Hàm Tân: Năng suất và giá mì đều giảm

Giống mì HL - S11 thất thu nặng

Giống mì KM419 được trồng nhiều ở Hàm Tân.

Vụ thu hoạch mì vừa qua, một số hộ trồng cây hàng năm này ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân không mấy vui vẻ bởi thất thu giống mì HL - S11, người dân địa phương thường gọi “mì nè”. Ông Trần Quang Thuận ở thôn 1, Sơn Mỹ trồng gần 2 ha giống mì trên cho hay: “Trong giữa kỳ phát triển hầu hết rẫy mì đã bị nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ khá nặng, với tỷ lệ nhiễm bệnh 60 - 70%; cộng thêm lượng mưa ít khiến cây mì không mấy xanh tốt. Tuy nhiên, tôi đành để vậy đến khi thu hoạch được bao nhiêu thì bù lại một phần chi phí chứ không thể làm gì được nữa”. Quả thực, vụ vừa qua năng suất quá thấp, chỉ còn 30 - 40% (3 - 4 tấn/ha) so các rẫy mì khác hơn 10 tấn/ha, giá lại giảm, gia đình ông Thuận cố gắng thu hoạch để bù phần công cán. Một số hộ khác ở thôn 1 trồng giống mì này cũng rơi vào hoàn cảnh vậy. Tương tự, hơn 10 hộ khác ở Sơn Mỹ có đất rẫy ở xã Tân Xuân trồng giống mì HL-S11 cũng không mấy khá hơn, khi phát hiện bệnh khảm lá mì đã vào giữa vụ, họ chấp nhận mùa thất bát. Một nông dân ở địa phương trồng giống mì này cho rằng, vài mùa trước giống mì HL - S11 cho hàm lượng tinh bột cao nên đã có những hộ theo giống này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hàm Tân cho biết: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo nông dân không trồng giống mì HL-S11 vì đây là giống có tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Tuy nhiên, do hàm lượng tinh bột cao nên một số hộ ở Sơn Mỹ, Tân Xuân vẫn trồng giống này. Trước tình hình bệnh khảm lá diễn biến nặng vài địa phương mùa vụ rồi, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hàm Tân đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân tăng cường thuốc phòng trừ bọ phấn trắng, đối với diện tích nặng thì cần nhổ bỏ, đốt tiêu hủy, không nên tiếp tục trồng giống mì trong vụ sau; không nên mua giống mì từ các tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá”.

“Mì cút” giảm năng suất

Bên cạnh một số ít “thử nghiệm” mì HL-S11 không mấy khả quan, phần đông nông dân Sơn Mỹ lâu nay chọn giống mì KM419 (còn gọi là mì cút) khả năng kháng bệnh tốt hơn, ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, thời tiết nắng hạn kéo dài trên vùng đất thâm canh cây mì, năng suất cây trồng hàng năm này cũng đã giảm. Anh Trương Văn Đồng ở thôn 2, xã Sơn Mỹ trồng mì nhiều năm nay cho biết: “Mấy năm trước tôi trồng 5 ha mì, vụ mùa qua chỉ xuống giống 2 ha giống KM419, 3 ha trồng keo. Mặc dù chăm sóc kỹ nhưng mùa rồi nắng hạn quá, cây mì không phát triển tốt như các năm trước. Năng suất chỉ còn gần 15 tấn/ha. So với các năm trước cũng giống này năng suất 20 - 25 tấn/ha. Với lại giá mì tươi giảm 300 - 400 đồng/kg so vụ trước. Trừ chi phí tôi chỉ thu gần 20 triệu đồng/ha. Năm ngoái thu gần 30 triệu đồng/ha”.

Theo báo cáo của UBND xã Sơn Mỹ, vụ mùa qua toàn xã trồng 890 ha mì với giống chủ yếu KM419, đến nay đã cho thu hoạch 8.905 tấn, bình quân hơn 10 tấn/ha… Rõ ràng, năng suất cây trồng hàng năm này không bằng các năm trước. Một cán bộ xã cho hay, bên cạnh thời tiết không thuận lợi, nhiều bà con thâm canh cây mì trên đất thịt bạc màu, năng suất mì giảm trong vụ thu hoạch vừa qua. Xã cũng đã khuyến cáo bà con nông dân cần luân canh cây trồng trên đồng đất trồng mì lâu năm, giảm sâu bệnh, cây hoa màu hàng năm sẽ đạt hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ ở xã Sơn Mỹ, các xã khác trong huyện chọn giống mì KM 419 thì cho năng suất tốt hơn. Ông Hoàng Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT Hàm Tân cho biết: “Toàn huyện vụ mùa qua trồng trên 9.000 ha mì, chủ yếu giống KM 419, kháng bệnh khá tốt, năng suất tương đối, cao hơn giống HL-S11”.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ham-tan-nang-suat-va-gia-mi-deu-giam-96129.html