Hàng không ế khách vì người dân ngoảnh mặt?

Giá vé máy bay tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đi chơi, du lịch của không ít người dịp 30/4-1/5 sắp đến, nhất là khi kỳ nghỉ này có thể kéo dài đến 5 ngày. Nhiều người dân đã quyết định ở nhà hoặc chọn tour, tuyến nước ngoài hoặc các loại hình di chuyển khác, thay vì đến các địa điểm du lịch trong nước. Và bởi vậy, câu chuyện kích cầu du lịch với giải pháp 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam' sẽ không thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay.

Giá vé máy bay của Việt Nam đắt gấp 2 lần so với hãng quốc tế

Ông bà ta có câu: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ý để miêu tả một tình huống hoàn hảo, khi các yếu tố bên ngoài (thiên thời, địa lợi) và yếu tố bên trong (nhân hòa) đều đồng thuận thì sẽ mang đến một kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên câu chuyện về giá vé máy bay nội địa cho du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là một ví dụ cho thấy nếu thiếu đi một yếu tố thì kết quả không còn được tốt đẹp nữa.

Có một thực tế hiện nay, nếu làm một phép so sánh, thì cùng một khoảng cách - chặng bay, giá vé máy bay của Việt Nam, mà cụ thể là của một hãng hàng không giá rẻ còn đắt hơn từ 1,2 đến gần 2 lần so với các hãng quốc tế.

Cụ thể, chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng (với thời gian bay là 1 giờ 20 phút) hiện giá vé của hãng Hàng không Vietjet là khoảng hơn 3 triệu đồng (tương đương với 125$ ); Chặng bay Bangkok - Phuket (với thời gian bay là 1 giờ 30 phút) rẻ nhất là hãnh Thai Asia với giá 94$; Chặng bay Miami - Atlanta (1 giờ 50 phút) rẻ nhất là 70$; Chặng bay Melbourne - Sydney (1 giờ 20 phút) rẻ nhất là 114$.

Cùng một khoảng cách - chặng bay, giá vé máy bay của Việt Nam còn đắt hơn từ 1,2 đến gần 2 lần so với các hãng quốc tế.

Rõ ràng đang tồn tại một nghịch lý, khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn, nhưng giá tiêu dùng mà cụ thể một ví dụ là giá vé máy bay nội địa Việt Nam lại cao hơn các nước khác. Vì sao nghịch lý này lại tồn tại?

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu khách du lịch quốc tế, phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay trong nước đã tăng 20 - 40% so với 5 năm trước, việc khai thác tiềm năng chi tiêu của du khách ở Việt Nam trong thời điểm này là rất khó khăn, câu chuyện này có thể dẫn đến tình trạng: hàng không ế khách vì người dân ngoảnh mặt.

Giá vé máy bay tăng cao, người dân thắt chặt "hầu bao"

Có bố mẹ sinh sống trong TP.HCM nên vào mỗi dịp 30/4 - 1/5, gia đình chị Trần Thị Thanh Nga (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đều lựa chọn TP.HCM là một điểm đến tham quan và du lịch. Thế nhưng năm nay lại có chút thay đổi khi mà giá vé nội địa tăng cao, gần như bằng một tour Thái Lan trọn gói. Chị Nga cho biết, mọi năm vào tháng 3 gia đình chị sẽ săn vé giá rẻ của Vietnam Airline cho chặng TP.HCM và chỉ mất trung bình 6 triệu cho tiền vé máy bay. Nhưng năm nay giá lại tăng cao lên đến 26 triệu đồng, gấp 3,4 lần so với mọi năm. Trong khi đó khi tham khảo các tour Thái Lan cũng chỉ có giá 40tr cho cả nhà nên, năm nay gia đình chị sẽ lựa chọn đi du lịch Thái Lan.

Còn với gia đình anh Đỗ Văn Hùng (huyện Thanh Trì, Hà Nội), dù đã tìm kiếm tour du lịch Phú Quốc dịp hè 2024 ngay sau Tết, tuy nhiên giá vé máy bay tăng cao khiến gia đình anh không khỏi ngần ngại. Anh Hùng cho biết, dịp hè này, có thể gia đình anh sẽ cho các con chơi tại Hà Nội thay vì đi Phú Quốc như dự định.

Giá vé nội địa tăng cao gần như bằng một tour Thái Lan trọn gói nên nhiều gia đình đã thay đổi điểm đến du lịch dịp 30/4-1/5.

