Hải trình 38km mang nước ngọt ra đảo

Hai tuần nay, UBND TP. Hà Tiên (Kiên Giang) chủ trương dùng xà lan chở nước ngọt từ đất liền ra xã đảo Tiên Hải. Đây là đợt chở nước quy mô lớn nhất trong 6 năm trở lại đây, giúp người dân xã đảo có được nguồn nước dùng trong những tháng khô hạn cao điểm.

Nhà máy nước Thuận Yên 17 năm tuổi đặt tại xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên là nhà máy nước duy nhất, cung cấp nước sạch cho người dân toàn thành phố. Nhà máy này thuộc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên - một hệ thống của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp thoát nước Kiên Giang.

Khoảng 4 tháng nay, tức từ đầu mùa khô hạn năm 2024, Nhà máy nước Thuận Yên sản xuất và cấp khoảng 12.000m3 nước mỗi ngày đêm, vượt khoảng 150% so với công suất thiết kế (khoảng 8.000m3 mỗi ngày đêm).

Toàn cảnh Nhà máy nước Thuận Yên, trên địa bàn xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).

Hiện nhu cầu sử dụng nước mỗi ngày đêm ở TP. Hà Tiên (không tính xã đảo Tiên Hải) khoảng 13.000m3. Tức là dù nhà máy nước hoạt động 150% công suất nhưng vẫn cấp thiếu khoảng 1.000m3 mỗi ngày đêm so với nhu cầu dùng nước thực tế của người dân.

"Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên đã tăng đáng kể công suất hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng vẫn trong ngưỡng đảm bảo an toàn vận hành nhà máy và hệ thống ống dẫn. Đây là nỗ lực lớn của chúng tôi trong thực hiện nhiệm vụ cấp nước”, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên Nguyễn Văn Lam cho biết.

Hệ thống lọc nước của Nhà máy nước Thuận Yên đang vận hành 24/24 giờ mỗi ngày.

Cũng theo Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên Nguyễn Văn Lam, Nhà máy nước Thuận Yên cũng vừa hoạt động trở lại khoảng 20 ngày nay, sau thời gian nghỉ gần 1 tháng vì nguồn nước đầu nguồn dẫn về nhà máy bị nhiễm mặn, do sự cố từ 1 cống ngăn mặn ở đầu nguồn thuộc địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Đây thật sự là năm có nhiều thách thức cho công tác cấp nước của TP. Hà Tiên do tình hình nắng nóng và khô hạn kéo dài.

Nhân viên vận hành Nhà máy nước Thuận Yên.

Hiện Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên có hai hồ chứa nước ngọt thô đặt trên địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành với tổng dung lượng 1 triệu m3. Lượng nước đầu vào của hai hồ chứa này khá ổn định, được dẫn về bằng hệ thống kênh dài trên 6km với thượng nguồn giao với một nhánh của kênh Vĩnh Tế, chảy từ hướng TP. Châu Đốc (An Giang) về Kiên Giang.

Hai hồ chứa được cấp nước bằng hệ thống 3 máy bơm, công suất mỗi máy đạt 1.200m3 mỗi giờ. Tuy nhiên vì lượng nước từ kênh đầu nguồn đang ở mức thấp vì khô hạn, nên hiện tại chỉ đủ nước cho một máy bơm hoạt động liên tục 24/24 giờ.

Hai hồ chứa nước tổng dung lượng 1 triệu m3 của Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên, thuộc địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Nguồn nước từ hai hồ chứa này là nguồn nước duy nhất, cung cấp 100% lượng nước ngọt thô cho Nhà máy nước Thuận Yên hoạt động. Ngoài công suất cấp nước hiện hữu, Nhà máy nước Thuận Yên còn có hai bể chứa nước đã xử lý với dung lượng 3.800m3, góp phần đảm bảo nguồn nước dự trữ để cấp cho người dân thành phố.

Chị Đặng Thị Thắm, nhân viên kiểm tra chất lượng nước Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên kiểm tra chất lượng nước đầu ra từ bể chứa sau xử lý.

