Hàm ý từ việc Philippines cắt dây chắn của Trung Quốc ở Biển Đông

Cảnh tượng diễn ra trong một video có vẻ quá đơn giản, khi thợ lặn dùng dao để cắt một phần dây thừng dưới nước.

Thành viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cắt dây thừng mà Hải cảnh Trung Quốc thả xuống quanh rạn san hô vòng Scarborough. (Ảnh từ clip)

Những thợ lặn đó là thành viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, còn sợi dây là một phần của hàng rào biển mà Hải cảnh Trung Quốc thả xuống để ngăn tàu thuyền Philippines đi vào ngư trường truyền thống. Đối mặt với tình thế đó, Philippines quyết định thực hiện một trong những bước đi quyết liệt nhất để chống lại hành động của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp.

Philippines ra tuyên bố nói rằng dây chắn này gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế, và rằng việc cắt đứt dây được triển khai theo lệnh trực tiếp từ Tổng thống Ferdinand E. Marcos Jr.

Từ khi nhậm chức vào tháng 6/2022, ông Marcos thể hiện rằng ông muốn thực hiện chính sách đối ngoại quyết liệt hơn với Trung Quốc. Nhưng cho đến bây giờ, chủ trương đó chỉ giới hạn chủ yếu ở việc tăng cường hợp tác với đồng minh Mỹ và các quốc gia khác, đăng video về các hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc với tàu thuyền Philippines.

Vì thế, hành động quyết liệt của Philippines lần này gây ngạc nhiên. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Manila sẽ kháng cự mạnh mẽ hơn trước những hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Dù Mỹ có thể coi đây là tin tốt, nhưng có những lo ngại về cách Trung Quốc sẽ đáp trả và nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc với Philippines và các đồng minh, bao gồm cả Hạm đội Hải quân Mỹ tuần tra ở khu vực.

Sau khi sợi dây bị cắt và Philippines nhấc mỏ neo, Hải cảnh Trung Quốc đã thu dây về. Ngày 26/9, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của Philippines. “Chúng tôi khuyên Philippines không khiêu khích và gây rắc rối”, phát ngôn viên nói.

Cựu sĩ quan quân đội Song Zhongping, một nhà bình luận ở Bắc Kinh, cho rằng Philippines làm như vậy vì Mỹ “tiếp tục khuyến khích Manila đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông”.

Ông Song cho rằng Trung Quốc “cần có hành động quyết định để chấm dứt sự khiêu khích của Philippines”, ông Song nói.

Trung Quốc có yêu sách phi lý với 90% Biển Đông, chồng lên vùng biển của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc liên tục có những hành động nhằm gia tăng kiểm soát vùng biển này, biến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam thành tiền đồn quân sự.

Những hành động đó gây lo ngại không chỉ ở châu Á mà những châu lục khác. Sự tích lũy lực lượng quân sự của Trung Quốc và hành động ngày càng hung hăng của Hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về ý định của Trung Quốc trong khu vực, ý thức tuân thủ luật pháp và quy tắc quốc tế.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể không đáp trả bằng hành động quân sự với Philippines, một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, vì lo ngại dính vào xung đột rộng lớn hơn với Washington và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực.

Tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố rằng hiệp ước phòng thủ tương hỗ giữa Mỹ và Philippines “áp dụng với cả các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông”.

“Nếu Mỹ tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông, Úc và Nhật Bản chắc chắn không ngồi yên”, ông Collin Koh, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Singapore, nói với New York Times.

“Các nước đó sẽ tham gia bằng một cách nào đó. Vì vậy, đây là điều mà tôi tin rằng bất kỳ nhà hoạch định nào của Trung Quốc cũng phải tính đến”, ông Coh nói.

Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, có lẽ bằng cách điều nhiều tàu hơn đến khu vực tranh chấp để ngăn cản ngư dân và tàu thực thi pháp luật của Philippines.

Bilahari Kausikan, cựu đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Singapore, tin rằng Bắc Kinh hiện có nhiều vấn đề trong nước cần giải quyết nên không muốn đau đầu hơn nữa bằng cách đối đầu với Mỹ.

Ông Kausikan cho rằng nguy cơ xung đột sẽ cao hơn nếu Philippines lần này không cắt dây chắn, vì sau đó Trung Quốc sẽ đẩy giới hạn lên cao hơn nữa.

Trong khi đó, ông Leonardo Cuaresma, chủ tịch Hiệp hội ngư dân Masinloc Philippines, lo lắng về cách phản ứng của Trung Quốc.

Ông cho rằng nếu có xung đột, ngư dân Masinloc sẽ là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng.

Ông Cuaresma cho biết ông và các ngư dân khác không thể đánh bắt trong bãi Scarborough từ nhiều năm trước vì lực lượng Trung Quốc ngăn cản.

Antonio Carpio, cựu phó chánh án Tòa án Tối cao ở Philippines và là một chuyên gia về Biển Đông, nói rằng Philippines chỉ làm giống những gì Malaysia và Indonesia đã thực hiện gần đây, khi hai quốc gia điều tàu của họ đến khảo sát ở vùng biển tranh chấp, bất chấp mối đe dọa từ Trung Quốc.

“Nếu bạn khẳng định quyền của mình và đứng vững, Trung Quốc sẽ không làm gì cả”, ông nói.

Bình Giang

Theo NYT, Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ham-y-tu-viec-philippines-cat-day-chan-cua-trung-quoc-o-bien-dong-post1573383.tpo