Hàng chục hecta đất vụ giám đốc sàn bất động sản lừa đảo giờ ra sao?

VKS đề nghị tòa tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng, giao đất về địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Như PLO đã đưa tin, TAND TP Hà Nội đang giải quyết phần dân sự trong vụ án Lê Hồng Bàng (cựu giám đốc Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam) chiếm đoạt hơn 347 tỉ đồng. Phiên tòa sơ thẩm lần 2 dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 24-4 tới đây.

Vụ án được khởi tố từ năm 2009. Năm 2014, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lần 1. Năm 2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm và bản án chung thân đối với Bàng sau đó có hiệu lực pháp luật.

Nhưng phần dân sự liên quan đến ba lô đất, tổng diện tích hơn 25 ha bị tòa phúc thẩm tuyên hủy, yêu cầu TAND TP Hà Nội xét xử lại nhằm thu hồi tài sản, bồi thường cho các bị hại. Đây cũng là phần nội dung khiến vụ án kéo dài hơn 10 năm, điều tra nhiều lần vẫn chưa kết thúc.

VKS đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng

Sau khi điều tra lại, VKSND TP Hà Nội đã có công văn gửi TAND TP Hà Nội nêu quan điểm giải quyết đối với các khu đất này.

Lê Hồng Bàng tại phiên tòa sơ thẩm lần 1. Ảnh: CTV

Theo đó, thửa đất 8,1 ha là đất công ích do UBND phường Minh Khai quản lý và cho thuê để sản xuất nông nghiệp. Sau đó, những người thuê đất đã chuyển nhượng cho Đoàn Văn Kim, nguồn tiền thanh toán do Bàng lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại mà có. Hiện 8,1 ha đất này vẫn là đất nông nghiệp do UBND phường Minh Khai quản lý.

Quá trình điều tra xác định hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp nêu trên giữa các hộ dân với Kim là trái quy định pháp luật, vi phạm Luật Đất đai năm 2003.

Đối với 14 ha đất lâm nghiệp tại đảo Thẻ Vàng, huyện Vân Đồn, Bàng đã dùng tiền chiếm đoạt của các bị hại đưa cho nhân viên Nguyễn Đức Mạnh để mua thửa đất trên của ông Lục Văn Thạch. Sau đó, nhờ Lê Xuân Phương đứng tên nhận chuyển nhượng đất.

Hiện thửa đất trên vẫn đứng tên ông Thạch. Việc mua bán đất lâm nghiệp giữa Mạnh với ông Thạch là trái quy định của pháp luật. Ông Thạch được giao đất lâm nghiệp để trồng rừng nhưng lại bán cho người khác là vi phạm Luật Đất đai năm 2003.

VKS đề nghị tòa án tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng nói trên, giao đất về địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, các cá nhân bán đất thừa nhận cầm tiền từ Bàng nhưng đều khai đã chi tiêu, sử dụng hết, không có khả năng trả lại. Đối với vấn đề này, VKS đề nghị giành quyền khởi kiện cho Bàng bằng một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu.

Bị hại yêu cầu kê biên vật chứng

Tuy nhiên, ý kiến của các bị hại không đồng tình với quan điểm này. Theo họ, đây là vụ án rất lớn, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại, tổn thất, tổn thương cho nhiều người. Có nhiều gia đình vì rơi vào vụ án này mà vợ chồng ly hôn, vay nợ, suy nghĩ nhiều mà sinh bệnh và ốm chết.

Trong ý kiến gửi đến TAND TP Hà Nội trước phiên tòa sơ thẩm, các bị hại cho rằng vụ án rất rõ ràng về số tiền thiệt hại, về vật chứng có từng phiếu thu tiền mặt mà nhân viên của các Công ty Hoàng Hà, Công ty Cường Thịnh đã lấy tiền của bị hại để mua đất, có từng ô đất cụ thể, người chuyển cũng rõ ràng.

Các cơ quan tố tụng kéo dài việc giải quyết này và cho rằng đất nông nghiệp không thể thu hồi theo quy định của Luật Đất đai là không đảm bảo giải quyết vấn đề dân sự trong cùng vụ án hình sự.

Các bị hại đề nghị áp dụng nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự, kê biên hai khu đất này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Lê hồng Bàng, bồi thường cho các bị hại.

'Vẽ' dự án chiếm đoạt hơn 300 tỉ đồng

Từ tháng 2 đến tháng 7-2009, Lê Hồng Bàng, Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh sử dụng ba pháp nhân là Công ty CP sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hoàng Hà ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng tên của các dự án nhà ở: Dự án 683, Dự án Lộc Hòa, Dự án Cửu Long, Dự án Phương Đông tại các địa điểm thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Bốn dự án đều chưa được UBND thành phố duyệt quy hoạch, chưa chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, chưa xác nhận chủ đầu tư, không có quyết định phê duyệt giao đất làm dự án xây dựng nhà ở...

Nhưng Bàng, Cường, Linh vẫn tạo dựng hồ sơ pháp lý; ký các hợp đồng liên doanh; thuê làm các bản vẽ thiết kế dự án để phân lô; quảng bá giới thiệu với người bị hại; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân và tổ chức san lấp mặt bằng trái phép…

Tổng cộng, Lê Hồng Bàng ký 758 hợp đồng vay vốn với 397 người và một hợp đồng đặt cọc, chiếm đoạt 347 tỉ đồng. Có 82 người bị hại được chi trả dưới hình thức thanh lý hợp đồng vay vốn số tiền là 63,4 tỉ đồng. Số tiền còn chiếm đoạt là 283,6 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã xác minh, ghi lời khai được 284 bị hại. Đến nay, có 275 người bị hại có yêu cầu bồi thường tổng số tiền là 199,9 tỉ đồng.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-chuc-hecta-dat-vu-giam-doc-san-bat-dong-san-lua-dao-gio-ra-sao-post726956.html