Hàng trăm nghìn lao động không có thưởng Tết

* Đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói cho người dân

(Cadn.com.vn) - Chiều 17-1, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức họp báo thông tin nhanh về tình hình tiền lương, thưởng Tết của các loại hình doanh nghiệp và việc cứu trợ thiếu đói cho người nghèo nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương Đỗ Văn Lai cho biết: Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các doanh nghiệp đều thưởng Tết âm lịch cho người lao động với mức thưởng bình quân bằng khoảng một tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng/người, tăng 20% so với mức thưởng Tết âm lịch bình quân năm 2013). Mức thưởng Tết âm lịch tăng chủ yếu do tiền lương của người lao động tăng.

Mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TPHCM khoảng 709 triệu đồng, tăng 9,2% so với mức thưởng Tết âm lịch cao nhất năm 2013 (650 triệu đồng). Tuy nhiên, có 420 doanh nghiệp với 118 nghìn lao động ở 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết.

Mức thưởng Tết dương lịch bình quân khoảng 1,1 triệu đồng/người bằng 90% so với mức thưởng Tết dương lịch bình quân năm 2013. Mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TPHCM khoảng 463,7 triệu đồng, bằng 74,3% mức thưởng Tết dương lịch cao nhất năm 2013. Đồng thời theo báo cáo của các địa phương, có 596 doanh nghiệp với khoảng 256 nghìn lao động ở 8 tỉnh, thành phố không có thưởng Tết dương lịch.

Cũng theo ông Đỗ Văn Lai, mặc dù sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng do doanh nghiệp vẫn chú trọng quan tâm đến đời sống của người lao động nên tiền lương năm 2013 vẫn có xu hướng cao hơn năm 2012. Cụ thể, tiền lương bình quân ước đạt 5 triệu đồng/tháng, tăng 19,2% so với năm 2012 và cao hơn so với tốc độ tăng của năm 2012 (tăng 9,4%). Người có mức lương cao nhất là 434,2 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 69,6% so với mức lương cao nhất năm 2012 (624 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, 22 tỉnh, thành phố có 79 doanh nghiệp nợ 75,7 tỷ đồng tiền lương của 10.168 người lao động.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, hiện 20 tỉnh, thành phố trích ngân sách hỗ trợ đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Ngoài ra, tất cả các tỉnh đều vận động các nguồn hỗ trợ xã hội ngoài ngân sách. Bình quân, mức hỗ trợ từ 200-300 nghìn đồng/hộ. Một số tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ cao như: thành phố Hồ Chí Minh 700 nghìn đồng/hộ; thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ: 500 nghìn đồng/hộ...

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ khoảng 30 nghìn tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và giáp hạt năm 2014 của các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Ninh Bình, Thanh Hóa, Kon Tum, Khánh Hòa và mới đây là Sơn La, Hà Nam và Đắc Lắc. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, liên bộ LĐ-TB&XH và Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói cho người dân trong dịp này.

Thu Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_108949_hang-tram-nghin-lao-dong-khong-co-thuong-tet.aspx