Việc nghỉ lễ kéo dài 5 ngày là tín hiệu tốt để thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, với giá vé máy bay đang ở mức tăng cao chưa từng có thì để đến các điểm du lịch trong nước, du khách phải chi trung bình từ 4-8 triệu đồng/ cặp vé khứ hồi. Và điều này khiến nhiều người dân bỏ cuộc kể cả khi kế hoạch nghỉ lễ đã lên kế hoạch từ trước đó.

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch nội địa "chật vật" tìm khách

Ngay từ đầu tháng 3/2024 (tức là cách nghỉ lễ có hơn 1 tháng), trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Rõ ràng việc tăng giá trần sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch nội địa, nhất là trong các giai đoạn cao điểm.

Sau những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, những tưởng ngành du lịch của Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng, nhưng việc tăng vé máy bay quá cao đã dẫn đến một bài toán ngược, đó là việc người dân sẽ quay lưng với hoạt động du lịch liên quan đến hàng không và thậm chí cả hạn chế sử dụng các dịch vụ vận chuyển bằng hàng không. Như thế ngành hàng không lại giảm doanh thu, giảm doanh số. Và bởi vậy, bài toán lợi nhuận của ngành hàng không đặt ra sẽ không đúng như kỳ vọng mà họ mong muốn.

Đặc trưng mùa vụ của hàng không là vào cao điểm dịp lễ nhưng vì sao các hãng chưa mặn mà tăng chuyến nội địa? Khi quốc gia láng giềng Trung Quốc mở cửa bầu trời, đã có tình trạng các hãng bay Việt tranh nhau lên kế hoạch bổ sung nguồn lực tàu bay và nhân sự để bay đến thị trường tỉ dân này. Có hãng bay dành hẳn hàng chục tàu bay để chuyên bay thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các đường bay quốc tế khác như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản... được khách Việt đi lại đông, các hãng vui vẻ, ưu tiên phục vụ vì có doanh thu tốt hơn bay nội địa.

Còn một lý do khác mà hãng bay phân trần việc chậm tăng chuyến đó là việc cấp thêm slot sát dịp lễ nên khi mở chuyến bay giá vé theo nguyên tắc từ thấp đến cao, cộng với đó là các công ty du lịch, đại lý cũng đã tranh thủ ôm vé và chỉ xả hàng khi người tiêu dùng không chấp nhận giá vé cao.

Dù thế nào thì câu chuyện giá vé máy bay sát thời điểm nghỉ lễ vẫn ở mức “phi mã” như thế này sẽ khiến các doanh nghiệp du lịch nội địa lao đao và đầy tiếc nuối khi vuột mất một cơ hội tăng doanh thu trong một kỳ nghỉ kễ dài đầy tiềm năng như thế này.

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch nội địa "chật vật" tìm khách

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp du lịch đang khá bối rối vì các đường tour trong nước bị tác động khi xuất hiện việc điều chỉnh giá trần hàng không từ ngày 1/3/ 2024. Mặc dù các hãng bay đều khẳng định mức giá vé này chưa có sự thay đổi lớn, song thực tế, những biến động liên tục của thị trường hàng không thời gian qua đã vô hình trung thiết lập một mặt bằng giá vé máy bay cao, cho thấy ngành du lịch nội địa sẽ thêm khó khi cạnh tranh với du lịch nước ngoài.

Theo ông Đoàn Thanh Hoàng, PGĐ kinh doanh du lịch Lửa Việt, do cấu thành dịch vụ chung, ví dụ đối với những tour miền Bắc tách làm hai phần dịch vụ mặt đất và dịch vụ vận chuyển, khi cộng lại thấy giá vé máy bay ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên đối với dịch vụ outbout, dịch vụ tour nước ngoài vé máy bay chỉ chiếm khoảng 30% trong cấu thành giá tour nên việc tăng nhẹ vé máy bay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá tour cấu thành chung.

Giá vé máy bay tăng đồng nghĩa rằng các tour du lịch nội địa đi bằng đường hàng không cũng phải điều chỉnh giá. Không ít doanh nghiệp lữ hành hiện đang lo lắng việc tăng trần giá vé máy bay sẽ là thách thức vô cùng lớn với ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nêu quan điểm: Tôi nghĩ là việc điều chỉnh giá vé máy bay phải theo từng giai đoạn và cực kỳ hợp lý. Nếu sức mua vé máy bay thấp thì phải tăng kích cầu lên bằng nhiều hình thức thương mại, giảm giá. Kèm theo việc tăng giá, chúng ta phải tăng giá phù hợp thực tiễn, phù hợp thị trường. Tăng quá cao thì có bài toán ngược là người ta sẽ hạn chế sử dụng các dịch vụ vận chuyển bằng hàng không. Như thế ngành hàng không lại giảm doanh thu, giảm doanh số. Bài toán lợi nhuận của ngành hàng không đặt ra sẽ ko đúng như kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, du lịch nội địa vốn đã bị đánh giá là kém cạnh tranh so với du lịch nước ngoài, nay dự báo sẽ càng khó khăn hơn khi giá vé máy bay tăng thêm.

