Hạnh phúc khi cho đi kiến thức, kinh nghiệm

30 tuổi nhận bằng Tiến sĩ, 38 tuổi được phong Phó Giáo sư, là tác giả của gần 100 công trình nghiên cứu khoa học, bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Đó là PGS.TS Đỗ Hương Lan (SN 1976), giảng viên cao cấp, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Từ nữ sinh giỏi Văn, tiếng Nga đến nhà nghiên cứu

Có dịp gặp gỡ, làm việc cùng với Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Đỗ Hương Lan, nhiều người đều chung cảm nhận về người phụ nữ thông minh, hiện đại, năng động. Xa quê từ năm 18 tuổi, hiện sống và làm việc ở Hà Nội, có thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, dù làm việc ở đâu, trên cương vị nào, chị vẫn luôn tự hào là "con gái Bắc Giang" đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học, giáo dục.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan.

Mở đầu câu chuyện, chị chia sẻ: "Tôi may mắn sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là nhà giáo, là thế hệ học sinh xuất sắc của tỉnh Hà Bắc (cũ). Bố tôi là nhà giáo Đỗ Dũng, từng đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) môn Văn toàn miền Bắc những năm chống Mỹ cứu nước, từng làm giảng viên Trường Đại học Xây dựng, sau đó làm việc tại UBND tỉnh, mẹ là nhà giáo Ngô Thị Nhung, giảng dạy môn Toán, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang)".

Những năm học phổ thông, chị học giỏi Văn và tiếng Nga, là chủ nhân của nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tốt nghiệp Trường THPT Năng khiếu Hà Bắc (nay là Trường THPT Chuyên Bắc Giang), chị theo học ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương. Vì yêu thích công việc của bố mẹ nên chị mơ ước sẽ trở thành giảng viên đại học. Suốt mấy năm học, chị không ngừng phấn đấu là sinh viên giỏi, được ở lại làm giảng viên sau tốt nghiệp. Cơ duyên đến khi năm thứ tư chị được chọn đi học chuyển tiếp tại Cộng hòa Liên bang Nga sau đó về nước tiếp tục hoàn thành khóa học tại Trường Đại học Ngoại thương với tấm bằng xuất sắc.

Năm 1999, chị trở lại xứ sở Bạch Dương du học. Thời điểm đó, nước Nga mới trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, trong nước không ít người lo ngại nhưng tình yêu với nước Nga được bồi đắp từ nhỏ (bố chị từng đi du học tại Nga), chị vẫn quyết tâm, kiên trì với mục tiêu của mình. Những tháng ngày du học tại Nga cho chị thật nhiều kiến thức, cảm xúc và kinh nghiệm. Được học với các giáo sư uyên bác và vô cùng nhân hậu, chăm lo cho học trò xa xứ như con, chị càng thấy lựa chọn của mình là đúng. Sau này khi trở thành giảng viên, chị luôn tâm niệm phải giúp đỡ, yêu quý học trò, đem hết kiến thức, kinh nghiệm truyền giảng cho các thế hệ sinh viên trưởng thành, vững bước vào đời.

Năm 2006, chị bảo vệ thành công luận án TS chuyên ngành Kinh tế quốc tế tại Liên bang Nga, sau đó về nước công tác tại Trường Đại học Ngoại thương, dẫn dắt nhiều sinh viên thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học. Với những cống hiến trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, chị được phong hàm PGS khi mới 38 tuổi - là một trong những nữ PGS trẻ tuổi nhất trong lĩnh vực kinh tế ở thời điểm đó.

“Người ta nói con gái làm khoa học khô khan nhưng tôi thấy không hẳn như vậy. Khi bước vào công việc, tôi thực sự đam mê, say cháy hết mình nhưng khi rời bục giảng, rời xa chiếc máy tính tôi thả hồn mình theo những vần thơ. Thơ giúp tôi cân bằng cảm xúc, giúp tôi yêu đời, yêu người và yêu thiên nhiên hơn. Quê hương Bắc Giang cũng là nguồn cảm xúc. Trong đó, nổi bật là bài thơ “Nỗi nhớ sông Thương” được Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Tựa phổ nhạc”.

