Hàn Quốc và Nhật Bản nỗ lực tìm điểm chung khi nối lại đàm phán kinh tế cấp cao

Trong diễn biến ngoại giao quan trọng, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tham gia các vòng đàm phán kinh tế song phương cấp cao vào ngày 21.12, đánh dấu cuộc đối thoại đầu tiên như vậy sau 8 năm. Động thái này cho thấy xu hướng rộng hơn hướng tới cải thiện quan hệ song phương, khi cả hai quốc gia đều tìm thấy điểm chung trong việc giải quyết các mối quan ngại cùng quan tâm về địa chính trị...

Trở ngại từ lịch sử

Chương trình đối thoại kinh tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được khởi động từ năm 1999 và kéo dài đến tháng 1.2016 thì bị đình trệ. Nguyên nhân gián đoạn là do hai bên xảy ra tranh cãi liên quan đến những vấn đề lịch sử.

Nguồn: shutterstock

Thực tế, mối quan hệ song phương nhiều lần bị thử thách từ những vấn đề lịch sử này bắt nguồn từ việc Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910 - 1945. Đây được coi là vết sẹo lịch sử ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ ngoại giao song phương. Di sản của thời kỳ này dẫn đến nhiều tranh chấp dai dẳng về các vấn đề như lao động cưỡng bức, “phụ nữ mua vui” hay sách giáo khoa lịch sử. Bất chấp nhiều nỗ lực nhằm giải quyết bất đồng đó, tiến độ vẫn diễn ra chậm chạp và những căng thẳng lịch sử thường làm lu mờ các nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn.

Nằm trong bối cảnh đó, sợi dây kinh tế cũng “lên bổng, xuống trầm” không ít. Theo các nhà quan sát, đây là mối quan hệ vừa mạnh mẽ, vừa đầy thách thức. Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc và cả hai quốc gia đều là thành phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế bị gián đoạn bởi các tranh chấp chính trị và lịch sử, dẫn đến căng thẳng thương mại và các biện pháp trả đũa.

Năm 2019, Nhật Bản áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên liệu chính được sử dụng trong ngành công nghệ Hàn Quốc, khiến căng thẳng leo thang và gây ra tranh chấp thương mại. Những gián đoạn này có tác động sâu rộng tới các ngành công nghiệp của cả hai bên, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp ngoại giao để bảo vệ lợi ích kinh tế và ổn định khu vực.

Nỗ lực hòa giải

Quyết định nối lại các cuộc đàm phán kinh tế song phương mới nhất phản ánh cam kết của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong nỗ lực hàn gắn quan hệ với Tokyo. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Yoon đã ưu tiên giải quyết những bất đồng liên quan đến lịch sử, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Nhật Bản. Sáng kiến ngoại giao này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng cường hợp tác khu vực, cũng như xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại nhiều thách thức chung.

Đại diện cho phía Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán là Trưởng đoàn Kang Jae-kwon, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế. Ông làm việc với người đồng cấp Nhật Bản, Keiichi Ono, Thứ trưởng Ngoại giao cấp cao, để đánh giá toàn diện hợp tác kinh tế song phương. Chương trình nghị sự bao gồm các cuộc thảo luận về chính sách an ninh kinh tế, nhằm tăng cường hợp tác trên các mặt trận kinh tế, đồng thời giải quyết các mối quan ngại liên quan và tìm ra điểm chung trong các vấn đề địa chính trị rộng hơn…

Đầu năm nay, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cho phép các công ty của Hàn Quốc tài trợ cho quỹ bồi thường cho những cá nhân bị buộc phải làm việc trong thời kỳ chiếm đóng 1910 - 1945, thay vì đòi tiền từ công ty Nhật Bản. Động thái này thể hiện rõ ràng cam kết của Hàn Quốc trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài và thúc đẩy hòa giải, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc cải thiện quan hệ ngoại giao.

Ngoài các vấn đề kinh tế, hợp tác ba bên gần đây giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ còn tăng thêm ý nghĩa cho việc nối lại các cuộc đàm phán. Ba quốc gia cùng tuyên bố triển khai hệ thống chia sẻ dữ liệu tên lửa thời gian thực, nhằm giám sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mà họ coi là mối đe dọa chung.

Tháng 7, Nhật Bản đưa Hàn Quốc trở lại "danh sách trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy đối với hàng xuất khẩu với quy chế thương mại nhanh sau khi dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc vào tháng 3. Đây là động thái được đánh giá là hướng tới cải thiện quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục có một số xích mích. Điều này bao gồm lệnh cấm kéo dài của Seoul đối với hải sản của Nhật Bản có nguồn gốc từ khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố vì động đất và sóng thần năm 2011 và phán quyết gần đây của tòa án Hàn Quốc có lợi cho một nhóm phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc làm nô lệ tình dục thời chiến cho Nhật Bản. Theo phán quyết của tòa, Nhật Bản bị yêu cầu bồi thường cho 16 phụ nữ nói trên khoảng 152.000 USD cho mỗi nguyên đơn. Mặc dù, Tokyo không kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hàn Quốc, nhưng đất nước mặt trời mọc lâu nay vẫn khẳng định rằng hiệp ước ký năm 1945 về khôi phục quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Hàn Quốc với gói bồi thường trị giá 800 triệu USD dưới dạng tài trợ và các khoản cho vay lãi suất thấp đã giải quyết mọi khiếu nại liên quan đến thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên.

Dẫu vậy, việc nối lại các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản mới nhất đã báo hiệu sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hai nước, đánh dấu sự thoát khỏi bế tắc trong 8 năm qua. Thành công của các sự kiện này không chỉ dừng ở tăng cường quan hệ kinh tế, mà còn góp phần tạo nên một Đông Bắc Á ổn định và an ninh hơn.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/han-quoc-va-nhat-ban-no-luc-tim-diem-chung-khi-noi-lai-dam-phan-kinh-te-cap-cao--i355033/