Hạnh phúc của những cặp vợ chồng người khuyết tật

Họ là những cặp vợ chồng đến từ mọi miền tổ quốc, với nhiều dạng tật khác nhau, hoàn cảnh, công việc, thành phần cũng khác nhau.

Sáng 17-10, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) diễn ra chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật”. Chương trình được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

30 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước về tham dự chương trình là 30 câu chuyện tình yêu, hôn nhân với nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm, giông bão.

Họ đã phải vượt qua biết bao khó khăn trở ngại để đến được với nhau, cùng chia sớt ngọt bùi đắng cay, đơn giản chỉ mong luôn được bên nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.

Từ nông dân, công nhân, trí thức, thương binh, công chức nhà nước, nhân viên công tác xã hội đến vận động viên thể thao, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, lao động phổ thông....

Nhưng, họ có nét chung là biết rung động yêu thương chân thật, biết đồng cảm, sẻ chia, nương tựa nhau, dũng cảm vượt qua thử thách để đón nhận hạnh phúc của mình, khi trái tim chạm đến trái tim một cách chân tình mà không phân biệt lành lặn hay khuyết tật.

Vợ chồng anh Lê Đức Hiền – chị Nguyễn Thị Đượm (bên phải) và vợ chồng anh Phan Đức Long – chị Bùi Thị Hồng Nga, đại biểu dự Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” năm 2017. Ảnh tư liệu

Đó là vợ chồng anh Lê Đức Hiền và chị Nguyễn Thị Đượm (Đồng Nai), đã kiên trì vượt qua những định kiến, những lời dị nghị tiêu cực, nhức buốt của dư luận xã hội... khi cô thợ may trẻ đẹp quyết tâm đi theo tiếng gọi của trái tim, về làm vợ của người chồng xe lăn.

Để đến hôm nay, với hơn 30 năm gắn bó bên nhau trong một mái ấm gia đình đủ đầy, nhìn chị hạnh phúc bên người chồng đa tài, nghị lực, thì những lời dị nghị ngày xưa ấy lại trầm trồ, thán phục “sao chị chọn chồng khôn thế!”. Anh hiện là Giám đốc Công ty TNHH của người khuyết tật Đức Hiền.

Đang là cô giáo trẻ, say mê và nhiệt huyết, sau đợt phẫu thuật không thành, chị Bùi Thị Hồng Nga (Cần Thơ) phải rời bục giảng và làm quen với chiếc xe lăn. Chán nản, chị ngày càng sống thu mình. Sự kết nối với bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc radio.

Thế rồi, qua mục kết bạn trên đài, chị và anh Phan Đức Long quen nhau. Lúc đầu, chị cực ghét người lành lặn đôi chân, nhưng dần dần bằng tình yêu chân thành, chàng trai lành lặn tự nhận mình “có trái tim của người khuyết tật” đã mở được cánh cửa lòng của chị.

Với tình yêu vô bờ, họ đồng hành cùng nhau trên mỗi bước đường. Anh trở thành đôi chân của chị, là phụ tá, là xe ôm, là thư ký, là nhiếp ảnh gia…. trong tất cả các hoạt động của chị.

Mọi thành công của chị đều có hình ảnh anh. Hai anh chị đã lựa chọn công việc giúp người khuyết tật làm sự nghiệp, niềm vui. Hiện chị là Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ.

Câu chuyện tình yêu của anh Hoàng Văn Lý và chị Phạm Ngọc Dung (Hà Nội) có sự kết nối của âm nhạc.

Từ khi lọt lòng, anh Hoàng Văn Lý đã không nhìn thấy ánh sáng do mắt bị đục thủy tinh thể giống bố. Anh được theo học tại trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội và thi đậu vào khoa Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh được bầu làm PCT Hội người mù quận Hoàn Kiếm đồng thời thường xuyên viết bài cộng tác cho các cơ quan báo đài Trung ương và Hà Nội.

