Hãn hữu lắm mới được sinh con thứ ba

Được sinh thêm một lần nữa nếu có một trong hai con mắc bệnh hiểm nghèo.

Chương trình thi đố “À Ra Thế” kỳ 76 vừa kết thúc với một đáp án liên quan đến việc thi hành Pháp lệnh Dân số. Sau đó, nhiều bạn đọc đã gửi thư nhờ báo Pháp Luật TP.HCM giải đáp thêm các vướng mắc liên quan đến việc sinh con thứ ba. Chúng tôi đã mời bà Tô Thị Kim Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế TP.HCM, trả lời. Cấm nhờ y học can thiệp để sinh nhiều con . Mặc dù đã xem kỹ đáp án của “À Ra Thế” kỳ 76 nhưng một bạn đọc ở Vĩnh Long vẫn muốn hỏi lại cho chính xác. Bạn đọc này chưa kết hôn lần nào và đang có ý định kết hôn với một phụ nữ đã có hai con với người chồng trước. Vậy nếu kết hôn rồi sinh con, bạn đọc này có bị xem là vi phạm pháp luật không? + Theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 20 ngày 8-3-2010 của Chính phủ, cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng thì chỉ được sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Do đó, nếu kết hôn với người phụ nữ đã có con riêng, bạn chỉ được sinh một lần. . Có cặp vợ chồng đã có đủ hai con cả trai lẫn gái nhưng không may đứa con trai bị khuyết tật. Họ muốn sinh thêm một con nữa thì có bị coi là vi phạm không? Có cách nào để họ sinh thêm con mà không vi phạm quy định? + Đây là một trong các trường hợp được phép có ba con theo quy định của Điều 2 Nghị định 20/2010. Theo khoản 5 điều này, “cặp vợ chồng sinh con thứ ba nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận” không bị xem là vi phạm quy định sinh một hoặc hai con. Người dân chờ được tư vấn về kế hoạch hóa gia đình tại BV Từ Dũ (TP.HCM).Ảnh: MINH HIẾU Vợ chồng bạn của bạn cần đi giám định bệnh của con trai. Nếu cháu có bệnh hiểm nghèo và được hội đồng giám định y khoa từ cấp tỉnh trở lên xác nhận thì vợ chồng bạn có thể sinh con thứ ba mà không bị xem là vi phạm chính sách. . Một bạn đọc ở TP.HCM đã có một con. Để chiều lòng cha mẹ hai bên, họ dự tính lần sinh sắp tới sẽ nhờ y học can thiệp để có thể sinh đôi. Pháp luật có chấp nhận việc làm này không? + Mỗi công dân đều có trách nhiệm chấp hành chính sách, pháp luật về dân số-kế hoạch hóa gia đình; quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt. Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 20/2010 về những trường hợp không vi phạm chính sách sinh một hoặc hai con thì có trường hợp cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. Như vậy, theo tự nhiên sinh đôi trong lần sinh thứ hai thì không vi phạm nhưng nếu nhờ y học can thiệp để sinh nhiều con theo ý muốn trong trường hợp đã có một con thì đó là hành vi cố ý làm trái pháp luật hiện hành. Nhiều hình thức xử lý . Cặp vợ chồng nọ cùng làm việc ở cơ quan nhà nước và đang có cơ hội thăng tiến. Họ đã có hai con, giờ sinh thêm đứa nữa thì họ có bị trở ngại gì không? Có bị xử lý gì không? + Các hình thức xử lý thì có nhiều, ở đây tôi chỉ xin nêu một số căn cứ thường áp dụng để xem xét, xử lý các trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách sinh một hoặc hai con: 1. Khoản 1 Điều 4 Quyết định 87 ngày 14-6-2006 của UBND TP.HCM (quy định chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006-2010) nêu rõ: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức sinh con thứ ba trở lên không được đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo và không được xét thi đua trong năm vi phạm. 2. Quyết định 09 ngày 10-1-2006 của Thủ tướng Chính phủ (về đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình) có nêu: Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; không đề cử, đề bạt và xem xét đưa ra khỏi các chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách này. 3. Điều 7 Quy định số 94 ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị (về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm) có nêu: Người cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình… gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định trên mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc sinh con thứ tư trở lên thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ. . Xin cảm ơn bà. Bảy trường hợp không phạm luật - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân; - Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; - Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; - Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận; - Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh (Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống). - Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. T.HIẾU - M.HIẾU thực hiện

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010062612430259p0c1027/han-huu-lam-moi-duoc-sinh-con-thu-ba.htm