Hành hương về Cà Mau

Những ngày này, trong sâu thẳm tâm thức của người Việt Nam, tiếng vọng cội nguồn luôn thôi thúc: 'Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba' (ca dao). Theo hành trình 'mang gươm mở cõi', vùng đất mới Cà Mau với lớp lớp con người khai phá, dựng xây, khôn nguôi nỗi niềm: 'Hằng năm ăn đâu, làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ' (đoạn trích Ðất Nước - Nguyễn Khoa Ðiềm).

Và ở địa đầu cực Nam Tổ quốc, những ký thác của tiền nhân, sự tiếp nối trao truyền của bao thế hệ đã kết tinh thành những địa chỉ văn hóa - tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng, để người về Cà Mau là thực hiện chuyến hành hương về với những giá trị văn hóa cao đẹp ngàn đời của dân tộc.

Trong 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau tự hào là một trong những nơi có Ðền thờ Vua Hùng lâu đời nhất, ghi dấu một cách xuyên suốt, đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân. Những nghiên cứu đáng tin cậy từ nhiều nguồn cho thấy, Ðền thờ Vua Hùng ở vùng Giao Khẩu (nay là ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) đã hình thành trên 150 năm.

Dòng người thành kính tri ân Ðức Quốc Tổ, tại Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Khu Du lịch Mũi Cà Mau, ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch vừa qua.

Ông Phan Văn Do, hơn 80 tuổi, thành viên Ban Quản lý Ðền thờ Vua Hùng, cho biết: “Ban đầu, Ðền thờ Vua Hùng được tiền nhân xây cất bằng cây lá, đề tên là Miếu Ông Vua. Không ai biết là vua nào, nhưng theo lệ, cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch là cúng bái. Tôi là đời thứ 2 trong dòng họ Phan kế tục việc chăm lo hương khói cho đền thờ. Nếu tính theo cách của người trước thuật lại thì ước chừng khoảng 200 năm chớ không ít. Về sau, khi Ðền thờ Vua Hùng và lễ Giỗ Tổ đã được chính danh, thì bà con càng thờ phụng chu đáo, trang trọng”.

Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, biến cố lịch sử, nhưng hương khói ở Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau chưa bao giờ gián đoạn. Kể cả đạn bom, chiến tranh tàn phá, cái chết cận kề, người Giao Khẩu vẫn tề tựu với tấm lòng thành, với hương khói, lễ vật để cung kính dâng lên các vị Vua Hùng đúng ngày ước hẹn. Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, tâm đắc: “Tiền nhân đã dựng xây, lớp lớp thế hệ tiếp nối giữ gìn, để Ðền thờ Vua Hùng ở Cà Mau bây giờ là tài sản tinh thần quý báu cho tất cả mọi người. Công lao và tấm lòng của bà con vùng Giao Khẩu là không gì đo đếm được”.

“Năm 2011, Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ðến năm 2022, công trình trùng tu, nâng cấp đền thờ hoàn tất, đây là niềm vui rất lớn của địa phương. Những mùa Giỗ Tổ gần đây, Ðền thờ Vua Hùng ngày càng thu hút đông đảo dòng người cả trong và ngoài tỉnh về cúng bái, hành hương. Công tác chuẩn bị ngày Giỗ Tổ năm sau cũng bài bản hơn, chu đáo hơn năm trước, quy mô lớn hơn, không khí nhộn nhịp hơn”, ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, chia sẻ.

Dù chỉ được khánh thành khoảng 5 năm nay (năm 2019), thế nhưng Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và cụm Tượng Mẹ - biểu tượng của Quốc Mẫu Âu Cơ (tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đã nhanh chóng trở thành không gian văn hóa tinh thần linh thiêng với người Cà Mau và cũng là chốn hành hương của du khách khắp mọi miền đất nước tìm về.

Trước bia đá khắc lời dạy của Bác Hồ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" bên cạnh Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Ảnh: Diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau thao luyện trước giờ biểu diễn văn nghệ chào mừng Lễ Tri ân Quốc Tổ năm 2024).

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Ðền thờ Quốc Tổ nằm ở chóp đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, trở thành biểu tượng bất tử cho cội nguồn chung của dân tộc, cho ý chí gìn giữ vẹn toàn cơ đồ đất nước; nơi hội tụ, lan tỏa tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nòi giống Tiên Rồng. Từ năm 2021, Lễ Tri ân Quốc Tổ và Giỗ Tổ Hùng Vương ở Cà Mau trở thành những sự kiện văn hóa tiêu biểu nằm trong Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” hằng năm, tạo nên sức hút lớn đối với du khách, bạn bè khắp nơi khi về với Cà Mau”.

Từ năm 2021, đúng mùng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm, dòng người khắp nơi thành kính hành hương về tri ân công đức cao dày của Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ðúng với truyền thống hiếu đễ của người Việt Nam, Cà Mau tổ chức Lễ Tri ân Quốc Tổ trước, sau đó là đến giỗ các vị Vua Hùng. Những chân hương (nhang) từ Mũi Cà Mau (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) sẽ được cung thỉnh về Giao Khẩu (xã Tân Phú, huyện Thới Bình) để thực hiện nghi thức khai lễ.

Bà Trương Thị Vạn, ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, xúc động: “Năm nào tôi cũng sắm sửa lễ vật, đến khấn bái Quốc Tổ cho quốc thái, dân an, cho mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Riêng năm nay, Lễ Tri ân Quốc Tổ được tổ chức lớn lắm, vui lắm. Tôi tự hào là người dân ở Mũi Cà Mau, tự hào vì quê hương mình có nơi để mọi người cùng nhau tưởng nhớ về cội nguồn chung của dân tộc”.

Bà Trương Thị Vạn, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển với lễ vật và tấm lòng thành kính dâng lên Đức Quốc Tổ.

Trong dòng người hành hương về Ðất Mũi để tri ân Quốc Tổ, bà Trần Mỹ Liên, đại diện cho 30 bà con huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp, bồi hồi chia sẻ: “Chúng tôi hành hương về đây, dâng lễ vật và cả tấm lòng thành kính để tưởng nhớ công đức trời biển của tiền nhân, nguyện cầu quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Có anh linh của Quốc Tổ, Quốc Mẫu, các vị Vua Hùng, với chúng tôi, Cà Mau đã trở thành miền đất thiêng để mỗi năm sẽ cùng hẹn nhau trở về chiêm bái”.

Tâm thức ngàn đời qua của người Việt Nam, ai cũng chung nguồn cội là cháu con của Quốc Tổ, Quốc Mẫu từ nghĩa đồng bào “trăm trứng nở trăm con”. Nhớ công đức tiền nhân từ thời “Vua Hùng dựng nước”, trong thời đại Hồ Chí Minh, theo lời dạy của Người: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và hôm nay, là khát vọng chung sức dựng xây cơ đồ đất nước hùng cường, thịnh vượng. Một chuyến về Cà Mau, nơi “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, với rừng vàng, biển bạc, với lòng người thơm thảo, cũng là một chuyến hành hương trở về với những giá trị văn hóa trường tồn và thiêng liêng của dân tộc./.

Phạm Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hanh-huong-ve-ca-mau-a32150.html