Hai yếu tố để Singapore kiên quyết mở cửa dù ca nhiễm tăng

Giáo sư Teo Yik Ying của Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho rằng chính sách mở cửa của Singapore sẽ mang lại lợi ích cho người dân và quan hệ thương mại.

“Chung sống với Covid-19 không phải là một hành trình suôn sẻ và dễ dàng. Nhưng chúng ta cũng phải kết nối trở lại với thế giới. Đặc biệt là chúng ta phải tiếp tục mở lại biên giới một cách an toàn”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói hôm 9/10, trấn an người dân giữa lúc số ca nhiễm đang gia tăng và bắt đầu gây áp lực lên hệ thống y tế.

Theo Straits Times, Singapore dự kiến mở thêm “làn đi lại” cho người được tiêm chủng đầy đủ đến từ 9 quốc gia khác - Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ - bắt đầu từ ngày 19/10.

Trả lời phỏng vấn Zing về việc này, giáo sư Teo Yik Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nhận định “lợi ích từ chính sách mở cửa này chắc chắn nhiều hơn rủi ro”.

Theo đó, các nước có thể có lợi ích lớn khi cho người dân di chuyển qua biên giới, và quan hệ thương mại song phương cũng được cải thiện. Rủi ro lây lan dịch bệnh là “chắc chắn có, nhưng không lớn hơn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ người dân địa phương”, chuyên gia này nhận định.

 Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu về tình hình Covid-19 vào ngày 9/10. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore.

Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu về tình hình Covid-19 vào ngày 9/10. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore.

Động lực thúc đẩy Singapore mở cửa

Trước khi mở rộng "làn đi lại" với 9 quốc gia nói trên, Singapore thí nghiệm mô hình này với Đức và Brunei.

Lý giải nguyên nhân thúc đẩy Singapore mở cửa, chuyên gia này cho rằng có hai yếu tố: Thứ nhất là yếu tố sức khỏe cộng đồng và thứ hai là yếu tố kinh tế.

Đầu tiên, các hành lang đi lại này được hình thành dựa trên tỷ lệ tiêm chủng của Singapore, với khoảng 84% dân số được tiêm chủng đầy đủ (tương đương 4,61 triệu người dân).

Dù có hơn 50.000 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận tại Singapore trong tháng qua, phần lớn số ca bệnh này không có triệu chứng, được phát hiện nhờ chiến lược truy vết để cách ly và xét nghiệm.

“Nhiều quốc gia khác đã ngừng truy vết và không xét nghiệm những người không có triệu chứng. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu chiến lược xét nghiệm, truy vết, cách ly và tiêm chủng ở mỗi nước như thế nào, thì mới đánh giá được liệu tình hình Covid-19 ở Singapore có thực sự nghiêm trọng hơn so với các quốc gia khác hay không”, giáo sư Teo nói.

Ngày 12/10, Singapore ghi nhận 2.976 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 132.205 trường hợp kể từ đầu đại dịch, với 183 ca tử vong.

 Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock.

Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock.

Do phần lớn trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, điều này tạo niềm tin rằng Singapore có thể mở cửa cho nhiều du khách hơn, vì cứ 5 người ở Singapore thì có hơn 4 người đã được vaccine bảo vệ, ông Teo nói.

Hầu hết quốc gia trong danh sách có hành lang đi lại với Singapore đều là những quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng trên 60% dân số, đồng thời hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia này tương đối tiên tiến, có khả năng xử lý tốt bất kỳ trường hợp y tế khẩn cấp nào của du khách.

Ngoài ra, đây cũng là những quốc gia mà Singapore có quan hệ kinh tế chặt chẽ.

“Việc mở cửa tuyến đường đi lại với các quốc gia này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và cải thiện quan hệ thương mại”, giáo sư Teo giải thích.

Rủi ro "chắc chắn có", nhưng thấp

Theo Straits Times, trong số 9 quốc gia được thêm vào chương trình “làn đi lại” của Singapore lần này, Mỹ và Anh là hai quốc gia có số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày vẫn ở mức cao.

Tính đến ngày 10/10, số ca mắc mới hàng ngày (tính trung bình trong 7 ngày) ở Mỹ là 99.795 trường hợp, trong khi con số này ở Anh là 34.348.

Đánh giá rủi ro từ việc du khách làm bùng phát dịch bệnh tại Singapore, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho rằng nguy cơ du khách quốc tế làm lây lan dịch trong cộng đồng là “chắc chắn có, nhưng nguy cơ này không lớn hơn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ người dân địa phương”.

Theo giáo sư Teo, hiện nay Singapore và nhiều quốc gia trong danh sách này đã chuyển sang coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Trong bối cảnh này, rủi ro phát sinh từ khách du lịch thực sự rất thấp, và trên thực tế thấp hơn nhiều so với từ chính người dân địa phương, vì du khách quốc tế đến Singapore sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19”, giáo sư Teo nhấn mạnh.

 Singapore sẽ mở thêm "làn đi lại" cho du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ đến từ 9 quốc gia trong thời gian tới. Ảnh: Straits Times.

Singapore sẽ mở thêm "làn đi lại" cho du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ đến từ 9 quốc gia trong thời gian tới. Ảnh: Straits Times.

Thay vào đó, chuyên gia của Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho rằng “lợi ích từ chính sách mở cửa này chắc chắn nhiều hơn rủi ro”.

“Không chỉ Singapore là quốc gia duy nhất tuyên bố mở cửa lại biên giới, mà một số quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương cũng tuyên bố đang có kế hoạch mở cửa chào đón du khách đã được tiêm chủng”, giáo sư Teo cho biết.

Theo BBC, Thái Lan đang có kế hoạch mở cửa biên giới với du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ một số quốc gia kể từ ngày 1/11. Danh sách này bao gồm Anh, Trung Quốc, Đức và Mỹ.

Trong khi đó, kể từ tháng 7 cho tới nay, Thái Lan hiện vẫn ghi nhận khoảng hơn 10.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày.

Cũng trong ngày 9/10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố thay đổi một số quy định phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước. Theo đó, chính phủ thắt chặt quy định tham gia các hoạt động ở nơi công cộng đối với người chưa tiêm vaccine, như không được dùng bữa tại nhà hàng, quán ăn và không được vào trung tâm thương mại.

Trả lời câu hỏi rằng việc thắt chặt quy định này có xung đột với chính sách mở cửa biên giới của Singapore hay không, giáo sư Teo cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách công bằng, tổng quan.

“Singapore chào đón những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi các quy định hạn chế chỉ được thắt chặt đối với những cư dân vẫn chưa được tiêm chủng”, ông nói.

“Hạn chế đi lại đối với những người chưa được tiêm chủng thực sự là hành động có trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách, vì nếu bị mắc Covid-19, những người này gây áp lực đáng kể và không cần thiết lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Việc hạn chế họ đi lại sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm”, giáo sư Teo nói thêm.

Sân bay Đài Loan mở chuyến bay giả cho hành khách 'thèm' đi du lịch Trên thực tế, máy bay không cất cánh hay di chuyển đến bất cứ đâu. Đây là dịch vụ dành riêng cho những người thèm cảm giác du lịch nhưng không thể đi do dịch Covid-19.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-yeu-to-de-singapore-kien-quyet-mo-cua-du-ca-nhiem-tang-post1270519.html