Chị bị mất thị giác từ năm 10 tuổi. Trước khi gặp nhau chị sinh hoạt tại Hội người mù quận Thanh Xuân. Trong một buổi giao lưu văn nghệ giữa hai tổ chức Hội, tiếng hát mê đắm lòng người của chị đã hòa quyện vào tiếng đàn bầu thiết tha trầm bổng của anh.

Mối đồng cảm giữa hai con người cùng cảnh ngộ, hai trái tim đang thổn thức đã xích lại gần nhau. Họ cảm nhận sự hiện diện của nhau qua giọng nói và đôi bàn tay nắm chặt. Vượt qua những băn khoăn, trăn trở của hai bên gia đình, họ đến với nhau và cùng nhau khẳng định tình yêu, khả năng tự lập của mình trong cuộc sống…

Khác hẳn với quan niệm cho rằng, người khuyết tật không nên kết hôn vì sinh con sẽ khuyết tật, thì thực tế đã chứng minh, 30 cặp vợ chồng khuyết tật tham dự chương trình đều có những người con khỏe mạnh, xinh xắn, ngoan ngoãn, thành đạt.

Anh Nguyễn Đức Trọng và chị Nguyễn Thị Hương (Bình Phước) có hai con đều là học sinh giỏi, con gái lớn đang học năm cuối đại học, con trai đang học lớp 8.

Anh Nguyễn Trần Khiêm và chị Nguyễn Thị Điệu (Bình Định) có hai con một trai, một gái. Con trai lớn hiện đang học lớp 3 luôn đạt học sinh giỏi, hai năm đi thi Olympic Toán đạt giải Nhất huyện Vân Canh, lớp 1 đạt giải Ba của tỉnh, lớp 2 đạt giải Nhì của tỉnh.

Anh Thái Văn Thanh và chị Lê Thị Diễm Thúy (An Giang) có 2 con, con trai lớn hiện là hạ sĩ công tác tại văn phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, con gái đã vào lớp 8...

Đó là niềm hạnh phúc tột cùng của người khuyết tật, khi tình yêu đã đơm hoa kết trái, để những người con ấy là niềm tự hào tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho cha mẹ vững bước trên đường đời còn nhiều gian nan, thử thách phía trước.

Theo ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Như bao người lành lặn khác, người khuyết tật cũng có đầy đủ các quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, trong đó có quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được yêu, xây dựng gia đình.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều rào cản khiến quyền này của người khuyết tật còn gặp nhiều trở ngại, không chỉ ngoài xã hội, thậm chí trong nhiều gia đình vẫn còn những định kiến, phân biệt đối xử, bản thân nhiều người khuyết tật còn chưa đủ tự tin, dũng cảm để đến với tình yêu mà mình lựa chọn. Chương trình muốn gửi gắm thông điệp, quan tâm đến người khuyết tật, bên cạnh các vấn đề về việc làm, giáo dục, y tế, tiếp cận… còn cần quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm của người khuyết tật. Bởi đó là sức mạnh, là nguồn lực, là điểm tựa giúp người khuyết tật phát huy nội lực, khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho gia đình, xã hội”.

Những câu chuyện đời và bí quyết giữ lửa hạnh phúc đầy xúc động và chân thực đó sẽ được truyền tải trọn vẹn thông qua Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật”, góp thêm một thông điệp đầy nhân văn về quyền được “gõ cửa trái tim” của người khuyết tật.

Cùng với các phóng sự, giao lưu, tiết mục văn nghệ của người khuyết tật nhằm tôn vinh sức mạnh tình yêu, tinh thần vượt khó, quyền được yêu thương của người khuyết tật, Chương trình còn kêu gọi sự đồng cảm, sẻ chia với những cặp vợ chồng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho 5 cặp vợ chồng để họ có mái nhà che mưa nắng.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/hanh-phuc-cua-nhung-cap-vo-chong-nguoi-khuyet-tat-105659.html