Hành động ngay khi còn chưa muộn

Mới đây, có một số bài báo phản ánh về vấn đề 'khát nước' sinh hoạt tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có các xã Đồng Ích, Xuân Lôi và Tiên Lữ (Lập Thạch). Dù đây không phải vấn đề mới, song phải ghi nhận những giải pháp và sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng và địa phương.

Do thiếu nướu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) tự kéo đường ống dẫn nước từ hồ Xạ Hương để sử dụng. Ảnh: Thế Hùng

Theo đó, trước nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt của người dân các vùng “đất khát”, UBND tỉnh đã hỏa tốc yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp nước sạch trên địa bàn.

Đôn đốc chủ đầu tư các dự án cấp nước hoàn chỉnh dự án, đầu tư xây dựng nâng cấp công suất cấp nước, mở rộng đường ống cấp nước theo quy định, giải quyết nhu cầu cấp thiết của cư dân về sử dụng nước sạch.

Song, đó là vấn đề trước mắt, còn mấu chốt để giải quyết vấn đề khó khăn trong bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước nói chung và nước sinh hoạt nói riêng, phụ thuộc chủ yếu vào việc quản lý nguồn nước ngầm và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề khai thác, sử dụng nước sạch, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nền nhiệt có xu hướng tăng cao như hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực môi trường, nước ta có may mắn không thiếu nước trầm trọng như một số quốc gia trên thế giới, nhưng cũng không phải là dồi dào. Trong tương lai, vấn đề này càng phải được tính toán để tiết kiệm vì hiện nay chúng ta đang lãng phí nước rất nhiều.

Tình trạng sử dụng nước không hợp lý, sử dụng lãng phí nguồn nước ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn xảy ra, đang làm cho trữ lượng nước bị giảm mạnh. Ở vùng nông thôn, tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu đã gián tiếp gây ô nhiễm và sút giảm trữ lượng nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác có mục đích như xây dựng các công trình cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao.

Trong khi có thời điểm hàng nghìn hộ gia đình với hàng chục nghìn nhân khẩu phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác về với giá đắt đỏ từ 200.000đ đến 250.000đ/khối, thì ở đâu đó trong cơ quan nhà nước, trong đơn vị và một số gia đình ở vùng không có khó khăn chi phối, tình trạng lãng phí nước vẫn thường xuyên xảy ra.

Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng công suất 900.000 m3/ngày đêm, sau khi hoàn thành, đảm bảo cấp nước cho khu vực phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng

Ai cũng biết, nước sạch hay bất cứ một nguồn tài nguyên nào đó đều có hạn và đang có nguy cơ giảm sút trầm trọng do chính những hoạt động thiếu ý thức của con người. Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ là mang lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này.

Mỗi người khi dùng nước xong, nên khóa chặt vòi nước để tránh thất thoát, lãng phí không cần thiết. Sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, cho sinh hoạt hàng ngày. Không khoan giếng tùy tiện để phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà cần áp dụng các phương pháp tưới phun, tưới dạng màn sương vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả cho cây trồng. Không “góp phần” làm ô nhiễm nguồn nước qua việc vứt rác, xác động vật chết, làm nhà vệ sinh trên ao hồ, sông, suối.

Trong sản xuất công nghiệp, chúng ta đã có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, có chương trình kiểm soát lượng nước cung cấp tại nguồn trong quá trình sản xuất, vừa tiết kiệm được lượng nước sạch cung cấp đầu vào (đồng nghĩa với tiết kiệm được chi phí) vừa giảm thiểu lượng nước thải gây ô nhiễm.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT công khai các thông tin liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; theo dõi, giám sát các biến động về nguồn nước của các tuyến sông, suối, hồ, ao, đầm chính trên địa bàn; siết chặt công tác thẩm định và cấp phép khai thác, sử dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động xả thải vào nguồn nước của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thực hiện nghiên túc quy trình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, nhất là hành vi xả nước thải ra nguồn nước tự nhiên. Đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra; không ít vụ việc vi phạm đã bị xử lý…; song, vấn đề tiết kiệm, quản lý, sử dụng và khai thác nước thành công không phải những việc làm trong “một sớm một chiều” hay của riêng một cá nhân nào trong xã hội, mà đây là cả một quá trình lâu dài, phải được duy trì thường xuyên, rộng rãi và cần sự hưởng ứng, tự giác của tất cả các tầng lớp trong xã hội.

Chúng ta đang có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào, bao gồm nguồn nước mặt, nước ngầm và nước mưa với 4 sông, suối lớn liên tỉnh chảy qua địa bàn là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ; 9 sông, suối nội tỉnh có chiều dài từ 10km trở lên cùng với hệ thống hồ chứa thủy lợi…, đem lại tiềm năng tài nguyên nước hàng năm trên 140 tỷ m3/năm; trong đó lượng nước có thể khai thác, sử dụng sơ bộ trên 42 tỷ m3/năm.

Nhưng nếu không biết cách quản lý, khai thác và sử dụng, nhất là thói quen sinh hoạt, khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, thiếu ý thức của một số tập thể, một bộ phận người dân thì nguồn tài nguyên quý giá này sẽ dần cạn kiệt.

Trong lúc nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng cao, việc tăng cường các giải pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với những giải pháp vĩ mô, mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Đừng để đến lúc nguồn tài nguyên này rơi vào tình trạng suy thoái, cạn kiệt mới tìm giải pháp phục hồi thì đã muộn!

Anh Tú

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94966//hanh-dong-ngay-khi-con-chua-muon