Hàng nghìn thủ tục mới phát sinh nói lên điều gì?

Hàng nghìn thủ tục mới phát sinh trong thời gian qua không chỉ đặt ra câu hỏi về tính thực chất của cải cách môi trường đầu tư kinh doanh mà còn đòi hỏi phải có một cách tiếp cận khác nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề.

Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội gửi đến Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các ý kiến cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không được coi trọng như trước. Cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý… đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng gần đây, cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng phản ánh tình trạng cải cách thủ tục hành chính có xu hướng chậm lại. Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang chật vật với những quy định thiếu minh bạch, hành chính chưa hiệu quả và khó khăn trong việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy, chữa cháy…

“Môi trường đầu tư hiện nay rất kẹt!”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xác nhận trong phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh nhưng bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh ra hàng nghìn thủ tục mới. Đây là vấn đề rất lớn, làm cản trở và làm ách tắc tất cả hoạt động của nền kinh tế hiện nay”.

Con số hàng nghìn thủ tục mới phát sinh là minh họa sống động và có tính định lượng cao cho nhận định của Ủy ban Kinh tế và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nó còn đặt ra câu hỏi về tính thực chất của cải cách và hiệu quả của phương thức cắt giảm hiện nay. Không chỉ tiếp tục mọc ra như “đầu Phạm Nhan” sau nỗ lực cải cách kéo dài những năm qua, mà các phương án cắt giảm, đơn giản chi phí tuân thủ không có gì mới. Chủ yếu vẫn tập trung bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có và/hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước; bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số tài liệu mẫu; giảm số lượng hồ sơ phải nộp; giảm thời gian giải quyết thủ tục… Về cơ bản, các đề xuất này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn chưa “đủ mạnh” hoặc cải cách có tính đột phá. Thậm chí, một số đề xuất cải cách còn mang tính hình thức, gần như không có tác động nào trong việc tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Hoặc, các phương án vẫn chưa giải quyết một số quy định bất cập, vướng mắc, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đang rất khó khăn, trong bối cảnh đó, phá vỡ những điểm nghẽn thể chế, khơi thông những nguồn lực vốn vẫn còn rất dồi dào trong nước là giải pháp thiết thực và yêu cầu cấp bách nhất nhằm tạo đà mới cho phát triển kinh tế. “Hiện nay các chuyên gia, nhà khoa học góp ý nhiều là phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Những kinh nghiệm cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong quá khứ - cả thành công và thất bại - đều cung cấp những gợi ý hữu ích cho giải pháp sắp tới. Một trong số đó là cải cách theo hướng cơ quan xây dựng giấy phép không được cấp giấy phép. Thực tế đã cho thấy, khi cơ quan quản lý vừa được thiết kế giấy phép và các quy định hành chính, lại vừa được cấp phép thì “cài cắm chính sách” để trục lợi và nhũng nhiễu doanh nghiệp là hệ quả không khó lý giải. Còn khi cơ quan thiết kế giấy phép không được quyền cấp phép thì các điều kiện kinh doanh chắc chắn sẽ bớt đi nhiều, bởi chẳng ai dại gì cài cắm thủ tục, điều kiện chỉ để mang lại “quyền lực” cho người khác.

Nhìn xa hơn, các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính về bản chất chỉ là một công cụ quản lý. Gốc rễ của vấn đề nằm ở triết lý về quản lý, tức về mối quan hệ, vai trò nên có giữa Nhà nước và doanh nghiệp (nói rộng hơn là nền kinh tế và xã hội). Nếu không có những sự thay đổi về triết lý mang tính nền tảng cho việc ban hành giấy phép, việc rà soát hay cắt giảm đơn thuần rốt cuộc sẽ không mang lại nhiều kết quả và lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/hang-nghin-thu-tuc-moi-phat-sinh-noi-len-dieu-gi-i327618/