Hàn Quốc điều chỉnh cách tiếp cận, cứng rắn hơn với Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa có sự điều chỉnh trong cách tiếp cận với Triều Tiên khi bổ nhiệm một nhân vật theo đường lối bảo thủ làm người đứng đầu Bộ Thống nhất nước này.

Cùng với Chiến lược An ninh quốc gia mới công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua, chính phủ Hàn Quốc cũng đang cho thấy ngày một cứng rắn hơn với quốc gia láng giềng Đông Bắc Á.

Tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho là một học giả theo đường lối bảo thủ và từng nhiều lần kêu gọi gia tăng sức ép với Triều Tiên. Theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Bộ Thống nhất lâu nay vẫn hoạt động như một cơ quan viện trợ cho Triều Tiên. Điều này là không phù hợp và đã đến lúc Bộ Thống nhất phải thay đổi, hướng tới việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn và nhân văn hơn cho người dân hai nước.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Reuters

Tuyên bố đánh dấu sự điều chỉnh lớn đầu tiên trong cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với Triều Tiên sau khi nước này công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới hôm 7/6. Tài liệu này coi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là “thách thức an ninh cấp bách nhất”, đồng thời nhấn mạnh 3 trụ cột an ninh, gồm phi hạt nhân hóa Triều Tiên, củng cố liên minh Mỹ - Hàn và tăng cường răn đe quân sự.

Theo Tổng thống Yoon Suk Yeol, nước này sẽ tìm cách thiết lập hòa bình thông qua tăng cường năng lực chống lại các mối đe dọa, bao gồm cả năng lực hạt nhân:

“Triều Tiên đang nâng cao năng lực hạt nhân và tên lửa của mình và đã hợp pháp hóa việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Liên minh Mỹ - Hàn hiện đã được nâng lên thành một liên minh dựa trên hạt nhân. Chính phủ và quân đội Hàn Quốc sẽ thiết lập một thế trận an ninh bọc thép dựa trên liên minh Mỹ - Hàn mạnh mẽ hơn bao giờ hết và bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân chúng tôi”.

Cách tiếp cận này hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Moon Jae-in vốn ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Triều Tiên. Trong giai đoạn nắm quyền, ông Moon Jae-in đã 3 lần gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng kể từ năm 2022 khi Triều Tiên bắn thử hơn 70 tên lửa, bao gồm cả vũ khí có khả năng hạt nhân ở nhiều tầm bắn khác nhau và vệ tinh trinh sát quân sự.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc từ năm ngoái cũng bắt đầu nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn, động thái mà Triều Tiên luôn chỉ trích là các cuộc diễn tập chiến tranh. Mọi nỗ lực thúc đẩy đàm phán tới nay đều không thành công. Trong khi tiến trình đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản bị đình trệ vào năm 2009, thì nỗ lực đàm phán riêng rẽ giữa Hàn Quốc với Triều Tiên hay giữa Mỹ và Triều Tiên cũng thất bại.

Kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Bộ Thống nhất Hàn Quốc luôn giữ một vai trò then chốt trong đối thoại và trao đổi xuyên biên giới. Tuy nhiên trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Bộ này cũng thường xuyên xoay trục chính sách cùng với những diễn biến nóng - lạnh của mối quan hệ liên Triều.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/han-quoc-dieu-chinh-cach-tiep-can-cung-ran-hon-voi-trieu-tien-post1030202.vov