Đại diện hãng hàng không lên tiếng: Giá vé cao điểm khó hạ nhiệt

Có thể nói, sự hợp tác giữa hàng không và du lịch còn bất cập đang gây khó cho ngành du lịch và sự phục hồi của nhiều ngành nghề khác. Chỉ khi nào các hãng hàng không và công ty lữ hành có sự hợp tác chặt chẽ và phối hợp ăn ý thì mới đem lại lợi ích chung cũng như sự phát triển bền vững của cả hai bên. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng: lẽ ra các hãng hàng không làm việc trước với Tổng cục Du lịch, xây dựng chiến lược giá vé rõ ràng sẽ không xảy ra tình trạng như hiện nay.

Trước sự phản ứng của người dân về giá vé máy bay tăng cao, lãnh đạo ngành hàng không đã lên tiếng cho rằng: nguyên nhân sâu xa dẫn đến giá vé máy bay tăng cao là do các hãng vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ đợt dịch Covid-19, cùng với đó là do thiếu hụt máy bay nên giá vé vào mùa cao điểm sẽ khó có thể hạ nhiệt được.

Nhiều lý do đã được ngành hàng không đưa ra để biện minh cho cho việc giá vé máy bay tăng cao.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguyên nhân thiếu hụt tàu bay là một số hãng thua lỗ nặng, bắt buộc phải tái cơ cấu nợ, giảm quy mô đội tàu bay. Bamboo Airways giờ chỉ còn 5 chiếc hoạt động; Pacific Airlines trả hết 6 tàu bay Airbus 320. Ngoài ra, từ năm nay nhà sản xuất động cơ phải triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất, do vậy, tổng số máy bay bị ảnh hưởng của hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air là 42 máy bay.

Lý giải việc giá vé máy bay tăng cao, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đưa ra lý do: chi phí đầu vào cao, bởi vậy trong ngắn hạn, việc hạ giá vé máy bay là rất khó.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 11 tháng đầu năm 2023 đã tăng tới 87,29% so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận giá vé máy bay tăng cao nhưng ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, lại cho rằng, với mức giá niêm yết hiện nay, các hãng hoàn toàn không vi phạm vì giá vé được điều tiết theo cơ chế thị trường và vẫn nằm dưới mức giá trần. Tuy nhiên, thực tế vẫn khiến người dân đặt câu hỏi, vì sao thị trường hàng không nội địa được cho là phục hồi tốt nhưng giá vé máy bay lại tăng cao như vậy?

Dịch vụ sân bay thuộc top đắt đỏ nhất thế giới

Không hiểu có sự liên quan như thế nào giữa giá vé máy bay với các dịch vụ hàng không mặt đất, và những loại phí cao ngất ngưởng tại sân bay đang dồn lên người tiêu dùng đã tồn tại trong thời gian quá dài, nhưng có một thực tế, việc giá dịch vụ các loại dịch vụ như gửi xe, đồ ăn, đồ uống ở sân bay cao hơn thị trường và không tương xứng với chất lượng. Và theo các doanh nghiệp, chi phí thuê mặt bằng ở đây ngang với việc thuê ở các trung tâm cao cấp.

Được biết, hiện nay, có hai loại hình doanh nghiệp đang kinh doanh ở Sân bay Nội Bài là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và tư nhân. Bên cạnh hai đơn vị của Nhà nước là Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Nội Bài (Nasco) và Trung tâm khai thác Nội Bài, nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng đang sở hữu nhiều quán ăn, quầy hàng tại sân bay. Đại diện các nhà kinh doanh giải thích giá cả hàng hóa đắt là do chi phí thuê mặt bằng tại sân bay cao ngang ngửa giá thuê văn phòng hạng A.

Trong chuyến công tác đầu tiên của năm 2024, anh Trần Thanh Lộc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định trải nghiệm ăn phở ở Sân bay Nội Bài sau rất nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Tô phở anh Lộc ăn có với mức giá gần 140.000đ.

Mình thấy với mức giá hơn 100.000 đồng thì quá đắt, chất lượng không tương xứng - anh Lộc bức xúc cho biết. Theo anh, phở là món ăn truyền thống, mang đậm văn hóa của người Việt thì việc làm ngon, giá thành hợp lý cũng là cách quảng bá du lịch, giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Lần đầu tiên bạn bè quốc tế bước chân xuống Hà Nội nếu ăn tô phở này thì quá đáng tiếc.

