Hàng trăm hộ dân vùng Đồng Tháp Mười 'kêu cứu' vì nhiều năm không có nước sạch

Hàng trăm hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt mùa khô; trong khi đó công trình xây dựng trạm nước sạch tại vùng Đồng Tháp Mười sau 2 năm xây dựng chưa hoạt động được. Đây là điều bất cập tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Bà Dương Thị Phỉ cũng như nhiều hộ dân ở ấp Hưng Phú, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang rất bức xúc vì nhiều năm qua vào mùa khô là thiếu nước sạch trong sinh hoạt. Bởi từ lâu người dân nơi đây phải sử dụng nước mưa hay nguồn nước mặt lấy từ kênh rạch để sử dụng trong sinh hoạt. Gần đây, khô hạn kéo dài, nước mưa trữ lại đã hết, nguồn nước kênh thì cây lục bình dày đặc gây ô nhiễm nặng nên nước cho sinh hoạt vô cùng khó khăn.

Hầu hết các tuyến kênh nội đồng ở huyện Tân Phước cây lục bình dày đặc, nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh

“Cô ăn uống nước mưa còn nước sông bơm lên để giặt đồ này nọ. Nước sông bữa hôm trước sông sạch còn giờ lục bình dày đặc dơ, hôi rồi. Nước mưa hết rồi nên mình mong muốn có nước sạch, không ô nhiễm để con cháu ăn uống, mà mong hoài không thấy”, bà Phỉ bức xúc.

Còn ông Bùi Hưng Kha, người dân địa phương này cũng tâm tư: “Tới giờ này chưa kéo đường ống mà không biết kéo đây, biết chừng nào có nước. Đường ống nước thì người dân ở đây rất đồng tình vì sử dụng đường ống nước lúc nào cũng sạch hơn nước sông vì ở đây người ta chăn nuôi heo trang trại quá nhiều, nước sông ô nhiễm. Dân cũng muốn có nước sớm để bà còn sử dụng, bây giờ khô hạn quá, thiếu nước”.

Các hồ, lu chứa nước ngọt của nhiều hộ dân đã cạn đáy

Qua tìm hiểu của PV Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều năm qua có gần 500 hộ dân ở các xã Hưng Thạnh, Thị trấn Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông chưa tiếp cận được nước sạch từ các nhà máy xử lý nước tập trung mà phải sử dụng nước mưa dự trữ, nước dưới kênh mương. Vào mùa khô hạn như hiện nay phải sử dụng nước mặt kém vệ sinh.

Trước khó khăn này, vào năm 2022, UBND huyện Tân Phước tiến hành xây dựng Trạm cấp nước sinh hoạt để phục vụ cho người dân 03 xã và thị trấn Mỹ Phước đặt tại xã Hưng Thành. Trạm cấp nước này do Ban quản lý dự án và Phát triển Quỹ đất huyện Tân Phước làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước gần 14 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: san lấp mặt bằng diện tích 1200 m2, nhà điều hành, hệ thống điện bơm, bể chứa nước, cổng rào, sân bãi và giếng khoan tầng sâu có đường ống từ 250-60mm. Công trình cấp nước này đã được thông qua tại Nghị quyết 10 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang và UBND tỉnh Tiền Giang có Quyết định 3427 phê duyệt chủ trương đầu tư và Quyết định 648 về phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công.

Trạm cấp nước liên xã Hưng Thành- Thạnh Mỹ- Tân Hòa Đông- thị trấn Mỹ Phước đang chờ nước

Đến nay, hầu hết các hạng mục chính của trạm cấp nước liên xã đã xây dựng hoàn thành chỉ còn hạng mục chưa có khoan giếng tầng sâu. Tuy nhiên Sở Tài nguyên- Môi trường không chấp thuận cho huyện Tân Phước tiến hành khoan giếng tầng sâu mà yêu cầu khoan nơi khác, cách vị trí hiện hữu 1,8km.

Ông Nguyễn Trung Liêm, Giám đốc Ban quản lý dự án và Phát triển Quỹ đất huyện Tân Phước cho biết, đúng ra vào mùa khô này hàng trăm hộ dân huyện Tân Phước đã có nước sạch sử dụng từ trạm cấp nước nhưng vì sự “can thiệp” về thủ tục của Sở Tài nguyên - Môi trường đã làm công trình này kéo dài trước tình trạng “khát nước” của nhiều hộ dân.

“Trạm triển khai làm nay đã 2 năm, tới nay Sở Tài Nguyên- MT làm khó dễ không cho khoan giếng luôn. Thiệt hại lắm thứ nhất là phải đưa quy hoạch sử dụng đất, phải có kế hoạch sử dụng đất, không có nước dân xài. Mà việc này đã đưa vào kế hoạch hàng năm rồi, khoan chỗ khác thì biết chừng nào làm, kho khoan giếng là đã thăm dò mà mình đã làm rồi, nước rất sạch. Đầu tư công thì làm gì mà phải xin phép”, ông Liêm cho hay.

Đường ống dẫn nước từ trạm cấp nước đến từng hộ dân

Hiện nay, tình hình khô hạn đang diễn biến khốc liệt, người dân nhiều địa bàn ở tỉnh Tiền Giang trong đó có huyện Tân Phước đang thiếu hụt nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Do đó việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm cấp nước “liên xã” ở huyện Tân Phước là cấp thiết. UBND huyện Tân Phước và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tiền Giang cần có giải pháp hợp tình, hợp lý, để hoàn thành hạng mục cuối cùng nhằm sớm đưa nước ngọt đến các hộ gia đình đang phải sử dụng nước kém vệ sinh.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hang-tram-ho-dan-vung-dong-thap-muoi-keu-cuu-vi-nhieu-nam-khong-co-nuoc-sach-post1088696.vov