Hàng sao đen ở phố Lò Đúc là di sản hiếm có, cần chăm sóc đặc biệt

Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc có nhiều giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Nó còn là chứng tích lịch sử, văn hóa, gắn bó với người dân Hà Nội.

Đốn hạ cây sao đen trăm tuổi

Sáng 25/3, cây sao đen có tuổi đời hàng trăm năm ở số 65 phố Lò Đúc (Hà Nội) bị chặt hạ khiến người dân cảm thấy bất ngờ. Nhiều người đã đăng tải thông tin, hình ảnh công nhân Công ty Công viên cây xanh đang đào gốc cây sao đen trên phố Lò Đúc, đặt câu hỏi về nguyên nhân đốn hạ.

Theo người dân, cây sao đen có đường kính khoảng 1m này đã bị nhân viên Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cưa ngang thân. Đáng chú ý, cây sao trăm tuổi có vị trí nằm án ngữ mặt tiền ngôi nhà 7 tầng số 65 Lò Đúc vừa hoàn thiện.

Sao đen là một trong những loại cây có gỗ quý, nằm trong nhóm III thuộc danh sách gỗ quý của Việt Nam. Hiện tại, trên phố Lò Đúc có khoảng hơn 50 cây sao đen có tuổi đời hơn 100 năm, kéo dài từ số nhà 1 đến số nhà 77 tạo bóng mát và cảnh quan rất riêng biệt cho khu phố.

Hàng sao đen trên phố Lò Đúc (Hà Nội).

Đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, qua tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường vỉa hè tại số nhà 65 Lò Đúc có 1 cây sao đen - mã số cây (MSC 87) đường kính 80 cm, cao 18m. Cây sao đen chết khô có đường kính và chiều cao lớn, mục rỗng gốc, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh. Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, phương tiện tham gia giao thông cũng như cảnh quan đô thị, các bên thống nhất đề nghị hoàn thiện thủ tục chặt hạ, đánh gốc, trồng cây theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc được trồng từ thời Pháp thuộc. Đến nay, hàng sao đen đã khoảng 120 tuổi. Cây sao đen được trồng ở nhiều nơi, phù hợp với khí hậu vùng nhiệt đới, cây có nguồn gốc từ Mỹ La Tinh và châu Phi.

Sao đen là gỗ nhóm 2, lớn tương đối nhanh (tăng trưởng đường kính trung bình năm là 1.1–14 cm/năm), sau 25 năm cây đạt đường kính 25–30 cm. Hiện nay cây sao đen là cây công trình dễ tìm thấy ở các thành phố của Việt Nam vì tính chất lớn nhanh, cho bóng tốt, tán lá trên cành cao trên 5 m. Ngoài ra ờ nhiều tỉnh phía nam, cây sao đen được trồng lấy gỗ. Giống cây sao đen dễ dàng được mua ở các vườn ươm giống khắp phía Nam.

"Hàng sao đen trên phố Lò Đúc có nhiều giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Đây là di sản hiếm có của Hà Nội. Ngoài ra nó còn là chứng tích lịch sử, văn hóa, tình cảm, gắn bó với người dân Hà Nội từ nhiều đời. Việc bảo tồn hàng sao đen là rất cấp thiết. Cơ quan chức năng cần kiểm kê đánh giá, số hóa, công khai các thông tin về cây như tuổi thọ, đường kính, thực trạng phát triển... Cùng với đó phải có kế hoạch chăm sóc đặc biệt", TS Trần Văn Miều nói.

Cây Sao đen có tên khoa học là Hopea odorata, thuộc họ Dầu – Dipterocarpaceae, tên tiếng Anh là Golden oak; là loài cây gỗ lớn thường xanh, thân thẳng, tròn thuôn, cao từ 20 – 30 m. Khi cây trưởng thành, vỏ nứt dọc, màu đen, lõi gỗ hơi đỏ. Tán lá rậm, hình chóp, cành nhánh khỏe, dài, mọc chếch. Lá hình trái xoan thuôn, mép hơi gợn sóng, đáy tròn, đỉnh nhọn; mặt trên lá màu xanh bóng, mặt dưới hơi bạc, có tuyến ở nách gân bên. Hoa mọc thành chùm, hoa nhỏ màu trắng. Quả có 2 cánh, phủ lông mịn, dài 3 – 6 cm, rộng 0,5 – 07 cm, lúc non xanh nhạt, lúc già chuyển qua nâu. Cây phân bố ở Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Cần chế độ chăm sóc đặc biệt

TS Đinh Quang Diệp, Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Nông lâm TPHCM nhận định, sao đen là cây gỗ có tuổi thọ rất lâu. Ở ngoài môi trường tự nhiên, chúng có thể tồn tại đến 200-300 năm nhưng ở đô thị, tuổi thọ của cây ngắn hơn do các điều kiện môi trường, công trình ngầm ảnh hưởng đến phát triển của rễ.

Đối với cây cổ thụ, để "chẩn bệnh" cho nó, người ta phải sử dụng các loại máy khoan thăm dò chuyên dụng gọi là giám định cây trồng. Phương pháp này có thể nhận biết cây có bị rỗng hay không do đường biểu diễn sẽ thay đổi, tuy nhiên cách làm này khá tốn kém. Người ta thường chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài như cây rụng lá, không phát triển, suy giảm sinh trưởng, cành khô dần... để khẳng định là cây đã bị hỏng hay chưa.

Chuyên gia cho rằng, rất khó để đưa ra được con số cụ thể là cây bao lâu thì cho "nghỉ hưu" mà phải đánh giá cụ thể hiện trạng của từng cây, từng loài, từ đó mới quyết định cây nên đốn hạ hay bảo tồn. Đối với hàng sao đen trên phố Lò Đúc, để bảo tồn nó phải lập kế hoạch cụ thể, lên các phương án chăm sóc đặc biệt dành cho cây cổ thụ. Tất nhiên đi cùng với nó thì chi phí chăm sóc cây cũng tốn kém hơn nhiều so với các loại cây xanh thông thường.

TS Trần Văn Miều cho rằng không nên thay thế bất cứ cây gì khác vào hàng cổ thụ sao đen ở phố Lò Đúc mà nên tìm cách bảo tồn, lưu giữ, tạo điều kiện cho cây phát triển. Hiện nay đô thị hóa, làm đường, vỉa hè bê tông... khiến nước mưa không ngấm được xuống đất, rễ cây ít có điều kiện phát triển... ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của cây. Giải pháp lúc này là tạo ra các điều kiện tốt nhất để cây sinh trưởng khỏe mạnh.

Xu hướng hiện nay trên thế giới là chọn loài cây trồng đô thị không quá cao, nên chọn những loài cây trung mộc có chiều cao không quá 15m, thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt không giòn, cành dẻo dai không dễ gãy bất thường gây tai nạn, có sức chống chịu tốt, hệ rễ khỏe, cây có cành nhánh có thể chịu được gió mạnh, chịu được sự cắt tỉa, không thuộc các loài cây trong danh mục cấm hoặc hạn chế trồng. Những loài cây có chiều cao trên 20m chỉ nên trồng ở ngoại ô và vùng ven đô thị.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-sao-den-o-pho-lo-duc-la-di-san-hiem-co-can-che-do-cham-soc-dac-biet-169240326093207774.htm