Hầm 'Ông Voi' ở xứ Quảng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân xã Bình Đào, H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã có sáng kiến làm một căn hầm bí mật rất độc đáo - giống như con voi để tránh các trận càn quét của địch và nuôi giấu cán bộ về hoạt động. Người dân nơi đây gọi căn hầm ấy rất trân trọng là hầm 'ông voi'.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân xã Bình Đào, H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã có sáng kiến làm một căn hầm bí mật rất độc đáo - giống như con voi để tránh các trận càn quét của địch và nuôi giấu cán bộ về hoạt động. Người dân nơi đây gọi căn hầm ấy rất trân trọng là hầm "ông voi".

Hầm bí mật ông voi đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.

Trong một đợt sưu tầm hiện vật cách mạng tại H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chúng tôi nhận được thông tin tại nhà ông Hồ Ngọc Dũng, ở tổ 5, thôn 1 (Trà Đõa), xã Bình Đào, H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có căn hầm bí mật giống như con voi. Hôm sau, chúng tôi tìm đến địa chỉ đã giới thiệu với biết bao sự háo hức. Đến nơi, gặp ông Hồ Ngọc Dũng, ông chỉ cho chúng tôi một vật rất lạ mắt được đúc bằng xi- măng đang đặt ngay trước sân, hình dáng hơi giống thân con voi (cao: 90cm, dài: 130cm, rộng: 58cm) xung quanh thân có ba lỗ nhỏ đúc nhô ra. Ông cho biết: "Đây là hầm bí mật ông voi do cha của ông đúc vào khoảng tháng 4 -1967. Hầm này đã từng là nơi ẩn nấp của nhiều đồng chí cán bộ cấp trên về đây hoạt động, sau đó gia đình dùng để ẩn nấp, 3 lỗ nhỏ nhô ra trên thân là lỗ thông hơi, miệng hầm đúc nhô lên trên có nắp đậy để dễ ngụy trang và không cho nước vào hầm".

Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi đến chính quyền địa phương và tìm gặp các vị lão thành cách mạng Trần Hoạt, Phạm Phú Thành, Đỗ Đức Thuận, Cao Hữu Phước... là những người trụ bám thời kháng chiến chống Mỹ. Các cụ cho biết căn hầm có khoảng thập niên 1960, nhưng không biết chính xác năm nào, do ai sáng kiến ra?

Sau nhiều lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Nhàn (thôn 1, Trà Đõa, Bình Đào). Ông Nhàn cho biết: Đúng ra là ông đi tập kết, nhưng xã Thăng An (Bình Đào bây giờ) giữ lại cho đi học kinh nghiệm làm hầm bí mật ở Điện Nam (H. Điện Bàn). Đến những năm đầu thập niên 1960, vùng Đông H. Thăng Bình nói chung và xã Bình Đào nói riêng thường xuyên bị địch càn quét. Ông được giao nhiệm vụ làm thôn trưởng, phụ trách nắm tình hình địa phương. Đến tháng 10-1964 nơi đây xảy ra trận lụt lớn chưa từng thấy trong lịch sử, bên cạnh khắc phục hậu quả lũ lụt, còn phải đẩy mạnh công tác phục vụ chiến đấu và phát triển mạng lưới dân quân du kích, xây dựng làng chiến đấu thành thế trận chiến tranh nhân dân ở từng địa phương. Nhân dân Bình Đào đã hăng hái góp công, của, vật liệu làm hầm bí mật.

Sau nhiều lần làm thử nghiệm đủ các loại hầm như: Đào hầm đất chống cọc tre, tận dụng các loại ghè (mái) đựng lúa... để trú ẩn nhưng đều không phù hợp với vùng đất cát và trũng thấp này. Cuối năm 1964 ông đã nhờ người thợ vôi tên Khoa ở cùng làng làm hầm theo hướng dẫn của ông. Đầu tiên đúc phần đáy trước, tiếp theo trộn thật nhiều rơm khô vào đất thịt để đắp phần thân (đắp cốt) rồi mới trát vữa xi-măng bên ngoài 3 đến 4 ngày lấy phần cốt ra là dùng được. Hầm thường được chôn dưới đất gần các bụi tre, cây cối, chôn sao cho miệng hầm vừa bằng với mặt đất, các lỗ thông hơi được nối với một ống tre dài khoét bỏ các mắt bên trong, đặt miệng lỗ thông hơi vào các bụi tre, cây để không phát hiện. Nắp đậy miệng hầm hình ô-van có đường gờ nổi xung quanh. Trên đường gờ có nhiều rãnh nhỏ cắt ngang để khi trồng cỏ ngụy trang không bị úng, hay lấp đất không bị đọng nước làm địch không phát hiện được. Mỗi hầm khoảng 2 người nấp, nhiều khi bí quá 4 người nấp nhưng lúc này phải dùng quạt quạt ra lỗ thông hơi chứ không thì bị ngạt thở.

Lúc đầu kinh phí và vật liệu làm hầm phải đi quyên góp từ những người dân nhiệt tình với cách mạng, đúc mỗi tổ một cái, chỉ có những người được giao nhiệm vụ mới biết nơi đặt hầm. Nhiều khi hầm được chôn ngay trong vườn nhà những người tình nghi, những tên ác ôn để giám sát tình hình mà họ không hề biết. Về sau sử dụng loại hầm này rất hiệu quả, thích hợp với địa hình nơi đây nên được nhân rộng ra, những nhà bất hợp tác với địch là phải có hầm, lúc này kinh phí tự lo.

Ông Nhàn cho biết thêm, đây là loại hầm rất ít bị địch phát hiện, nếu bị phát hiện ta cũng có cách đối phó rất hiệu quả. Trong mỗi căn hầm đều chuẩn bị một đoạn cây, trên đầu cây có gắn một quả thủ pháo nối với đoạn dây (đánh theo cách đánh mìn mũi thời chống Pháp) khi địch gỡ nắp hầm, ta giương cây lên khỏi miệng hầm và kéo dây, thủ pháo nổ hiệu quả sát thương cao, sau đó ta có thể thoát ra an toàn. Tuy nhiên, ông cũng không giấu được xúc động khi kể đến một số vụ bị địch phát hiện mục tiêu, mà người dân không trốn thoát ra được.

Có thể nói, hầm "ông voi" ở Bình Đào thời kháng chiến chống Mỹ là minh chứng cho tính sáng tạo của nhân dân ta nói chung, nhân dân Bình Đào nói riêng. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng về Bình Đào tìm gặp và nghe những câu chuyện kể về hầm bí mật "ông voi" hoàn toàn không khó. Nó luôn hằn sâu trong ký ức của người dân nơi đây và căn hầm "ông voi" ấy vẫn mãi là hiện vật có giá trị nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần sáng tạo của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau - là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trần Vũ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_235482_ham-ong-voi-o-xu-quang.aspx