Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: 'Mong Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng dẫn cụ thể'

Sau khi Bộ GD&ĐT nhất trí về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bên cạnh niềm vui khi những tâm tư của mình đã được Bộ GD&ĐT quan tâm thì nhiều giáo viên vẫn còn những băn khoăn và lo lắng.

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, thầy giáo Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - thầy là một trong những giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang làm hồ sơ dự thăng hạng đợt này và cũng là người đại diện cho 2.541 giáo viên các trường đang làm hồ sơ dự thăng hạng trên địa bàn TP. Hà Nội chia sẻ: "Sau khi có phản hồi từ Bộ GD&ĐT, chúng tôi rất vui mừng.

Tâm tư chúng tôi phản ánh những ngày qua chỉ mong muốn Bộ Nội vụ nhất trí phương án bỏ thi để bỏ thủ tục rườm rà, mất thời gian, công sức, tiền bạc, mang nặng tính hình thức và để giảm thiểu thủ tục hành chính giúp giáo viên có điều kiện tập trung vào nâng cao chuyên môn và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì chúng tôi vẫn còn băn khoăn với việc khi nào thì có thông báo cụ thể về việc làm hồ sơ xét thăng hạng".

Thầy giáo Nguyễn Văn Đường.

Theo thầy Đường, trước thềm năm học mới có rất nhiều việc phải làm, nếu giáo viên loay hoay ôn thi thăng hạng thì học sinh mới là người thiệt thòi nhất. "Mong muốn của giáo viên Thủ đô trong thời điểm này là mong Sở GĐ&ĐT sớm có những thông báo, hướng dẫn cụ thể về việc làm hồ sơ xét thăng hạng để giáo viên yên tâm công tác khi năm học mới đang cận kề".

Còn cô Thanh Phượng - giáo viên Trường Dân tộc nội trú, Ba Vì (Hà Nội) cho biết, sau khi đọc phản hồi từ Bộ GD&ĐT thì vẫn còn lo lắng vì thấy nội dung chưa được rõ ràng.

Cụ thể, "Bộ GD&ĐT cho biết đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này". Tuy nhiên, phần sau Bộ GD&ĐT lại "đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật".

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên đã có bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cộng với quá trình công tác có nhiều kinh nghiệm rồi thì thi tiếp để làm gì? "Hãy đánh giá chất lượng trong quá trình công tác của giáo viên và được cơ sở ghi nhận. Thi thăng hạng không quản lý được chất lượng lại gây tốn kém. Việc này phụ thuộc vào Bộ Nội vụ nhưng Bộ GD&ĐT cần phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên".

Trước đó, như báo Sức khỏe&Đời sống đưa tin, đầu tháng 8/2023, gần 2.500 giáo viên các cấp tại Hà Nội cùng xác nhận tâm thư với mong muốn lãnh đạo TP. Hà Nội bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và bỏ quy định 9 năm có bằng đại học.

Trong thư, các thầy cô giáo mong muốn TP.Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.

Liên quan tới việc giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, theo Bộ GD&ĐT, các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, quy định cũng thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại nghị định số 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét. Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-nghin-giao-vien-de-nghi-bo-thi-thang-hang-mong-so-gddt-ha-noi-co-huong-dan-cu-the-16923080616254857.htm