Dẫn đường cho bạn trẻ sáng tạo, khởi nghiệp

Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo nơi PGS.TS Đỗ Hương Lan công tác từ năm 2019 đến nay có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo, hỗ trợ tài năng khởi nghiệp trẻ. Bên cạnh công tác quản lý, PGS.TS Hương Lan còn say mê nghiên cứu khoa học. Chị có gần 100 công trình khoa học được công bố ở trong nước và quốc tế. Ngoài ra, chị trực tiếp hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh là người Việt Nam và nước ngoài bảo vệ thành công luận văn TS; tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo trong nước và quốc tế...

PGS.TS Đỗ Hương Lan chia sẻ tại diễn đàn Tuổi trẻ hưởng ứng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Bắc Giang.

Nói về công việc đang theo đuổi, chị cho hay có 4 lần về Bắc Giang chia sẻ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Lần gần nhất là tháng 11/2023 tham dự hội thảo "Tuổi trẻ Bắc Giang hưởng ứng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo năm 2023".

Tại diễn đàn, chị chia sẻ khó khăn của nhiều người trẻ trên hành trình khởi nghiệp. Từ nghiên cứu và thực tiễn, chị nhấn mạnh vai trò đổi mới, sáng tạo của mỗi chủ thể, đặc biệt là các cá nhân với tinh thần không ngừng học hỏi, dám chấp nhận thất bại, dám dấn thân song để khởi nghiệp thành công, phát triển ra thị trường vẫn cần có hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước với các cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện đi kèm.

PGS.TS Đỗ Hương Lan có gần 100 công trình khoa học được công bố ở trong nước và quốc tế, trong đó chủ trì thực hiện 4 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và nhiều đề tài cấp bộ, cấp tỉnh; tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo trong nước và quốc tế với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; thiết kế và tổ chức nhiều sự kiện khoa học - công nghệ cấp quốc gia, quốc tế.

Vui mừng khi những năm gần đây Bắc Giang phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào địa bàn nhưng chị cũng chia sẻ trăn trở của mình: “Thứ tỉnh đang thiếu và doanh nghiệp cần đáp ứng đó chính là nguồn nhân lực chất lượng. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao phải đào tạo qua môi trường giáo dục chuyên nghiệp, bài bản và hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân tài, hỗ trợ các mô hình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học. Liên quan đến khởi nghiệp, Bắc Giang nên tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng quan trọng là hỗ trợ họ khâu hoàn thiện sản phẩm như đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, bảo hộ sở hữu trí tuệ..., kết nối thị trường, kết nối đầu tư".

Tự nhận mình chỉ là một cá nhân nhỏ bé đang công tác trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, PGS.TS Đỗ Hương Lan sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp quê nhà trên hành trình khởi nghiệp. Chị cũng mong muốn các cấp, ngành và địa phương nhìn nhận và dành sự quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn nhằm kiến tạo môi trường khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho thanh, thiếu niên.

Nói về quê hương Bắc Giang, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững, chị cho rằng tỉnh nên có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho khối trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh để không lãng phí nguồn nhân lực trẻ; có cơ chế khuyến khích sáng tạo trong thanh, thiếu niên và nhi đồng; gắn kết các hoạt động sáng tạo với khởi nghiệp. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh nên có chính sách khích lệ các mô hình khởi nghiệp bền vững theo hướng giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường; phát triển các mô hình kinh doanh du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời chuyển đổi số các mô hình kinh doanh gắn với làng nghề truyền thống. Đó cũng là những hướng mà tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế.

Bài, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/418380/hanh-phuc-khi-cho-di-kien-thuc-kinh-nghiem.html