Hang Con Moong - 'Pho sử sống' về nơi cư trú của người tiền sử

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - nguyên Trưởng phòng Thời đại đồ đá, Viện Khảo cổ học Việt Nam trong chuyến điền dã mới đây tại hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Với giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt nêu trên, hiện UBND tỉnh Thanh Hóa và Viện Khảo cổ học Việt Nam đang phối hợp hoàn thiện hồ sơ trình Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh hang Con Moong vào danh mục "Di sản thế giới".

Hang Con Moong (hang con thú) - một di chỉ khảo cổ học nằm trên địa bàn bản Thành Trung, xã Thành Yên, huyện miền núi Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Từ lâu nơi đây trở thành một địa chỉ quen thuộc, nổi tiếng không chỉ trong giới khảo cổ học Việt Nam mà cả thế giới. Trong sâu thẳm, trầm tích của hang Con Moong, những vết dấu của người tiền sử vẫn còn hiện hữu nguyên vẹn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa trên, năm 2007, hang Con Moong được công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia và năm 2016 được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao bằng công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt.

Năm 2016, hang Con Moong được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao bằng công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt.

Hang Con Moong nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, có độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang nổi bật hẳn lên với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều điều bí ẩn. Bên cạnh những đợt khai quật khảo cổ học của các nhà khoa học trong nhiều năm qua, nơi đây còn đón rất nhiều lượt du khách trong, ngoài nước, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.

Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, hang Con Moong còn giữ được nét hoang sơ, với hệ thống động, thực vật khá phong phú. Trong hang còn hằn rõ dấu tích của người tiền sử (3 bộ xương người được táng theo kiểu bó gối - PV), các vết tích của những đợt khai quật. Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang hầu như còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn. Đặc biệt, tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã như: khỉ, gấu, hoẵng, nai rừng...

Theo các tài liệu khảo cổ học, hang Con Moong được phát hiện vào năm 1975 và được khai quật hầu như toàn bộ trong năm 1976. Tầng văn hóa trong hang rất dày (khoảng từ 3 đến 3,2m), chứa đựng vết tích văn hóa của nhiều thời đại, từ đá cũ, qua đá mới. Kết quả phân tích bằng phương pháp Carbon (C14) trên 10 mẫu của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định niên đại của lớp sớm nhất là cách đây khoảng 15.000 năm, lớp giữa là khoảng 10.000 năm, lớp trên là khoảng 7.000 năm. Giá trị nổi bật nhất của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Nguyên Trưởng phòng Thời đại đồ đá, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: "Hang Con Moong hình thành trước 74.000 năm, là một trong những di tích khảo cổ học có địa tầng dày nhất Đông Nam Á hiện nay. Cách đây 50.000 năm, đã có dấu tích của con người vào hang cư trú, lúc bấy giờ họ chủ yếu sinh sống bằng săn bắt, hái lượm, bắt đầu biết chế tác công cụ bằng đá để săn động vật như: hươu, nai, thậm chí cả tê giác…".

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử khẳng định: "Đây là điểm khảo cổ học ở Việt Nam mà niên đại xuất hiện con người sớm có địa tầng chuẩn, được phân tích bằng niên đại duy nhất ở Việt Nam. Do vậy, hang Con Moong không chỉ là hang động khảo cổ học của Thanh Hóa mà là của nước Việt Nam. Đây là di tích đã được nghiên cứu có hệ thống cách đây từ nửa thế kỷ, hang có địa tầng rất dày (trên 10m) và được bảo tồn nguyên vẹn, hơn cả Trung Quốc. Cho đến nay đã có nhiều nhà khoa học đến đây nghiên cứu, tìm hiểu. Hiện nay, chúng ta đã phát dựng được một lịch sử phát triển của cộng đồng cư dân, ít nhất là từ 50.000 năm trở lại đây. Trước 50.000 năm hang có một địa tầng rất dày và niên đại sớm ở đây là 74.000 năm. Chúng ta biết được tổ hợp công cụ (mảnh đá) mà cư dân cổ ở đây đã sử dụng".

"Đặc biệt, xung quanh hang Con Moong còn có nhiều hang động khác, mỗi hang động sẽ giống với mỗi giai đoạn nhất định của hang Con Moong, qua đó cho thấy hình ảnh về sự chuyển cư từ đây, từ làng cổ, làng gốc ra khu vực xung quanh và các cộng đồng cư dân đó hợp lại thành các cộng đồng cư dân lớn hơn nhưng gắn bó với sự đang dạng của rừng quốc gia Cúc Phương.

Chính điều đó chúng ta đặt ra một vấn đề, cần phải bảo tồn nó, cần phải phát huy nó, cần phải đưa nó thành một di sản thế giới mà UNESCO sẽ công nhận và cũng là giúp cho vấn đề bảo vệ các di sản này không phải chỉ cho du khách Việt Nam mà toàn thể du khách thế giới có thể đến đây tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng cư dân tiền sử tại vùng đất huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa", PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quốc Đại - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Thạch Thành cho biết, hiện di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt hang Con Moong đang được giao cho đơn vị này tạm thời quản lý. UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang phối hợp với các nhà khoa học do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đứng đầu và Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa tiến hành khai quật, nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị cho hội thảo khoa học cấp tỉnh.

Nội dung hội thảo sẽ khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực địa di tích hang Con Moong, các di tích phụ cận và khu vực liên quan của Vườn quốc gia Cúc Phương. Sau đó sẽ tổ chức thảo luận, đánh giá và làm rõ những giá trị nổi bật, tiêu biểu của di tích hang Con Moong, các di tích phụ cận và khu vực liên quan của Vườn quốc gia Cúc Phương; xác định cụ thể tiêu chí để xây dựng hồ sơ di sản đề cử UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới. Dự kiến, thời gian tổ chức 3 ngày, trong Quý I năm 2024 tại tỉnh Thanh Hóa. Hội thảo hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm về xây dựng và đề cử hồ sơ khoa học di sản thế giới.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/hang-con-moong-pho-su-song-ve-noi-cu-tru-cua-nguoi-tien-su-i724840/