Hạnh phúc hơn nhờ căm ghét 'kẻ thù' chung

Có nhiều lý do giải thích vì sao chúng ta thích theo dõi các chương trình, bộ phim hoặc những người mình ghét.

Màn đối thoại sâu sắc, nhân vật có chiều sâu, hình ảnh mãn nhãn là những tiêu chí giúp chúng ta trao giải cho các bộ phim và chương trình mang tính giải trí cao.

Nhưng đồng thời, những thứ như Emily In Paris, Sharknado, Too Hot to Handle cũng mang tính giải trí. Tuy nhiên, thay vì xem những sản phẩm này để lấy nguồn cảm hứng, rất có thể chúng ta theo dõi chúng để được cảm thấy bực mình, khó chịu.

Nó còn được gọi là “xem để ghét”, tức “xem vì niềm vui có được từ việc chế giễu hoặc chỉ trích”, theo Oxford Languages định nghĩa. Và hoạt động này đang trở thành xu hướng.

Too Hot To Handle là show truyền hình thực tế xem nhiều nhất năm 2020. Ảnh: Netflix.

Chẳng hạn, Emily In Paris thường xuyên bị chế giễu trên mạng xã hội nhưng nằm trong số những chương trình được xem nhiều nhất trên Netflix và đang sản xuất mùa thứ 3.

VICE cho rằng nhiều người thích việc ghét bỏ người khác. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, ngoài “xem để ghét”, chúng ta còn có “theo dõi để ghét” - không thể bấm nút bỏ theo dõi một tài khoản mà chúng ta không vừa mắt.

“Xã hội luôn có phương tiện để thể hiện sự thù địch từ xa này. Sự căm ghét được đề cập ở đây nhằm vào nội dung đăng tải công khai hoặc người của công chúng”, JR Ilagan, nhà tâm lý học tại Manila (Philippines), nói với VICE.

Ghét bỏ khiến chúng ta thoải mái

Theo chuyên gia, yêu, ghét và vui sướng đều là những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ.

Sự ghét bỏ lành mạnh có thể đem lại hạnh phúc. Ảnh: Pexels.

Khi chúng ta trải qua những cảm xúc này đồng nghĩa với việc não đang tiết ra chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và oxytocin - những "hormone hạnh phúc" nổi tiếng giúp thúc đẩy cảm giác tích cực.

Điều này giải thích lý do ngay cả hành động ghét bỏ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu về mặt sinh học.

Ví dụ, Netflix báo cáo độ phổ biến của các chương trình truyền hình thực tế, dù chứa nội dung gây bất mãn và khó chịu, gia tăng ở một số quốc gia ở giai đoạn đỉnh dịch năm 2020 - thời điểm nhiều người đang tìm kiếm thứ gì đó đem lại sự an ủi cho họ.

Một số nghiên cứu khác cho thấy mọi người có xu hướng hạnh phúc hơn khi cảm nhận được cảm xúc, cho dù đó là cảm xúc khó chịu như việc xem nội dung gây bực mình trên mạng xã hội.

Thích so sánh bản thân với người khác

Về mặt tâm lý, ông Ilagan nói rằng việc “xem để ghét” hoặc “theo dõi để ghét” có thể khiến chúng ta so sánh mình với những gì, hoặc những đối tượng chúng ta đang nhìn thấy. Điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy tốt hoặc tệ hơn.

Đó có thể là những nhân vật trong các chương trình, bộ phim hoặc các cá nhân trực tuyến nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội. Chúng ta tự động theo dõi cuộc sống của họ để rồi đưa ra những lời bình luận, chỉ trích nhằm vào những người đó.

Con người so sánh mình theo 2 cách. Cách thứ nhất là ngưỡng mộ - khi chúng ta so sánh mình với những người có vẻ tốt hơn. Cách này có thể kích hoạt sự ghen tị, từ đó dẫn đến nỗi căm ghét như một phản ứng bảo vệ.

Cách còn lại là khi chúng ta so sánh mình với những người có vẻ tệ hơn hoặc đăng tải nội dung ngu ngốc, phản cảm trên Internet. Nó khiến bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân.

Dù vấp phải nhiều chỉ trích về nội dung, Emily in Paris tiếp tục sản xuất mùa thứ 3. Ảnh: Netflix.

Niềm vui từ việc chung "kẻ thù"

Về mặt xã hội, chuyên gia tâm lý cho rằng trải nghiệm cùng ghét một người nào đó “khá vui, giống như thể các bạn có chung một kẻ thù”.

Điều này cộng hưởng với hành vi bàn tán, đồn đoán - cũng là một trải nghiệm giúp gắn kết con người với nhau, một yếu tố cần thiết cho sự phát triển cộng đồng.

Đó là lý do mọi người có thể tụ tập và cùng nhau xem đi xem lại những bộ phim, chương trình dở tệ để có thể ghét chúng cùng nhau.

Khi được hỏi một người có được coi là xấu tính khi “xem để ghét”, “theo dõi để ghét” không, nhà tâm lý học Ilagan đáp rằng nó còn tùy thuộc.

Có 2 kiểu người căm ghét - những người tình cờ gặp phải nội dung tệ hại nên sinh ra ghét chúng, và những người “thích ném đá” bất kể nội dung là gì.

“Nếu bạn thuộc nhóm đầu tiên, đừng lo lắng bởi sự căm ghét đó có giá trị”, ông nói.

Ngoài phim ảnh, chương trình, sự căm ghét có thể đến từ mạng xã hội. Ảnh: Pexels.

Trong một thế giới trao giải cho sự xuất sắc và thành tựu nổi trội, việc chỉ trích một sản phẩm dưới mức trung bình là bình thường. Điều này cũng áp dụng đối với những nội dung chia sẻ trên mạng xã hội.

Chuyên gia cũng cho biết cách đối phó với sự thù ghét cũng rất quan trọng. Bạn có đủ nhận thức để thừa nhận rằng mình chỉ cảm thấy hơi tệ về bản thân và cần điều gì đó cải thiện tâm trạng, hay bạn sẽ chỉ trích, xóa sổ nội dung, đối tượng mình đang xem?

Sự căm ghét sẽ trở nên không lành mạnh khi nó biến bạn trở thành một người thù hận. Chẳng hạn, bạn bắt đầu nói những lời nhận xét thù địch, gây hấn trong hoàn cảnh không chính đáng. Trong trường hợp này, có lẽ bạn nên tạm tránh xa mạng xã hội một thời gian.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-phuc-hon-nho-cam-ghet-ke-thu-chung-post1347453.html