Chuyên gia Việt: Căng thẳng ở Campuchia khó gây bất ổn lớn

Mặc dù chính phủ động binh nhưng căng thẳng ở Campuchia chưa hội tụ các yếu tố có thể dẫn tới bất ổn lớn ở nước này.

Cảnh sát bắt người biểu tình ủng hộ đảng Cứu nguy dân tộc tuần trước. Ảnh: EPA

"Việc quân đội Campuchia điều xe đến bao vây trụ sở của đảng Cứu nguy dân tộc chưa nói lên mức độ nghiêm trọng của tình hình, quan trọng là phía đối lập sẽ phản ứng thế nào", Tiến sĩ Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng Nghiên cứu Campuchia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trao đổi với PV.

Hơn 30 xe tải quân sự, bao gồm cả xe thuộc đơn vị cảnh vệ của Thủ tướng Hun Sen, đêm 12/9 được điều đến trụ sở chính của phe đối lập ở Phnom Penh sau khi phe đối lập lên kế hoạch tổ chức biểu tình. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Sucheat cho biết việc điều động này thực hiện theo lệnh trực tiếp của ông Hun Sen.

Ông Văn phân tích căng thẳng hiện nay ở Campuchia có những yếu tố mang tính "hiệu ứng". Hôm qua đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) tuyên bố sẽ tiến hành biểu tình nếu như chính quyền của ông Hun Sen bắt giữ ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch CNRP. Tuy nhiên, phía chính phủ Campuchia chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện điều này. Ông Sokha tuần trước bị kết án 5 tháng tù vì từ chối xuất hiện tại tòa, trong một vụ kiện liên quan đến mại dâm.

Theo Tiến sĩ Văn, khả năng chính quyền của ông Hun Sen bắt ông Sokha là không cao vì chính phủ sẽ phải chịu nhiều sức ép từ dư luận cả trong nước và quốc tế.

"Nếu ông Hun Sen muốn bắt ông Sokha thì có thể thực hiện bất cứ lúc nào, vì tòa đã tuyên án rồi và ông Sokha vẫn ẩn náu ở trụ sở từ suốt cuối tháng 5. Việc đe dọa bằng lời nói và hành động thực tế là hai chuyện khác nhau", ông Văn nói.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen có thể đang cân nhắc vì ông đã chứng kiến phản ứng của người dân sau đám tang ông Kem Ley, một nhà bình luận đối lập nổi tiếng bị bắn chết tại thủ đô Phnom Penh cuối tháng 7 vừa qua. Hàng nghìn người khi đó đã tham gia để thể hiện sự ủng hộ với ông Ley, người chỉ trích cả hai đảng nhưng nhắm vào đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen và ủng hộ một kỷ nguyên chính trị trong sạch tại Campuchia khi nước này dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2018.

Về phía dư luận quốc tế, hôm qua 39 nước trong đó có Mỹ, các nước EU đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về căng thẳng chính trị đang leo thang ở Campuchia.

Tiến sĩ Văn đánh giá căng thẳng hiện nay giữa chính quyền của ông Hun Sen và CNRP là sự thể hiện ảnh hưởng của họ trong thời điểm chuẩn bị cho bầu cử. Trong khi phe đối lập nỗ lực hạ bệ uy tín của đảng cầm quyền bằng vấn đề tham nhũng, thiếu minh bạch thì ông Hun Sen đang cho thấy sức mạnh của quân đội do chính quyền kiểm soát.

"Tôi cho rằng chưa có gì tạo nên bước ngoặt, nếu như Kem Sokha không bị bắt thì hai bên vẫn giằng co nhau", ông Văn nói.

Việt Anh

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chuyen-gia-viet-cang-thang-o-campuchia-kho-gay-bat-on-lon-post174510.html