Khu vực trung tâm TP. Hà Tiên và một số địa bàn ven trung tâm thành phố chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, khu vực đường Sa Kỳ, phường Mỹ Đức của TP. Hà Tiên, người dân than khó khi lượng nước dùng không đủ trong ngày. Đây là khu vực dân cư xa nhất của TP. Hà Tiên, nằm dọc biên giới nước bạn Campuchia, cách Nhà máy nước Thuận Yên khoảng 20km.

Nhiều người dân tại đây cho biết, lượng nước dùng vào ban ngày thường bị thiếu. Vào buổi tối, tình trạng được cải thiện hơn. Người dân ứng phó bằng cách dùng những dụng cụ lớn để trữ nước.

Nhiều hộ dân thuộc địa bàn phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên đang gặp khó vì tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt.

Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên Nguyễn Văn Lam cho biết, tình trạng thiếu vào nước ban ngày đang diễn ra tại địa bàn phường Mỹ Đức, ảnh hưởng đến khoảng 300 hộ dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do Nhà máy nước Thuận Yên không đủ áp suất (vào ban ngày, do lượng người dùng quá lớn) để đẩy nước từ bể chứa về những địa bàn xa xôi nhất của phường Mỹ Đức.

“Khi về đêm, nhu cầu dùng nước ở trung tâm TP. Hà Tiên giảm mạnh, đó là lúc người dân ở các địa bàn xa nhất của phường Mỹ Đức sẽ có đủ lượng nước dùng. Người dân nên mở nước vào ban đêm và dùng dụng cụ để dự trữ, nỗ lực ứng phó”, anh Nguyễn Văn Lam nói.

Điểm cấp nước công cộng trên đường Sa Kỳ, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên.

“Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên đã phối hợp UBND phường Mỹ Đức lập một điểm cấp nước công cộng trên đường Sa Kỳ với quy mô 4 bồn chứa, tổng dung lượng 4m3 (tương đương 4.000 lít) để cấp nước cho người dân trong trường hợp không có nước từ hệ thống ống dẫn. Điểm bơm nước này hoạt động hơn 20 ngày nay, đã cấp tổng cộng trên 275m3 nước cho người dân địa phương”, Phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên Trương Văn Châu, cho biết.

Dân quân tự vệ phường Mỹ Đức Lê Văn Triệu (bìa trái) hỗ trợ cấp nước ngọt cho người dân địa phương tại điểm cấp nước công cộng trên đường Sa Kỳ, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên.

“Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp thoát nước Kiên Giang đang trong giai đoạn đầu thực hiện dự án nâng công suất Nhà máy nước Thuận Yên lên 20.000m3/ngày đêm. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TP. Hà Tiên ít nhất trong 5 năm tới”, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên Nguyễn Văn Lam thông tin.

Ông Huỳnh Văn Bếp, ngụ tổ 8, khu khố Thạch Động, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên nhận nước ngọt từ điểm cấp nước công cộng trên đường Sa Kỳ, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên.

- Xà lan đã đầy nước, anh em chuẩn bị khởi hành!

Sau thông báo của thuyền trưởng điều khiển xà lan Mai Thiên Thông, hai nhân viên xà lan gồm anh Vũ, anh Nhựt khẩn trương thu dây rời bến. Đây là địa điểm xà lan tiếp nhận nước từ ống bơm của Trạm cấp nước Đông Hà Tiên (thuộc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên), đặt tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, (Kiên Giang). Trạm cấp nước này có 2 hồ chứa nước dung lượng 1 triệu m3.

Xà lan do anh Mai Thiên Thông điều khiển đang nhận nước ngọt tại khu vực ống bơm nước của Trạm cấp nước Đông Hà Tiên.

22 giờ, xà lan chở khoảng 500m3 nước do anh Mai Thiên Thông điều khiển lặng lẽ rời khỏi nơi tiếp nhận nước, xuôi theo dòng kênh Hà Giang đi về hướng cửa biển TP. Hà Tiên và khởi hành ra xã đảo Tiên Hải. Tổng hải trình chuyến đi của xà lan khoảng 28km, mang nguồn nước ngọt từ đất liền ra đảo.

