Hàng loạt cây xăng, dầu đóng cửa hoặc bán cầm chừng

Ghi nhận trong 3 ngày, 7, 8 và 9-10, hàng loạt cây xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đóng cửa hoặc chỉ bán cầm chừng. Hiện hoạt động kinh doanh xăng, dầu đang gặp khó khăn, do các thương nhân đầu mối chỉ cung ứng hàng nhỏ giọt, thậm chí hết hàng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 608 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; 14 kho xăng, dầu; 8 thương nhân phân phối xăng, dầu có trụ sở trên địa bàn tỉnh và 15 thương nhân phân phối xăng, dầu ngoài tỉnh.

Các thương nhân phân phối có trụ sở trong tỉnh cung ứng được khoảng 60% xăng, dầu. Thương nhân phân phối ngoài tỉnh cung ứng chiếm khoảng 40% lượng xăng, dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Cây xăng Hải Trung, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đóng cửa, sáng 9-10. Ảnh: TÂY HỒ.

ĐÓNG CỬA HÀNG LOẠT

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP. Hà Tiên (Kiên Giang) có 27 doanh nghiệp phân phối xăng, dầu. Trong các ngày 7, 8 và sáng 9-10, một số doanh nghiệp bán xăng trên địa bàn thành phố đóng cửa, ngưng phục vụ do hết xăng, hoặc máy bơm xăng bị hư hỏng.

Chỉ có doanh nghiệp phân phối của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xăng dầu Kiên Giang (Petrolimex Kiên Giang) và Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang mở bán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này bán xăng cho mỗi người chỉ đến mức 30.000 đồng nhằm duy trì nguồn hàng cung cấp cho người dân trong thời gian tới.

Do chỉ có một số doanh nghiệp mở bán nên người dân tập trung đông tại các cây xăng. Ngành chức năng và thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn TP. Hà Tiên đã tiến hành khảo sát tại các doanh nghiệp, từ đó có phương án điều tiết chi phí và lợi nhuận, đảm bảo ổn định trong hệ thống phân phối xăng, dầu, góp phần phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Người dân tập trung đông tại cây xăng Petrolimex - cửa hàng số 17, khu phố 2, phường Tô Châu, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) để đổ xăng, sáng 8-10. Ảnh: DANH THÀNH.

Tại huyện Tân Hiệp, nhiều cây xăng trên địa bàn đóng cửa hoặc treo bảng tạm ngừng kinh doanh. Nhiều chủ cây xăng ở Tân Hiệp cho biết lượng xăng nhập về hụt so với trước, chỉ đủ cung ứng cầm chừng.

Khoảng 9 giờ, ngày 8-10, tại một cây xăng đại lý của Petrolimex Kiên Giang trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, nhiều người dân tập trung đến đổ xăng. “Tôi phải chạy tới cây xăng Petrolimex mới đổ được nhiều. Hôm qua, tôi đi TP. Rạch Giá phải đổ mấy lần mới đủ xăng sử dụng”, chị T.T.L, ngụ huyện Tân Hiệp, nói.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Tân Hiệp - Võ Văn Chính cho biết sau khi nghe phản ánh của người dân, phòng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra tất cả cây xăng trên địa bàn. Qua đó, phát hiện nhiều đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do không có đủ nguồn cung xăng, dầu. Những ngày tới, Phòng Kinh tế huyện Tân Hiệp tiếp tục theo dõi, giám sát các đơn vị kinh doanh không để tình trạng găm hàng xảy ra.

BÁN CẦM CHỪNG

9 giờ sáng, ngày 9-10, trên tuyến quốc lộ 61, đoạn đi qua thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang), cây xăng Hải Trung đóng kín cổng rào.

Cây xăng số 39 trên địa bàn thị trấn Minh Lương mở bán nhưng trong trạng thái cầm chừng. Theo một công nhân bán xăng của cây xăng này, lượng xăng, dầu được các đầu mối cung ứng về thời gian gần đây giảm, chỉ còn khoảng 50% so với trước. Nếu như trước đây, cây xăng này mở bán tới 21 giờ tối thì nay mới đến 18-19 giờ phải đóng cửa vì không đủ hàng bán.

Tại U Minh Thượng (Kiên Giang), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng - Dương Quốc Khởi cho biết: “Huyện có 27 cửa hàng xăng, dầu; trong đó có 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động có lý do phù hợp. Ngày 7-10, huyện có 6 cửa hàng thông báo hết xăng hoặc hết xăng lẫn dầu. Cửa hàng bán lẻ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp từ 50 đến 200 đồng/lít không bù trừ được các khoản chi phí tại cửa hàng”.

