Hậm hực và bất lực

Ngày 21-10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia LHQ. Trước đó, ngày 11-10-2022, Việt Nam là một trong 14 quốc gia trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Chuyến thăm của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới tới Việt Nam mang thông điệp rõ ràng về sự coi trọng của tổ chức này đối với quan hệ đối tác Việt Nam - LHQ trong 45 năm qua; cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò thành viên và tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.

Trên báo chí, truyền hình và mạng xã hội đều hiện diện những hình ảnh đẹp về sự thân thiện của người đứng đầu LHQ cùng các vị lãnh đạo Việt Nam cũng như niềm phấn khởi của nhân dân cả nước đối với sự kiện. Vậy mà, trên một số diễn đàn chuyên chống phá Việt Nam lại lan truyền những bài viết xuyên tạc, bôi đen sự kiện này.

Ngày 21-10, trang RFA có bài: “Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Tổng thư ký LHQ thúc giục Việt Nam trả tự do cho 4 nhà hoạt động môi trường”. Nội dung bài viết đề cập tới cái gọi là “thư ngỏ” của 14 tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước như: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế, Điều 19, Dự án 88, Người bảo vệ nhân quyền… và kêu gọi Tổng Thư ký LHQ thúc giục Việt Nam “trả tự do cho 4 nhà hoạt động môi trường bị Tòa án Việt Nam kết án”. Đó là các ông, bà: Ngụy Thị Khanh, Giám đốc tổ chức xã hội dân sự Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh; Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách pháp luật & phát triển bền vững; Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Giáo dục truyền thông và ông Bạch Hùng Dương, phó giám đốc của tổ chức này.

Thực tế, bà Ngụy Thị Khanh đã lợi dụng danh nghĩa “hoạt động vì môi trường” thông qua Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh để trốn thuế và bà ta đã thừa nhận hành vi này trước tòa. Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương cùng mắc tội danh trốn thuế tại Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng như: không lập hóa đơn giá trị gia tăng các dịch vụ; không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ; không xác định chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh theo luật thuế; không nộp tờ khai giá trị gia tăng tại cơ quan quản lý thuế nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… Còn Đặng Đình Bách, trong quá trình hoạt động, Bách đã liên hệ với các tổ chức nước ngoài, đàm phán nhận các khoản tiền tài trợ để triển khai các chương trình, dự án nhưng không làm thủ tục xin phê duyệt, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Từ năm 2016-2020, trung tâm do Bách làm giám đốc đã nhận hơn 10 tỷ đồng từ các tổ chức trong, ngoài nước thanh toán hợp đồng dịch vụ và tài trợ cho trung tâm. Cơ quan tố tụng đã xác định, Đặng Đình Bách trốn thuế hơn 1,38 tỷ đồng. Vậy mà trang RFA lại biến những kẻ trốn thuế thành “tù nhân chính trị”, “nạn nhân điển hình của làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam”… và cho rằng việc Nhà nước Việt Nam bắt giữ những người này là “đe dọa tiến bộ trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ nhân quyền và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ”! Tác giả bài viết còn “đòi” Việt Nam “sửa đổi Nghị định 58/2022/NĐ-CP về các nhóm xã hội dân sự quốc tế hoạt động tại Việt Nam”. Vậy là đã “lòi đuôi cáo”. RFA chỉ mượn chuyện bênh vực cho 4 “nhà hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường” để thực hiện mưu đồ chính trị là “đòi” hợp thức hóa các nhóm xã hội dân sự quốc tế tại Việt Nam - thực chất là các nhóm hoạt động chính trị chống phá Việt Nam.

Cùng ngày, các trang VOA, BBC tiếng Việt và một số tài khoản blog, facebook của những kẻ chống phá đều có bài viết hoặc bình luận về sự kiện này. Các bài viết hoặc bình luận đều chung luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Thực ra, họ lồng lên là bởi Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 - điều mà các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị đã rắp tâm ngăn cản bằng rất nhiều thủ đoạn từ trước tới nay. Trang VOA đánh giá: “sự hợp tác và uy tín của Việt Nam đã giảm sút so với nhiệm kỳ trước đây tại Hội đồng Nhân quyền (2014-2016) và còn cho rằng “Hà Nội không xứng đáng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền”, trong khi cái tên Việt Nam đã được xướng lên một cách đĩnh đạc tại diễn đàn của Đại hội đồng LHQ. Thật nực cười và cũng thật đáng thương cho những kẻ muốn “bẻ gậy chống trời”. Còn trang BBC thì hy vọng Tổng thư ký LHQ sẽ gây sức ép với Việt Nam khi giật tít: “Tổng thư ký LHQ thăm Việt Nam và sức ép cải thiện nhân quyền”.

Ở các nước phương Tây, nhất là Mỹ - nơi mà các nhà “dân chủ” Việt thường ca ngợi là “thiên đường”, tội danh trốn thuế bị xử lý rất nặng. Ngay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi còn đương chức đã khốn đốn vì nhiều cáo buộc điều tra liên quan đến việc trốn thuế của tập đoàn ông sở hữu. Vậy mà những kẻ luôn miệng ca tụng luật pháp Mỹ, luật pháp phương Tây lại công khai bênh vực những kẻ trốn thuế ở Việt Nam. Đó là chưa nói đến dòng tiền không rõ ràng từ nước ngoài mà các trung tâm, doanh nghiệp này cố tình che giấu. Ai dám chắc đó không phải là nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động chính trị chống phá Việt Nam?

Sự hiện diện của Tổng Thư ký LHQ với sự ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và việc Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 đã là câu trả lời sinh động nhất, rõ ràng nhất về đời sống nhân quyền tại Việt Nam cũng như vai trò, sự ảnh hưởng của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới. Sự hậm hực cùng những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chỉ là trò hề lố bịch và càng thể hiện sự bất lực của chúng mà thôi.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/138976/ham-huc-va-bat-luc