Hàng cây, 'tri âm' của phố

Ngoài phố, có những hàng cây hàng trăm năm tuổi giống hàng cây trên phố Tràng Thi, đã trở thành một phần của Hà Nội, như bầu bạn tri âm, như gạch nối thời gian, như nơi giao cảm giữa người quê với người phố.

Đối diện với gốc đa ở Thư viện quốc gia, phía bên kia đường có một góc cà phê nhỏ ở số 6b Tràng Thi là chốn quen thuộc của ông Nguyễn Huy. Từ khi về hưu, ông dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi nơi ấy, thư thả bên một cốc cà phê đắng để ngắm nhìn dòng người qua lại.

Ông Huy rời Hải Phòng từ năm 1976, cưới một bà vợ người Hà Nội, rồi gắn bó với con phố này. Khi cùng nói chuyện về cây đa già, ông nhớ về câu chuyện nhỏ.

"Có cây cuốn hút hơn, ở thoải mái hơn, màu xanh làm cho con người dịu đi. Đặc biệt ngồi cà phê nhìn cây thì càng tốt. Cây đa này bà xã tôi bảo từ năm học cấp một vẫn đi nhặt lá đa, nghĩa là lâu lắm rồi. Mình nhìn thấy cây quen thuộc hàng ngày không muốn rời bỏ, bởi có kết nối giữa người và cảnh".

Ông Nguyễn Huy ngày nào cũng ngồi trong quán ngắm nhìn hàng cây trong phố (Ảnh: Ái Kiều)

Có những cái cây có tuổi đời hàng trăm năm trên phố Tràng Thi đã chỉ dấu đường về cho bao người con Hà Nội. Họ nhớ như in vị trí của từng cái cây đang sống và những cái cây đã không còn. Còn với những người nơi khác tới “ở trọ phố phường”, thứ níu giữ họ lại là bóng cây trong ngày mưa nắng và nỗi nhớ về vùng quê xanh thẳm trong quá khứ.

"Cây nhỏ này năm sáu chục năm, còn cây xà cừ, cây bàng, cây me này phải hơn trăm năm rồi. Có những cây này thì mới. Giờ cửa hàng nhiều hơn, đông người hơn, còn hàng cây vẫn thế. Xưa chỗ này là cây bàng, chỗ kia là cây cơm nguội, cây nhãn bên kia nhưng người ta trồng cây khác vào. Mình đi về cứ thấy cái cây thế là biết là về nhà".

"Cô quê ở Hưng Yên, cây cổ thụ chặt hết rồi. Ngày xưa bé thôi giờ không còn cây to nào. Ngồi đây nó là bóng mát".

Sự thay đổi từng ngày của phố thị có thể quan sát qua những hàng cây xanh. Những cây già cỗi, dễ ngã đổ trong mùa mưa bão hoặc nhường chỗ cho mở rộng không gian sống là các loài như: xà cừ, bàng, me, phượng, được trồng bổ sung mới thêm các loài: bàng lá nhỏ, ban Tây Bắc, chiêu liêu, sấu, giáng hương, muồng vàng.

Cây đa trên phố Tràng Thi (Ảnh: Ái Kiều)

Chỉ trên một con phố đã thấy có cây thân to mấy người ôm vừa, có những cây đang đợi mùa hoa về, có cả gốc đa ngỡ như ở làng xưa xóm cũ. Sự đan xen cũ, mới ấy là đặc trưng vốn có của Hà Nội.

Liệu rằng khi cây mới được trồng thay thế, đã có những suy tính cẩn trọng cho tương lai của thành phố này hay chưa khi một con đường rợp bóng cây cổ thụ 50 năm tuổi, thường phải đợi nửa thế kỷ để nhìn thấy thành quả lao động của mình. Trồng cây dường như là nhiệm vụ dài hơn một đời người. Những gì con người gửi gắm, vun đắp vào một cái cây chỉ biết nhờ thời gian lưu giữ lại cho tới ngày sau.

Những hàng cây rợp bóng khiến lòng người dịu lại giữa ngổn ngang bộn bề của nhịp sống nơi phố thị. Khi ngước mắt lên cao thấy tán lá thay màu báo hiệu chuyển mùa, hay chỉ là ngồi ngắm nghía những ụ cây nhấp nhô, đó là lúc hàng cây xanh này đưa con người tìm lại phần bản năng trong trẻo của mình trong bụi phố.

Cây khiến người ta yêu thêm vùng đất, không nỡ rời bỏ và khiến người ta chẳng thể nào quên. Có người nghệ sĩ đã ôm lấy cây mà gào khóc khi có người định chặt đi cái cây trước cửa nhà. Ấy mới thấy người Hà Nội yêu cây Hà Nội như thế nào, yêu như hơi thở vậy.

Nếu nói rằng, thiếu cây Hà Nội như thiếu nửa linh hồn chắc cũng không phải quá lời.

Ái Kiều/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hang-cay-tri-am-cua-pho-post1067660.vov