Hàng Tết dồi dào, chỉ chờ người mua

Tết Nguyên đán đang cận kề nhưng sức mua hiện tại tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ chưa tăng mạnh. Tại các chợ, hàng Tết khá ế ẩm so với cùng kỳ các năm trước.

Chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết, chị Thanh Hương (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, hơn nửa năm nay thu nhập của chồng chị sụt giảm. Hai năm trước, khoản tiền chi tiêu mà anh đưa cho chị là 13 triệu đồng/tháng thì 6 tháng trở lại đây là 8 triệu đồng/mỗi tháng; để lo các khoản ăn uống, sinh hoạt trong gia đình 4 người. Sau mỗi tháng cân đối, cùng với phần lương của chị thêm vào, nhà chị gần như “bằng âm”.

“Để chuẩn bị cho mấy ngày tết, chúng tôi đã phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu”, chị Hương than thở.

Kinh tế khó khăn khiến nhiều người phải "thắt lưng buộc bụng". Ảnh minh họa: VGP/Minh Trang

Còn theo chị Nguyễn Thu Hường, công nhân một công ty may thì từ mức lương trung bình gần 9 triệu đồng/tháng, hiện chỉ còn lĩnh hơn 6 triệu đồng. Vì vậy, chị Hường phải “thắt lưng buộc bụng” trong việc chi tiêu mua sắm.

Khảo sát của báo Công an Nhân dân tại một số chợ truyền thống như chợ Xốm, Hà Đông, Nghĩa Tân, Trung Văn và chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho thấy, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết như măng khô, miến, nấm, bóng bì, thực phẩm chế biến, các đồ đặc sản cho tới các mặt hàng mã đều dồi dào, giá cả ổn định như thời điểm trong năm. Dù vậy, hàng Tết tại chợ khá ế ẩm so với cùng kỳ các năm trước.

Chị Nguyễn Thu (Tây Hồ) - đi mua hàng ở chợ Long Biên - cho biết, Tết Nguyên Đán đang cận kề nhưng thị trường vẫn chưa có không khí Tết. Sức mua chậm, “ôm” hàng thì dễ rủi ro, vì người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, nên người bán hàng cũng cần phải tính toán.

Bà Thủy Cường, tiểu thương chợ Long Biên cho biết, như mọi năm tầm thời gian này khách hàng lấy sỉ mua hàng dự trữ bán Tết khá đông và số lượng lớn, nhưng năm nay mặc dù giá bán vẫn giữ ổn định, nhưng khách đến mua thưa thớt hơn. Lượng hàng bán cũng không được nhiều như trước. Đa phần khách hàng cũng cân nhắc việc lấy hàng nhiều khi sức mua chậm.

Tương tự, bà Nguyễn Thanh (Hà Đông) cho biết, hàng nông sản giờ khá phong phú, giá cả hàng hóa không có biến động, giữ ổn định như trong năm. Ngay cả những mặt hàng truyền thống nhà nào cũng cần trong dịp Tết nhưng tới nay người tiêu dùng chưa mua nhiều. Hy vọng vào gần rằm tháng Chạp sức mua sẽ tăng lên.

Nhìn nhận về sức mua hàng Tết năm 2024, chị Nguyễn Ngọc Yến (trú tại Hai Bà Trưng) chuyên bán đồ thực phẩm Tết cho biết, tầm này mọi năm lượng đơn hàng Tết rất lớn, năm nay dù may mắn là khách hàng mua sỉ của chị vẫn ổn định nhưng lượng hàng có rút hơn. Đến nay chị vẫn chưa có đơn hàng lớn. Ví dụ như mọi năm có đơn mấy chục kg bắp bò, mứt dừa, trị giá trên 100 triệu đồng, nhưng năm nay khách chỉ hỏi giá chứ không đặt hàng. Họ cũng trong tình trạng “nghe ngóng” thị trường, sức mua năm nay dự báo giảm hơn.

“Nguyên liệu không giảm, cùi dừa lên giá từng ngày, bắp bò cũng vậy nhưng giá bán không tăng, lãi thấp. Những mặt hàng phục vụ Tết, có thời hạn sử dụng ngắn thì không ai dám “ôm” hàng. Và đều chấp nhận đến gần Tết giá có thể tăng, và bán giá đuổi theo giá”, chị Yến cho hay. Theo chị Yến, năm nay một số mặt hàng bán chạy như thịt lợn khô, trâu khô, bò khô, gà khô lá chanh và những sản phẩm có hạn sử dụng lâu.

Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Hoàng Long, quản lý Bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ Nielsen Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp vẫn sẽ chật vật do khó khăn chung của kinh tế. Thị trường Tết nhiều khả năng sẽ trầm lắng hơn mọi năm. Cùng với thu nhập sụt giảm, nhiều người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng và dần thắt chặt chi tiêu với nhiều mặt hàng quen thuộc.

Có thể nói tiết kiệm là cách nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài thì tiết kiệm sẽ không kích thích sản xuất, không tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó lại tác động đến đời sống.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tiêu dùng trong nước có 70% là chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình. “Nhưng tiêu dùng và sức mua của người dân phụ thuộc vào triển vọng kinh tế. Kinh tế khó khăn thì người dân sẽ tiết giảm chi tiêu", ông Lâm nói.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn nuôi hy vọng càng gần tới Tết thì sức mua sẽ tăng lên. Nhất là khi người lao động được nhận tiền thưởng Tết cũng như được tạm ứng lương trước một tháng để ăn Tết.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hang-tet-doi-dao-chi-cho-nguoi-mua-a646251.html