Hàng loạt cán bộ vướng vào lao lý sau 'sốt đất'

Cách đây vài năm tại nhiều địa phương trong cả nước, giá đất ở bất ngờ tăng phi mã, sau đó bỗng dưng giảm. Sau 'sốt đất' chỉ còn những nhà đầu tư 'cá mập', 'cò đất' chuyên nghiệp hưởng lợi, còn lại hầu hết các gia đình vỡ nợ, nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý.

Những năm gần đây cơn "sốt đất" lan khắp các tỉnh thành. Trước nhu cầu mua bán đất của người dân tăng cao không ít người có tay nghề, chuyên môn cao, nghề nghiệp ổn định đã nghỉ hoặc tạm thời nghỉ nghề chính để "đu" theo sóng thị trường đi buôn đất.

Nguyên nhân chính tác động đến thị trường đất là do các "cò đất" tung thông tin về các quy hoạch dự án... Trong khi những thông tin quy hoạch dự án mới chỉ là chủ trương, chưa có gì rõ ràng nhưng khi qua tay giới "cò đất" đã được "thổi phồng" để kích thích người có tiền lao vào đầu tư khiến giá đất bỗng dưng nhảy vọt.

Cách đây vài năm tại nhiều vùng quê ở Hà Tĩnh người đi mua đất như trẩy hội.

Thời gian "sốt đất" kéo theo nhiều gia đình, cộng đồng dân cư "lao" vào mua bán đất như con "thiêu"thân", bởi thông tin giá đất tăng bằng lần, không phải 1 lần, 2 lần thậm chí bằng 5 lần, 10 lần. Trong vòng quay chóng mặt đó, nhiều khi người ta quên mất đi những giá trị cốt lõi, giá trị đích thực để rồi mang tiền, vay tiền khắp nơi đầu tư vào đất.

Rất nhiều người đang còng lưng trả nợ ngân hàng khi chạy theo vòng xoáy sốt đất. Những câu chuyện trên chỉ là số ít trong vô vàn những chuyện dở khóc dở cười, bài học cho những người không có nguồn tiền nhàn rỗi, lướt sóng theo đất bằng tiền vay ngân hàng.

Chính mánh khóe “thổi phồng” so với giá phổ biến trên thị trường của giới đầu cơ đã tạo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và gây khó khăn cho người có nhu cầu mua đất thực. Thực tế, giá đất được “thổi” trên trời đã kéo theo nhiều hệ lụy. Trước nhu cầu chuyển nhượng đất của người dân tăng cao, một số cán bộ địa chính đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của người dân trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến sai phạm và bị khởi tố.

Ngày 7/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an hai huyện Kỳ Anh và Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng là cán bộ địa chính xã, chi cục thuế và Văn phòng Đăng ký quyến sử dụng đất về tội nhận hối lộ, đưa hối lộ.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình công tác liên quan đến các thủ tục về đất đai, một số cán bộ địa chính, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Kỳ Anh và cán bộ Chi cục Thuế khu vực Kỳ Anh đã móc nối với nhau để nhận tiền hối lộ.

Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, nơi có cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh:TL

Cụ thể, 7 cá nhân khởi tố bị can, bắt tạm giam vì hành vi nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự gồm: Đặng Quốc Anh (SN 1987), Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Kỳ Anh; Hoàng Xuân Phùng (SN 1973), cán bộ Chi cục Thuế khu vực Kỳ Anh; Trần Bá Cường (SN 1990), cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Kỳ Anh; Nguyễn Ngọc Hợp (SN 1989), cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Kỳ Anh; Lê Viết Hoàng (SN 1987), công chức địa chính xã Kỳ Sơn và Trần Thị Cẩm Anh (SN 1989), công chức địa chính xã Kỳ Hải.

Tại huyện Thạch Hà, có hai người thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Thạch Hà-Lộc Hà bị khởi tố về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự gồm: Hồ Thị Dung (SN 1993) và Trần Thu Thảo (SN1989). Cả hai đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Thạch Hà.

Ngoài các đối tượng kể trên, cơ quan chức năng đã bắt giữ, khởi tố Vương Tuấn Thịnh (46 tuổi) là cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh về tội nhận hối lộ và một số người chưa rõ danh tính kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản về tội đưa hối lộ.

Theo tài liệu điều tra, từ giữa năm 2021 - 2022, lợi dụng hiện tượng "sốt đất" trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà… các "cò đất" đã móc nối với hàng loạt cán bộ thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai, cán bộ thuế, công chức địa chính xã với mục đích làm nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Sau khi hồ sơ nộp về địa chính xã, công chức địa chính xã sẽ "ra giá" với các "cò đất". "Cò đất" phải chi từ 3,5 đến 5 triệu đồng trên mỗi bộ hồ sơ để làm nhanh thủ tục cấp GCNQSDĐ.

Số tiền thu được, cán bộ địa chính xã sẽ được nhận từ 1 đến 1,5 triệu đồng, Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ được nhận từ 2,5 đến 3 triệu đồng tùy bộ hồ sơ, trích cho cán bộ thuế 500.000 đồng/bộ.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, các bị can nói trên đã móc nối với các "cò đất" để làm nhanh hàng trăm bộ hồ sơ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Riêng tại huyện Kỳ Anh, các bị can làm nhanh hơn 100 bộ hồ sơ, thu lợi hơn 400 triệu đồng.

Tương tự tại tỉnh Quảng Trị, vào thời điểm cuối năm 2021 đến giữa năm 2022, ở một số địa phương như TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong xảy ra tình trạng "sốt đất". Giá đất ở các khu vực đã phân lô, đấu giá được mua đi, bán lại sôi động với giá cao ngất ngưởng.

Lô đất tại trung tâm huyện Cam Lộ bị trả cọc sau lần đấu giá cao ngất ngưởng.

Sau "cơn sốt đất", tại Quảng Trị có nhiều người bị vỡ nợ, sau đó sử dụng các thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Nạn nhân của những vụ án này gần như kiệt quệ vì trắng tay. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là làm giả sổ đỏ để cầm cố, rao bán cho nhiều người, vay tiền đáo hạn ngân hàng, kinh doanh bất động sản.

Có thể kể đến trường hợp Nguyễn Thị Thắm (SN 1991, trú xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Đối tượng Thắm bị bắt giữ vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, vào tháng 6/2022, Thắm đã đặt làm 4 "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" giả (sổ đỏ giả). Sau đó, Thắm dùng 3 sổ đỏ giả để lừa đảo một số bị hại, chiếm đoạt số tiền trên 500 triệu đồng.

Theo Cơ quan điều tra, trước khi phạm tội, Thắm tham gia làm "cò đất", khi "cơn sốt đất" qua đi, Thắm vỡ nợ do đó đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của Thắm là dùng sổ đỏ giả để rao bán đất.

Trước nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, từ tháng 3/2022, UBND tỉnh Quảng Trị yêu yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình, tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra. Đồng thời, có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản... vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Nguyễn Sơn - Hoàng Dũng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/hang-loat-can-bo-vuong-vao-lao-ly-sau-sot-dat-17223031715424756.htm