Hàng nghìn hộ dân sống 'treo' trong di tích Kinh thành Huế sẽ được di dời

Quần thể di tích Cố đô Huế là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã di dời hơn 5.000 hộ dân đang sinh sống trong khu vực I, hệ thống Kinh thành Huế theo Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1). Phát huy những kết quả đã đạt được, được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2023 - 2025)…

Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Các khu Eo Bầu, Thượng thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích.

Hơn 5.000 hộ dân sống treo, nhếch nhác trong khu di tích nay đã được tái định cư đến nơi ở mới với hạ tầng, nhà cửa khang trang.

Theo Luật Di sản, nơi này cấm xây dựng, đồng thời phải giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng ngàn hộ dân đã đến khu vực này sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố. Được sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực của Đảng, Nhà nước; từ năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế”. Sau gần 5 năm (2019 - 2023) triển khai, Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế giai đoạn 1 đã tiến hành di dời hơn 5.000 hộ dân.

Cuộc di dân lịch sử này đã mở ra một trang mới cho hàng ngàn hộ dân sống trên đất di tích nhiều năm, đồng thời tạo diện mạo mới cho đô thị TP Huế. Đã 4 năm nay, sáng nào, vợ chồng ông Lê Viết Cao Nguyên (59 tuổi, trú Khu tái định cư phường Hương Sơ, TP Huế) cũng dọn dẹp những bộ bàn ghế ra trước sân nhà, tất bật chuẩn bị đón khách đến uống nước, giải khát. Đây là điều mà 4 năm về trước vợ chồng ông Nguyên không bao giờ làm được trong khuôn viên ngôi nhà cũ cấp 4 của mình tại phường Thuận Lộc, khu vực Kinh thành Huế.

Cách nhà ông Nguyên không xa, gia đình ông Lê Viết Thiện phấn khởi, cho biết: “Ở tuổi này, sở hữu được mảnh đất, căn nhà kiên cố, con cháu có nơi vui chơi, học tập, đối với chúng tôi như trúng độc đắc vậy. Ra đây, chúng tôi được chính quyền quan tâm tạo điều kiện vay vốn xây nhà, kinh doanh, sản xuất. Hơn 300 hộ dân Tổ dân phố 3 đều rất hoan nghênh và ủng hộ chính sách di dời này của Nhà nước”…

Theo các hộ dân, trước đây họ sống trong khu vực di tích thuộc diện di dời nên không được phép nâng cấp, xây dựng nhà ở. Đã nhiều thế hệ phải sống tạm bợ, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường luôn bủa vây. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên tinh thần có lợi nhất cho người dân. Đề án đã mở được nút thắt khó khăn về nguồn kinh phí giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn. Cuộc di dân lịch sử ở Thừa Thiên Huế đã mang đến diện mạo mới cho không gian Kinh thành Huế, góp phần đẩy nhanh quá trình bảo tồn, phục dựng lại các di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế.

Sau khi di dời giai đoạn 1, UBND TP Huế đã huy động nhân lực, máy móc, phương tiện để phá dỡ nhà tạm, san gạt mặt bằng, thu dọn rác thải, phát dọn cỏ dại. Khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào, tuyến Phòng Lộ… hoang tàn nhếch nhác một thời, giờ đã thông thoáng, sạch sẽ. Cũng từ đây, một số công trình quân sự quy mô triều Nguyễn dần được hé lộ sau hàng chục năm bị người dân lấn chiếm, tác động. Trong quá trình chỉnh trang di tích, bước đầu, một số khu vực được khai thác để phục vụ du lịch, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ trên hành trình khám phá Kinh thành Huế từ trên cao...

Vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế” giai đoạn 2 (2023 – 2025). Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, hiện, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Huế đang tập trung triển khai các thủ tục phê duyệt.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, việc thực hiện dự án giai đoạn 2 sẽ mở ra cơ hội ổn định, nâng cao đời sống người dân và phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn cho địa phương. Hiện, UBND tỉnh đã có Tờ trình gửi Bộ TN&MT đề nghị thẩm tra đề xuất điều chỉnh, bổ sung và mở rộng phạm vi áp dụng của khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế giai đoạn 2. Sau khi Bộ có văn bản thẩm tra đối với nội dung nêu trên và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, giai đoạn 2 sẽ được triển khai, đẩy nhanh trong 2 năm (2024 – 2025).

Cuộc di dân lịch sử đã mang đến diện mạo mới cho không gian Kinh thành Huế, góp phần đẩy nhanh quá trình bảo tồn, phục dựng lại các di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Đây cũng là cột mốc quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn di sản sau 30 năm, từ khi UNESCO công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới. “Việc giải tỏa, di dời dân cư sống trong vùng bảo vệ di tích sẽ tạo không gian mới cho Khu di sản Huế, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ, điểm đến gắn với triều Nguyễn. Cùng với việc phát huy loại hình du lịch truyền thống gắn với di sản, văn hóa, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ xúc tiến các sản phẩm du lịch mới như trải nghiệm các cung đường di sản hoặc trên bờ Thượng Thành; hoạt động văn hóa, văn nghệ, dịch vụ về đêm khu vực Kinh thành Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin thêm.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/hang-nghin-ho-dan-song-treo-trong-di-tich-kinh-thanh-hue-se-duoc-di-doi-i719468/