ và tiếp tục gây dựng lại đàn ong. Nhưng một lần nữa khó khăn lại ập đến khi tháng 11-2006, hơn 70 thùng ong của gia đình bị một loài ong khác đến "cướp mật, phá đàn". Vậy là anh lại phải “khăn gói” lên đường đi học cách diệt loài ong đó và học cách di chuyển để phát triển đàn ong.

Không chỉ thành công nhờ nuôi ong, hiện nay, mô hình trang trại VAC của anh Nhãn, ngoài đàn vịt với gần 1.000 con vịt đẻ, 80 thùng ong mật, còn có ao cá, vườn cây ăn quả… Mỗi năm, gia đình anh xuất ra thị trường từ 4 đến 5 tấn cá nước ngọt, gần 500 lít mật ong, gần 20 vạn quả trứng vịt…; trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng. Năm 2008, anh vinh dự là đại biểu đi dự hội nghị nông dân làm kinh tế giỏi của tỉnh Hà Nam.

“Không những là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, đồng chí Hoàng Văn Nhãn còn là Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã năng nổ, nhiệt tình, sâu sát cơ sở; nhiều năm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS, QPĐP. Năm 2015, LLVT xã Ngọc Sơn được UBND tỉnh Hà Nam tặng cờ thi đua xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng. Cá nhân đồng chí Hoàng Văn Nhãn được Bộ CHQS tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” - Thượng tá Thái Đăng Lý, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kim Bảng cho chúng tôi biết.

Bài và ảnh: LÊ MINH THIỆN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-9-2017-2018/hanh-phuc-la-se-chia-520702