Nhân viên cửa hàng xăng dầu Trung Hiệp, ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) treo bảng hết xăng, ngưng bán, sáng 9-10. Ảnh: THANH NHÃ.

Trên tuyến quốc lộ 63, từ cổng chào huyện An Biên đến trung tâm thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên (Kiên Giang), 4 cửa hàng xăng, dầu đóng cửa do hết nguồn hàng. Chủ cây xăng Trung Hiệp, ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên cho biết đã hết xăng, dầu từ ngày 8-10. Hiện đang chờ doanh nghiệp đầu mối cung cấp nhưng vẫn chưa biết chính xác thời điểm cụ thể.

Theo chủ cửa hàng xăng dầu Ba Ua, khu phố 5, thị trấn Thứ Ba, cửa hàng hết nguồn hàng từ ngày 8-10. Rất nhiều người dân dẫn xe đến nhưng không có xăng để đổ nên phải dẫn đi nơi khác. Do doanh nghiệp đầu mối chưa cung ứng hàng kịp thời nên cửa hàng tạm ngưng bán.

KHẢ NĂNG CUNG ỨNG KHÔNG ĐẢM BẢO

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Quốc Thơ cho biết đơn vị đã chỉ đạo lực lượng theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình xăng, dầu hiện nay trên địa bàn tỉnh. Thực tế xăng, dầu đang thiếu cục bộ ở một số nơi và qua kiểm tra, nhiều cây xăng đang bán cầm chừng. “Chúng tôi theo dõi sát sao tình hình, giám sát chặt chẽ thị trường để đảm bảo các cây xăng không găm hàng, bán đúng giá theo quy định”, đồng chí Thơ nói.

Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, qua báo cáo của ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, hiện hoạt động kinh doanh xăng, dầu đang bị khó khăn về nguồn cung ứng.

Hiện các thương nhân phân phối xăng, dầu chỉ có khả năng đảm bảo cung ứng trong hệ thống theo tiến độ được từ 2-3 ngày. Các doanh nghiệp đầu mối đang bán với mức chiết khấu âm, thương nhân phân phối kinh doanh lỗ do phải chịu thêm các khoản chi phí vận chuyển, chi phí quản lý.

Ngoài ra, do các thương nhân cung cấp xăng, dầu ngoài tỉnh không cung cấp hoặc chỉ cung cấp nhỏ giọt cho hệ thống phân phối cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh nên càng khó khăn cho hệ thống thương nhân phân phối trong tỉnh, nhất là các đơn vị thuộc nhà nước, phải tăng thêm nguồn cung cho hệ thống mình. Vì vậy, khả năng duy trì cung ứng xăng, dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trong thời gian tới không đảm bảo.

Người dân mua xăng tại một cây xăng trên quốc lộ 80, đoạn qua thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) nhiều lần để đổ vào xe. Ảnh: THỦY TIÊN.

Các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu được các thương nhân phân phối xăng, dầu cung ứng cầm chừng, mỗi lần cấp từ 1-3m3, cách nhau từ 3-5 ngày, trong khi cửa hàng bán hết xăng, dầu từ 2-3 ngày, dẫn tới tình trạng các cửa hàng khan hiếm, thiếu hàng cục bộ từ 1-2 ngày.

Theo phản ánh của các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, doanh nghiệp mở cửa bán xăng, dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho người dân trong khi không có chiết khấu hoặc mức chiết khấu rất thấp. Thời gian bị lỗ kéo dài nên các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu không còn khả năng duy trì hoạt động kinh doanh xăng, dầu để phục vụ người dân trong thời gian tới.

Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu thời gian tới không bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có báo cáo, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ Tài Chính.

Cụ thể, Kiên Giang kiến nghị xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ, tết, không làm tăng độ trễ của thị trường, trong lúc đang biến động. Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có phương án đảm bảo nguồn cung xăng, dầu, không để đứt gãy nguồn cung hoặc thiếu hụt cục bộ trong hệ thống phân phối của thương nhân.

Trung ương có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong giá cơ sở từ thương nhân đầu mối, hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ nhằm ổn định trong hệ thống phân phối xăng, dầu để các thương nhân có thể duy trì hoạt động kinh doanh, góp phần phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.

TÂY HỒ - THANH NHÃ - DANH THÀNH - THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-tinh/hang-loat-cay-xang-dau-dong-cua-hoac-ban-cam-chung-10991.html