Hàn Quốc hướng tới các vì sao với chương trình vũ trụ mới

Việc tên lửa 'cây nhà lá vườn' đầu tiên của Hàn Quốc được phóng thành công đã tạo động lực mới cho tham vọng phát triển các công nghệ không gian vũ trụ của quốc gia này.

Tuần trước, chính phủ Hàn Quốc thông báo rằng họ có ý định đầu tư 800 tỷ won (khoảng 620 triệu USD) để phát triển Goheung, một hòn đảo ở phía nam của đất nước, đóng vai trò là trụ sở của Trung tâm Vũ trụ Naro. Chính tên lửa Nuri được phát triển trong nước và nặng 200 tấn đã được phóng từ trung tâm này vào ngày 21/6 vừa rồi.

Tên lửa Nuri của Hàn Quốc được phóng thành công. Ảnh: DPA

Bài liên quan

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề Triều Tiên

Máy bay chiến đấu Falcon 'giá rẻ' của Hàn Quốc chuẩn bị cất cánh

Cuộc đình công xe tải Hàn Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất

Hàn Quốc và Mỹ phô trương máy bay chiến đấu trong căng thẳng với Triều Tiên

Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Hàn Quốc xác nhận rằng các tên lửa giai đoạn một và giai đoạn hai đều tách ra theo đúng lịch trình và một số vệ tinh đã được triển khai ở độ cao mục tiêu là 700 km.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã theo dõi vụ phóng và hoan nghênh vự thử tên lửa thành công, đưa quốc gia này trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới đưa vệ tinh vào quỹ đạo bằng phương tiện phóng của riêng mình.

Ông Yoon nói với các nhà khoa học chủ trì vụ phóng rằng: “Giờ đây, một con đường dẫn tới vũ trụ đã được mở ra cho Hàn Quốc", đồng thời nói thêm rằng chính phủ sẽ thành lập một cơ quan vũ trụ trong nước và tiếp tục hỗ trợ hơn nữa sự phát triển của ngành này.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch biến bán đảo Goheung thành một phiên bản của đảo Merritt ở Mỹ, nơi đặt Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA. Ba bệ phóng mới cũng sẽ được phát triển để bổ sung cho 2 địa điểm hiện có.

Vụ phóng thành công đặc biệt được hoan nghênh sau lần thất bại trước đó. Vào tháng 10 năm ngoái, một tên lửa Nuri đã đạt đến độ cao mục tiêu nhưng không triển khai được vệ tinh giả lên quỹ đạo sau khi động cơ giai đoạn ba bị cháy sớm.

"Hàn Quốc có tham vọng lớn là có chương trình không gian độc lập của riêng mình và trở thành một người chơi trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu", bà Duyeon Kim, thành viên của Trung tâm An ninh mới, một tổ chức tư vấn tại Washington cho biết.

"Seoul cũng muốn xây dựng một hệ thống định vị dựa trên vệ tinh và mạng lưới liên lạc 6G, cũng như phóng tàu quỹ đạo mặt trăng và hạ cánh tàu vũ trụ không người lái lên mặt trăng", bà nói thêm.

Bất chấp những phủ nhận chính thức rằng chương trình sẽ có ứng dụng quân sự, quân đội Hàn Quốc hy vọng có thể sử dụng công nghệ này để theo dõi sát sao hơn nước láng giềng Triều Tiên.

Hàn Quốc cũng hy vọng vụ phóng thành công sẽ giúp nước này cạnh tranh với các cường quốc không gian hiện có trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.

Các mục tiêu tiếp theo là triển khai các trọng tải lên quỹ đạo, đặt một mô-đun hạ cánh trên mặt trăng vào năm 2031. Cho đến nay, chỉ có Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc đã hạ cánh thành công lên mặt trăng.

Tuy nhiên, tham vọng của Hàn Quốc trong không gian phải đối mặt với một số trở ngại. Ông Lance Gatling, một nhà phân tích hàng không và an ninh, đồng thời là người sáng lập Gatling Associates có trụ sở tại Tokyo, đã cho biết như vậy. Ông nói: “Vấn đề lớn nhất mà Seoul phải đối mặt là vị trí địa lý".

Hàn Quốc bị bao quanh bởi Nga, Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản, không quốc gia nào trong số đó được cho là sẽ cấp phép cho tên lửa bay quá mức, vì lo ngại rằng một tai nạn có thể dẫn đến việc tên lửa rơi xuống lãnh thổ của họ.

Ông cho biết sự lựa chọn duy nhất của Hàn Quốc là một vụ phóng gần về phía nam, để đạt được quỹ đạo cực nam của hành tinh. “Sẽ là một vấn đề chính trị lớn nếu bất kỳ bộ phận nào của tên lửa rơi xuống đất nước khác, với khả năng chứa nhiều tấn kim loại và nhiên liệu độc hại cao", Gatling đánh giá.

Quốc Thiên (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/han-quoc-huong-toi-cac-vi-sao-voi-chuong-trinh-vu-tru-moi-post202331.html