Hành động sai trái của Ken Langone khi mới đi làm

Nhận lời làm việc kiểm tra lý lịch khách hàng cho một công ty, Ken đã không đi thực địa, ngồi ở nhà tự viết vào bảng điều tra.

Tôi tốt nghiệp Bucknell vào tháng hai rồi vợ chồng tôi về nhà vợ ở Manhasset sống. Kế hoạch là chúng tôi sẽ ở đấy cho đến khi ổn định hơn một chút. Elaine được nhận làm lễ tân ở Manhattan, còn tôi bắt đầu tìm việc. Tôi mơ hồ hình dung ra viễn cảnh khởi nghiệp ở Phố Wall.

Cha mẹ Elaine đã rất hào phóng khi cho vợ chồng tôi ở tạm, quà cưới của họ là một chiếc Ford hai chỗ ngồi. Nhưng tôi không muốn làm kẻ ăn bám.

Tôi cố phụ giúp họ nhiều thứ. Cùng lúc đó, tôi vẫn đi tìm việc làm. Tôi sơn tường ngoài của căn nhà, tân trang lại đồ đạc và sơn lại sàn tầng hầm. Tôi tháo vát “có tiếng” xưa nay.

Sách Tự truyện Ken Langone - từ số 0 đến tỷ phú. Ảnh: Saigonbooks.

Công việc đầu tiên

Elaine đã có việc làm, tôi thì vẫn chưa kiếm được gì ở Phố Wall và bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn. Nhưng tôi có quen một người làm ở công ty nọ tên là Retail Credit, nên đã đến nói chuyện với người ấy và được nhận vào làm ngay.

Tôi nghĩ mình cứ nên chấp nhận lời đề nghị này và làm ở đó một thời gian cho đến khi tìm được việc gì đó tốt hơn. Nhưng tôi lại khó chịu với công ty này ở chỗ: Giả sử như khách hàng muốn mua bảo hiểm xe hơi từ một công ty nào đó, công ty đó sẽ yêu cầu Retail Credit kiểm tra lý lịch của người này.

Thế là tôi sẽ phải lái xe đến chỗ người đó, xem nhà cửa của họ thế nào, trò chuyện với hàng xóm của họ. Nói đơn giản hơn, tôi được huấn luyện để đi “vạch lá tìm sâu”.

Công ty này bắt nhân viên phải xử lý bốn trường hợp một ngày. Họ đưa tôi bốn người để điều tra và tôi phải tự vạch ra lộ trình để đến từng địa chỉ mà không phải chạy xuôi chạy ngược (tôi thậm chí phải dùng xe của mình nữa).

Hầu hết người được nhận vào vị trí này đều chưa tốt nghiệp đại học. “Xin chào”, tôi nói. “Chúng tôi muốn kiểm tra lý lịch hàng xóm của hai người. Chúng tôi muốn kiểm tra cẩn thận lại xem mình có đang làm ăn với người đàng hoàng không".

Thường tôi sẽ nhận những được câu trả lời kiểu “Tôi không quen thân với họ lắm”. Nhưng tôi phải tiếp tục thuyết phục người này. “Ừ thì, ông đã bao giờ nghe thấy họ la hét chưa? Ông có thấy họ lái xe bất cẩn chưa? Họ có phải là người nghiện rượu hay không?”.

Đôi khi tôi bị đóng sầm cửa vào mặt: “Phiền phức quá. Biến đi!”.

Sau đó, đến 2h hay 3h chiều, tôi phải về đến văn phòng và viết báo cáo về những gì tôi đã tìm hiểu. Nhưng lỡ đâu không tìm được gì thì sao? Hay không may là tôi phải nghe họ nói xấu hàng xóm của họ hay những lời đàm tiếu làm tôi cảm thấy xấu hổ thay cho loài người? Thế nên, tôi đã quyết định sẽ không làm mấy chuyện này nữa, nhưng vấn đề là tôi vẫn cần công việc này.

Chân dung Ken Langone. Ảnh: Twitter.

“Sự cố” đầu tiên

Tôi nghĩ: “Mình biết mình sẽ làm gì rồi. Mình sẽ lấy bốn tờ giấy, về nhà, ăn một bữa thật ngon rồi viết về những người như nhân vật trong chuyện cổ tích: "Một anh chàng tốt tính, lương thiện và có trách nhiệm’ chẳng hạn".

Tôi cũng phát hiện ra rằng nếu nhận giải quyết nhiều hơn bốn trường hợp, tôi sẽ được trả thêm tiền. Thế là tôi bắt đầu nhận năm sáu trường hợp một ngày. Trên mỗi tờ báo cáo là biến tấu của tôi với những từ có ý nghĩa giống nhau, ví dụ: “Những người tốt bụng, dễ mến, chưa ai thấy họ làm gì xấu cả”.

Sau khoảng sáu tuần, sếp gọi tôi đến văn phòng ông ta ở Garden City. Ông ấy nói: “Chúng tôi muốn cho anh thăng chức”.

“Thăng lên chức gì ạ?”, tôi hỏi lại.

“Anh sẽ được làm trong phòng nhân sự. Chúng ta cũng cần kiểm tra lý lịch nhân viên của các công ty đối tác nữa”.

“Được thôi!”, tôi trả lời. Sao lại không chứ? Những đợt kiểm tra này phải được thực hiện chuyên sâu hơn, nên tôi sẽ chỉ phải nhận hai cái một ngày. Thế là tôi lại “ngựa quen đường cũ”, không biết nghĩ gì đến hậu quả. Người nào cũng cũng thế, qua báo cáo của tôi là trở thành người trong sạch nhất thế giới.

Tôi chẳng thấy hối lỗi về việc mình đang làm một chút nào, vì với tôi, những gì công ty này đang làm cũng là sai trái thôi. Họ hoạt động dựa trên ý nghĩ mặc định rằng ai cũng từng làm chuyện đáng ngờ, chỉ là chưa bị ai phát hiện. Tôi không bằng lòng với điều này.

Khi viết những lời hư cấu trên, tôi cảm thấy như mình đang “cướp của người giàu, chia cho người nghèo” vậy.

Một lần nữa, tôi lại băn khoăn, tại sao lại phải giới hạn bản thân như thế chứ? Sao một ngày lại chỉ làm hai vụ?. Ối giời, tôi còn lo được bốn mươi vụ một tuần ấy! Mỗi khi ngồi ở nhà xem “Hãy chọn giá đúng” vào 11h30 trưa, tôi lại suy nghĩ ra những lời có cánh để viết cho những ứng cử viên này.

Sau đó khoảng ba tuần, ông sếp lại gọi tôi. “Tôi cần gặp anh”, ông ta nói.

“Được thôi. Có vấn đề gì không ạ?”.

“Tôi muốn hỏi về một trường hợp do anh điều tra”, ông ta nhìn vào báo cáo của tôi. “Anh ghi rằng người này là một huấn luyện viên bóng chày Little League, được mọi người trong cộng đồng của mình quý mến. Anh ta còn giúp hàng xóm lau chùi máng xối. Anh ta rất năng động, lại còn thích chơi bowling nữa, vân vân và vân vân”.

Ông ta nhìn về hướng tôi. “Nghe này Ken, giải thích cho tôi hiểu với. Làm sao anh ta làm được tất cả những việc này, trên một-chiếc-xe-lăn?”.

Tôi chẳng nghĩ ra được câu trả lời “tinh tế” nào để “chữa cháy” cả.

“Dọn đồ và biến khỏi đây đi!".

Ken Langone / Sài Gòn Books và NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-dong-sai-trai-cua-ken-langone-khi-moi-di-lam-post1177811.html