Hầm Biogas VACVINA cải tiến: Đa lợi ích

Công nghệ biogas cải tiến không những giúp các hộ chăn nuôi xử lý ô nhiễm hiệu quả mà còn dùng làm chất đốt. KTNT - Mô hình hầm biogas VACVINA cải tiến của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD - thuộc Hội Làm vườn Việt Nam) đã được nông dân đánh giá cao, coi là giải pháp tốt để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đang đến mức báo động ở nhiều vùng nông thôn hiện nay.

Để ngày càng nhiều người dân được hưởng thành quả kỹ thuật này, CCRD đã triển khai xây dựng hầm biogas VACVINA cải tiến (sau đây gọi tắt là biogas cải tiến) ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam... Ông Phan Xuân Tích, Chủ tịch HLV xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ - Nghệ An) cho biết, cái được lớn nhất mà hầm biogas cải tiến mang lại là chuồng trại chăn nuôi của bà con rất sạch, không có ruồi muỗi, mùi hôi thối được giải quyết triệt để; vừa có gas để đun nấu, tránh được tình trạng chặt phá rừng lấy củi. Sau khi xử lý tại hầm, bã thải còn có thể dùng làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Đến thăm gia đình ông Trần Trung Thông ở xóm 1, xã Nghĩa Bình, chúng tôi được ông dẫn ra tận nơi xem hầm biogas cải tiến đã được sử dụng hơn 7 năm nay. Đây là 1 trong 6 mô hình điểm được CCRD hỗ trợ một phần kinh phí và kỹ thuật, xây dựng từ tháng 4/2003, hiện vẫn hoạt động tốt. ông Thông cho biết: “Gia đình tôi nuôi thường xuyên hàng chục con lợn, khi xây xong hầm này, tôi cho vào khoảng 500kg phân lợn, 7 ngày sau bắt đầu có gas. Từ đó đến nay, mỗi ngày tôi nạp thêm một lượng phân và nước thải của lợn (cứ 1 xô phân dội thêm 5 xô nước) là đủ gas để đun nấu cả ngày”. Ông Thông cho biết thêm: “Hầm biogas cải tiến có rất nhiều ưu điểm, vừa tiết kiệm diện tích xây dựng, vừa có thể làm chuồng trại chăn nuôi và lắp nhà vệ sinh tự hoại trên mặt hầm, rất tiện lợi và sạch sẽ. Những gia đình nuôi từ 30-40 con lợn nếu làm hầm biogas cải tiến thì không gì bằng, thậm chí còn thừa gas để thắp sáng”. Sau khi tìm hiểu mô hình hầm biogas cải tiến do CCRD triển khai nhiều năm nay tại Nghệ An, ông Doãn Trí Tuệ, Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An) khẳng định: “Hầm biogas cải tiến là một tiến bộ kỹ thuật rất quan trọng nhằm xử lý chất thải động vật, tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt và bảo vệ môi trường nên rất cần áp dụng và nhân rộng. UBND tỉnh Nghệ An đã có chủ trương phát triển mô hình chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc quy mô lớn từ nhiều năm nay, nhiều hộ nuôi trung bình 60-70 con, thậm chí hàng trăm con nên việc xây hầm biogas cải tiến thực sự giúp người nuôi xử lý ô nhiễm hiệu quả”. Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc CCRD, tác giả của mô hình hầm biogas cải tiến tâm sự: “Động lực lớn nhất để thúc đẩy nông dân áp dụng công nghệ biogas là vấn đề ô nhiễm môi trường, sau đó mới là vấn đề giải quyết chất đốt. Công nghệ biogas thực sự thân thiện với nhà nông. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sử dụng mô hình nào để thực sự phù hợp với điều kiện ở nông thôn. Các điều kiện này liên quan đến tập quán, thói quen, điều kiện đất đai, vốn đầu tư ban đầu của đại bộ phận nông dân nên đòi hỏi phải giản đơn trong thiết kế và xây dựng. Mô hình Biogas VACVINA cải tiến đã được thiết kế theo phương châm cơ bản trên”. Với những ưu điểm nổi bật, nhiều người cho rằng, thành tựu về công nghệ khí sinh học của CCRD cần được khích lệ nhân rộng. Nhất là mô hình này có thể phát huy vai trò tích cực trong việc huy động sự tham gia của đông đảo người dân nông thôn trong việc phát triển chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Năm 2010, HLV Nghệ An là một trong số đơn vị Hội ở miền Trung có chiến lược cụ thể để hưởng ứng chương trình này. Theo đó, Hội đã và đang chỉ đạo HLV các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Nam Đàn... tập trung đào tạo nhóm cán bộ kỹ thuật nòng cốt tại các xã để thúc đẩy phát triển biogas cho hội viên theo định hướng thị trường. Sự ra quân lần này của HLV Nghệ An về phát triển biogas trên địa bàn tỉnh thực sự có ảnh hưởng tốt tới lãnh đạo chính quyền các cấp ở địa phương. Cụ thể là Ngân hàng Chính sách xã hội đã cùng vào cuộc, cho các gia đình vay vốn tín chấp (4 triệu đồng/hộ) để tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Cần phải nói thêm là rào cản từ quan niệm biogas làm mất đi nguồn phân bón truyền thống của người dân cũng đã được tháo gỡ khi CCRD đã và đang giúp bà con ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón sinh học từ bã thải của hầm biogas kết hợp với phế thải nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc, vừng...) mà lâu nay thường bỏ đi hoặc đốt. P.V.T

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/vacvina/2010/9/25108.html