Dịch vụ sân bay thuộc top đắt đỏ nhất thế giới

Dưới đây là một vài ý kiến khảo sát của chúng tôi với một số người dân đã từng trải nghiệm ăn phở tại Sân bay Nội Bài:

- Mình thấy ăn cho có đi, giá cả rất mắc, không có quá nhiều lựa chọn, mình ăn cho có và không được vừa, ăn tạm đi. Khi đã đến sân bay thì ôi đói quá thì mình ăn tạm chứ không ai đến sân bay để thưởng thức phở mà gọi là đặc trưng Hà Nội. Bỏ giá tiền đó để nói là phở Hà Nội thì mình nghĩ không OK đâu.

- Mình đi trong tâm thế rất vội, rất đói, bất đắc dĩ mình mới ăn chứ mình không muốn chọn, cùng tầm giá mình sẽ chọn được nhiều cái hay hơn, thực sự chất lượng không xứng với giá tiền

- Nước dùng nhạt, mình ăn tạm để bay dài đỡ đói chứ không muốn ăn, đi công tác lâu ngày thì mình sẽ rất nhớ phở, về Việt Nam là mình sẽ đi ăn phở ngay.

Tất nhiên nhiều khi, nỗi băn khoăn của người dùng ở đây không hẳn là “đắt” hay “rẻ”. Bởi khi lên tới sân bay, nhiều người đều có chung tâm lý rằng “cái gì cũng đắt đỏ”. Vả lại, nếu phải bỏ ra một số tiền lớn hơn để nhận về giá trị xứng đáng thì cũng không có gì phải bàn cãi. Đáng nói là, những tô phở tại Sân bay Nội Bài lại “bị chê” vì chất lượng không xứng đáng với số tiền mà khách hàng phải bỏ ra.

- Thực sự nó chưa xứng đáng với số tiền mình bỏ ra…

- Lần nào đến sân bay mình cũng rất vội, bí quá mình mới ăn chứ không thì cũng không chọn…

- Nó có rất nhiều sự lựa chọn khác với giá tiền tương đương mà mình có thể thưởng thức tốt hơn…

- Lần sau chắc chắn mình sẽ không lựa chọn…

Nhiều khách hàng trải nghiệm ăn phở tại Sân bay Nội Bài đều chung một đánh giá: chất lượng chưa tương xứng với giá tiền!

Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần mở các đợt rà soát giá dịch vụ phi hàng không tại các sân bay hay áp giá trần cho những dịch vụ phi hàng không ở sân bay. Nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng, chất lượng dịch vụ chưa làm hài lòng người dân. Mới đây, Sân bay Nội Bài được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới, nếu không kiên quyết xử lý thỏa đáng thì lại đặt ra một vấn đề mời trong dư luận: liệu sân bay tốt nhất thế giới đã làm hài lòng người dân trong nước hay chưa?

Nhiều người cho rằng: khó có thể chấp nhận một thực tế là trong khi ngày càng có nhiều hãng hàng không liên tục có các hình thức khuyến mãi, hạ giá vé máy bay để thu hút khách thì những mặt hàng ăn uống tại sân bay lại liên tục tìm cách tăng giá bất hợp lý. Và không thể chấp nhận rằng cùng tại một thành phố, cùng một nguồn cung cấp nguyên liệu nhưng chỉ cách nhau một bức tường hoặc vài bước chân một sản phẩm đã bị nâng giá lên gấp nhiều lần.

Phải chấn chỉnh giá cả các mặt hàng tại sân bay một cách quyết liệt và thực sự hợp lý. Bởi sẽ chẳng có khoản thu nào có thể bù đắp nổi hình ảnh méo mó và thiếu thiện cảm trong con mắt khách nội địa và quốc tế về những dịch vụ đắt đỏ tại sân bay.

Hiện nay, để được bay, người tiêu dùng sẽ phải gánh rất nhiều loại thuế phí: Cơ cấu giá vé máy bay bao gồm giá cơ bản + thuế và phí cộng lại. Trong đó có các loại phí như: thuế VAT, phí sân bay, phí admin, phi dịch vụ,… và những khoản phí phát sinh tại thời điểm kiểm tra thực địa: phí hành lý quá khổ, phí mua thêm suất ăn trên máy bay, phí đổi hành trình… rất nhiều các khoản mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hang-khong-e-khach-vi-nguoi-dan-ngoanh-mat-230904.htm