Hamas: Quá sớm để lạc quan về thỏa thuận ngừng bắn

Ngày 27/2, lực lượng Hamas hạ thấp khả năng đột phá sắp diễn ra trong các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết Israel đã đồng ý tạm dừng cuộc tấn công trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Trại tị nạn của người dân Palestine tại Rafah, Dải Gaza. Ảnh: AP

Trong khoảng thời gian gần đây, các nhà đàm phán từ Mỹ, Ai Cập và Qatar vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo nhằm giúp Hamas phóng thích các con tin bị bắt giữ để đổi lấy việc thả các tù nhân Palestine, tạm dừng giao tranh trong 6 tuần và gia tăng các chuyến hàng viện trợ tới Gaza. Tháng lễ Ramadan dự kiến bắt đầu từ ngày 10/3 được coi như thời hạn không chính thức cho thỏa thuận này.

Tới ngày 26/2 khi xuất hiện trên chương trình “Late night with Seth Meyers” của đài NBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ rằng: “Sắp đến tháng Ramadan và Israel đồng ý với thỏa thuận rằng không tham gia vào các chiến dịch trong tháng Ramadan để giúp chúng tôi có thời gian đưa tất cả con tin ra ngoài”. Bên lề chương trình này trong cùng ngày, nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ hy vọng rằng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể có hiệu lực từ 4/3 tới.

Các quốc gia trung gian khác như Qatar và Ai Cập cũng đều thể hiện thái độ tích cực. Tại cuộc họp báo ở Doha hôm 27/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari cho biết nước ông cảm thấy "lạc quan" về các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza nhưng không tiết lộ thêm chi tiết về thỏa thuận.

Trước đó, một nguồn tin của APlà quan chức cấp cao của Ai Cập cho biết thỏa thuận sẽ bao gồm một lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài 6 tuần nhằm giúp các chuyến hàng viện trợ được tăng cường vào Gaza, đặc biệt là khu vực phía bắc. Ngoài ra, nó cũng bao gồm việc Hamas thả 40 con tin để đổi lấy 300 tù nhân Palestine.

Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Hamas không thể hiện thái độ tích cực tương đồng. Trong một tuyên bố với kênh truyền hình Pan-Arab Al Mayadeen, quan chức Hamas Ahmad Abdel-Hadi khẳng định sự lạc quan về một thỏa thuận vẫn là quá sớm.

Cụ thể, ông cho biết: “Phe kháng chiến không quan tâm đến việc từ bỏ bất kỳ yêu cầu nào của mình và những gì được đề xuất không đáp ứng được những gì họ yêu cầu”. Hamas trước đây đã yêu cầu Israel chấm dứt tấn công như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào, một điều kiện mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi là “ảo tưởng”.

Về phía Israel, AP dẫn lời nguồn tin là các quan chức giấu tên cho biết bình luận của Tổng thống Mỹ gây bất ngờ và không được đưa ra với sự phối hợp của lãnh đạo Israel. Các quan chức này cho biết Israel muốn có một thỏa thuận ngay lập tức, nhưng Hamas tiếp tục thúc đẩy các yêu cầu quá mức.

Kể từ khi giao tranh nổ ra ngày 7/10/2023, các chiến dịch trên không, trên biển và trên bộ của Israel ở Gaza đã khiến 29.700 người thiệt mạng, hủy hoại nhiều công trình cơ sở hạ tầng và khiến 80% dân số của dải đất này phải rời bỏ nhà cửa của mình.

Theo Liên Hợp Quốc, việc Israel phong tỏa lãnh thổ và chỉ cho phép một lượng nhỏ lương thực và viện trợ khác được mang vào, đã làm dấy lên cảnh báo rằng nạn đói có thể sắp xảy ra. Do việc vận chuyển viện trợ bằng xe tải của Liên Hợp Quốc bị cản trở, Ai Cập, Jordan, UAE, Qatar và Pháp đã tiến hành thả dù thực phẩm, vật tư y tế và các viện trợ khác vào Gaza ngày 27/2.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hamas-qua-som-de-lac-quan-ve-thoa-thuan-ngung-ban-post32069.html