Hàn Quốc khẩn trương mở chiến dịch ứng phó 'giặc rệp'

Từ trung ương đến địa phương, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đang tìm cách ứng phó sự bùng phát của rệp - loài côn trùng hút máu đang gây lo ngại cho người dân nước này.

Hàn Quốc (HQ) đang khẩn trương triển khai kế hoạch tiêu diệt và phòng ngừa rệp quy mô lớn trong bối cảnh loài côn trùng hút máu này xuất hiện ngày càng nhiều, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Người dân Hàn Quốc “phát hoảng” vì rệp

Thời gian gần đây, người dân tại nhiều địa phương ở HQ phải đối mặt một nỗi lo sợ mới - lo sợ về rệp, khi số lượng báo cáo về các trường hợp rệp xuất hiện ở nước này ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Theo số liệu của chính phủ HQ, tính đến ngày 7-11, nước này ghi nhận khoảng 30 trường hợp xuất hiện hoặc nghi ngờ xuất hiện rệp tại 17 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Nguyên nhân khiến việc gia tăng các trường hợp về rệp ở HQ đáng báo động là vì rệp gần như đã tuyệt chủng ở nước này từ những năm 1960, 1970, sau các chiến dịch tiêu diệt côn trùng quy mô lớn. Trong vòng 10 năm qua, chỉ có chín trường hợp xuất hiện rệp được báo cáo cho các cơ quan y tế ở HQ.

Công nhân khử trùng phòng ký túc xá tại ĐH Keimyung, TP Daegu (Hàn Quốc) ngày 19-10 sau khi có thông tin sinh viên bị rệp cắn. Ảnh: YONHAP

Hãng thông tấn Yonhap cho biết rệp gần đây có mặt ở khắp nơi từ giường ngủ, đến những nơi công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, rạp chiếu phim... gây tâm lý lo sợ cho người dân. Báo cáo đầu tiên về sự xuất hiện của rệp là vào tháng 9 tại ký túc xá ĐH Keimyung ở TP Daegu (cách thủ đô Seoul khoảng 240 km), khi đó một số sinh viên ở ký túc xá cho biết đã bị rệp cắn.

Không chỉ riêng HQ, sự bùng phát của rệp cũng trở thành mối lo ngại đáng kể tại các TP lớn ở Anh và Pháp. Cứ 10 hộ gia đình ở Pháp thì có một hộ được cho là đã gặp vấn đề về rệp, theo đài France 24. Trong khi đó, Anh chứng kiến số lượng rệp tăng 65% trong quý II-2023 so với cùng kỳ năm ngoái, đài BBC đưa tin.

Gần đây hơn, ấu trùng rệp cũng được phát hiện dưới thảm trải sàn tại một nhà tắm hơi ở TP Incheon (các thủ đô Seoul 27 km) hôm 13-10. Ngoài ra, chính quyền địa phương xác nhận trường hợp có rệp ở bên trong nệm và giấy dán tường của một số phòng tại một nhà trọ bình dân tại phường Jung ở Seoul, theo tờ The Korea Times.

Yonhap dẫn lời một quan chức HQ dự đoán rằng số báo cáo về sự xuất hiện của rệp sẽ còn tăng trong thời gian tới. Vị quan chức cho biết nhiều người không chịu báo cáo với cơ quan chức năng nơi ở của họ có rệp vì lo ngại sẽ bị mọi người xung quanh đánh giá là vệ sinh kém, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán, kinh doanh.

Nhiều người HQ bày tỏ rằng họ cảm thấy e ngại khi phải đến những nơi công cộng. Cô Yook Chae-rim, sinh viên ĐH HQ (Seoul), cho biết cô rất lo lắng sau khi nghe tin một người bạn sống ở ký túc xá trường khác kể về sự xuất hiện của “giặc rệp”. “Mặc dù lịch thi dày đặc, tôi đã tháo hết drap giường để giặt và dọn dẹp toàn bộ phòng của mình” - cô Yook chia sẻ.

