Hàng trăm ha lúa ST24, ST25 ở Đắk Lắk, Đắk Nông bị lép hạt bất thường

Vụ thu hoạch lúa Đông Xuân tại huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) và huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đang chứng kiến câu chuyện buồn khi hàng trăm ha lúa bị lép, năng suất giảm mạnh, thậm chí một số diện tích bị mất trắng nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân.

Giữa cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, bà Lê Thị Ân, ở thôn 5, xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đi kiểm tra ruộng lúa của gia đình chuẩn bị thu hoạch. Vạch từng đám lúa, bà Ân thẫn thờ. Giống lúa chất lượng cao ST24 những năm trước đều cho năng suất rất cao., nhưng năm nay không rõ lý do gì, lúa bị lép, gần như mất trắng.

Bà Ân chia sẻ: “Mọi năm là được 1 tấn đến một 1,1 một sào, nhưng năm nay chỉ được 2 tạ một sào. Năm nay coi như là bị mất trắng, thế này thiệt hại hàng mấy trăm triệu đồng".

Bên cạnh ruộng lúa của bà Ân, ruộng lúa 8 sào của gia đình ông Đàm Văn Hội cũng chung cảnh ngộ: “Có năm nào giống lúa bị như thế này đâu. 8 sào mà thu được có 60 túm, như năm ngoái Đông Xuân là thu được 160 túm. Một túm là một bao, nặng 47-48kg. Như vậy là 3 phần thì mất 2 phần”.

Ruộng lúa trồng giống ST24 của gia đình bà Lê Thị Ân bị lép hạt, gần như mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, có 221ha trong tổng số 700ha lúa trên địa bàn xã có hiện tượng bị vàng lá, không trổ bông và lép hạt, năng suất giảm khoảng 50%. Hầu như chỉ có 2 giống lúa là ST24 và ST25 có hiện tượng bị lép. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân lúa bị vàng lá, không trổ bông và lép hạt rất có thể do ảnh hưởng của thời tiết thất thường.

“Nhận định ban đầu là do thời tiết, vì thời điểm lúa trổ thì theo đo lường của Trung tâm khí tượng thủy văn Đắk Lắk, thời điểm đó nhiệt độ xuống 15-19 độ C, nó quá lạnh nên lúa không trổ được" - bà Hạnh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng không loại trừ nguyên nhân là do giống lúa. Bởi đơn vị cung cấp giống lúa ST24 và ST25 của ông Hồ Quang Cua vụ năm nay không cung cấp cho các đại lý tại huyện Krông Nô. Các đại lý trong xã đi mua giống tại một số nơi khác, không rõ nguồn gốc và chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Bắc, một đại lý bán giống lúa ở xã Buôn Chóa cho biết, năm nay bà nhập giống lúa ST24 mang thương hiệu “Hồ Quang Cua” của một công ty có trụ sở tại Thành phố Buôn Ma Thuột. Nay biết tin đơn vị cung cấp giống của ông Hồ Quang Cua vừa qua không cung cấp giống lúa ST24 và ST25 đến thị trường tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, bà rất bối rối.

Nông dân mua lúa giống mang thương hiệu "Hồ Quang Cua" nhưng bao bì có dấu hiệu làm giả.

Bà Bắc bày tỏ: “Tôi mở đại lý được 6-7 năm nay, trong thời gian này cũng tin tưởng vào đại lý cấp 1. Mọi năm không xảy ra chuyện gì hết, còn năm nay thì cũng không biết được, đầu tiên thì nói là do thuốc, rồi bây giờ người ta lại bảo do tại giống, nên không biết làm sao. Bây giờ đâu có phải gọi là công ty người ta xuống đâu, phải như thế nào thì mình mới gọi được".

Phía bên kia sông Krông Nô, cánh đồng lúa Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) cũng xuất hiện tình trạng lép hạt. Theo phòng NN&PTNT huyện Krông Ana, thống kê sơ bộ đến trung tuần tháng 4, trên địa bàn huyện có khoảng 70ha lúa có hiện tượng lép hạt, giảm năng suất khoảng 60-70%. Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận nguyên nhân, huyện Krông Ana đang thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ người dân, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) có diện tích lúa nước hơn 5.000ha, còn huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) là hơn 11.000ha, đây đều là những vựa lúa lớn của khu vực Tây Nguyên. Trước hiện tượng lúa bị lép hạt, giảm mạnh về năng suất, sản lượng, các cơ quan chuyên môn của các địa phương cần vào cuộc làm rõ nguyên nhân do thời tiết hay do giống. Qua đó, có giải pháp giúp nông dân đề phòng, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến ngành lúa gạo trong vùng./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hang-tram-ha-lua-st24-st25-o-dak-lak-dak-nong-bi-lep-hat-bat-thuong-post1015072.vov