Một nhân viên văn phòng (28 tuổi) cũng cho biết cô quyết định tránh xa rạp chiếu phim trong một thời gian vì sợ bị rệp cắn hoặc mang loài côn trùng này về nhà. “Tôi sẽ đợi cho đến khi những bộ phim tôi muốn xem chiếu trên mạng” - cô nói với Yonhap. Một cư dân mạng ở HQ hôm 7-11 cũng có bài đăng rằng cô đang cảm thấy “phát điên” vì lo sợ con chó và con mèo cô đang nuôi bị rệp cắn.

Chiến dịch chống rệp từ trung ương tới địa phương

Trước tình hình này, chính phủ HQ ngày 7-11 đã công bố kế hoạch kiểm tra quy mô lớn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống lại sự xâm nhập của rệp trong vòng bốn tuần (từ ngày 13-11 đến 8-12). Kế hoạch được đưa ra sau một cuộc họp toàn chính phủ có sự tham dự của Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Lao động nước này cùng chính quyền 17 tỉnh, TP.

Theo kế hoạch, chính phủ HQ sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao bao gồm ký túc xá, nhà tắm và phương tiện giao thông công cộng. Nhà chức trách cũng có kế hoạch khử trùng ngay lập tức các cơ sở phát hiện rệp và triệu tập cuộc họp hằng tuần để xem xét và cập nhật những biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của rệp.

Ngoài ra, để đề phòng trường hợp thuốc diệt côn trùng trong nước không đủ để giải quyết sự lan rộng của rệp, HQ cho biết sẽ thúc đẩy nhập khẩu thuốc diệt côn trùng từ nước ngoài, đồng thời tiến hành nghiên cứu về đường phát triển và khả năng kháng thuốc của loài côn trùng hút máu này.

Trong khi đó, tại Seoul - nơi ghi nhận tới 17 trường hợp xuất hiện rệp trong thời gian qua, chính quyền TP đang triển khai một dự án mang tên “TP không có rệp” với ngân sách 500 triệu won (381.000 USD) nhằm ngăn chặn sự phát triển của “giặc rệp”, đặc biệt là ở các khu dân cư có điều kiện vệ sinh kém.

Seoul cũng đã thành lập một “trung tâm báo cáo rệp” để người dân địa phương có thể nhanh chóng gửi thông tin về các trường hợp có rệp hoặc nghi người có rệp tới chính quyền. Sau khi nhận được báo cáo, văn phòng các phường sẽ cử một đội đến để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của rệp. Chính quyền Seoul cũng đang lập kế hoạch kiểm tra hơn 3.000 cơ sở công cộng và thay thế vải phủ trên ghế của các tàu điện ngầm trong TP để đối phó với loài côn trùng này.

Tại sao rệp gây khó chịu?

Theo tạp chí Time, rệp là loài côn trùng hút máu, thường xuất hiện ở gầm giường, tủ quần áo... Loài côn trùng này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, vết cắn của chúng có thể dẫn đến các triệu chứng như phát ban, ngứa dữ dội hoặc dị ứng.

Rệp không lây truyền các bệnh truyền nhiễm vì chúng có khả năng phá vỡ ADN của mầm bệnh mà chúng tiếp xúc.

“Nếu bạn tưởng tượng ADN của các loại virus bệnh bại liệt, HIV hay cúm như một chiếc bình thủy tinh, khi bị rệp ăn vào, các ADN này sẽ vỡ tan” - theo ông Gail Ridge, nhà khoa học tại trạm thí nghiệm nông nghiệp bang Connecticut (Mỹ).

Sự xuất hiện của rệp gây lo ngại là vì loài côn trùng này có thể tồn tại trong khoảng 100 ngày và rất khó tiêu diệt vì chúng có tốc độ sinh sản cao.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/han-quoc-khan-truong-mo-chien-dich-ung-pho-giac-rep-post760584.html