Đây cũng là chuyến chở nước thứ 10 của anh Mai Thiên Thông và bạn thuyền viên trong những ngày qua. Việc di chuyển của xà lan kích thước lớn rất khó khăn, khi mực nước lòng kênh Hà Giang chỉ còn chưa đến 2m khi nước ròng. Anh Thông chờ thủy triều lên trong đêm khuya, sẽ đến lúc xà lan có thể tiếp nhận nước và lặng lẽ men theo kênh, vượt biển.

Anh Mai Thiên Thông điều khiển xà lan chở nước ngọt ra xã đảo Tiên Hải trong đêm.

Khoảng 2 tuần nay, được sự chấp thuận của lãnh đạo UBND TP. Hà Tiên, Ban quản lý công trình đô thị TP. Hà Tiên cùng các đơn vị liên quan dùng 2 xà lan để chở nước ngọt từ hai hồ chứa nước 1 triệu m3 (do Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên quản lý) ra xã đảo Tiên Hải.

Ban quản lý công trình đô thị TP. Hà Tiên dự kiến sẽ chở khoảng 10.000m3 nước ngọt từ đất liền ra xã đảo Tiên Hải trong mùa khô hạn năm nay. Tính đến nay, các xà lan đã thực hiện khoảng 15 chuyến chở nước ra đảo, với tổng lượng nước ngọt khoảng 7.000m3. Việc chở nước ngọt từ đất liền ra đảo sẽ tiếp tục thực hiện trong những ngày tới tùy vào điều kiện thời tiết và nhu cầu sử dụng của người dân.

Xà lan chở nước từ đất liền ra xã đảo Tiên Hải và bơm nước lên hồ chứa trên đảo.

Ông Phan Chí Linh - Tổ trưởng Tổ công trình công cộng xã Tiên Hải (Ban quản lý công trình đô thị TP. Hà Tiên) dẫn chúng tôi tham quan hồ chứa nước trên xã đảo Tiên Hải. Hồ chứa nước này có dung lượng khoảng 49.000m3, là hồ chứa nước duy nhất dùng để cấp nước cho người dân xã đảo. Ngoài ra, trên đảo còn có một hồ chứa nước chuyên biệt, phục vụ việc cấp nước cho lực lượng quân đội.

Hiện trạng hồ chứa nước ngọt trên xã đảo Tiên Hải.

“Thời điểm 14 ngày trước, tức lúc hồ chưa tiếp nhận nước từ đất liền, mực nước hồ chứa trên đảo chỉ còn khoảng 50cm, trong đó đã có khoảng 20cm là lớp đáy bùn. Thời điểm đó, rất nhiều hộ dân trên đảo đã không đủ nước ngọt để sử dụng. Từ khi tiếp nhận nước đến nay, mực nước hồ chứa liên tục tăng, đến nay đạt khoảng 1,1m, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước dùng cho người dân”, Tổ trưởng Tổ công trình công cộng xã Tiên Hải Phan Chí Linh cho biết.

Cũng theo ông Phan Chí Linh, nước ngọt thô từ hồ chứa sẽ được lọc bằng hệ thống xử lý nước được đầu tư trên xã đảo. Nước sau khi lọc sạch được dự trữ trong 7 bồn chứa với tổng dung tích khoảng 210m3, dùng để cấp cho người dân.

Xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên là địa bàn có khoảng 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu, nhu cầu dùng nước ngọt khoảng 250m3 mỗi ngày đêm. Lượng nước ngọt dùng trên đảo này ngày một khan hiếm.

12 giờ trưa trên xã đảo Tiên Hải, gia đình anh Trần Văn Thảo (35 tuổi) đang chắt chiu những gàu nước cuối cùng cho việc nấu ăn và tắm gội. Gia đình 5 người của anh Thảo là một trong số những hộ có nhiều nhân khẩu ở xã đảo. Dù anh đã chuẩn bị 5 bồn nhựa, chứa gần 2.000 lít nước để dự trữ từ đầu mùa khô đến nay, nhưng vẫn không đủ dùng.

Gia đình anh Trần Văn Thảo, ngụ ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên gặp khó vì tình trạng khan hiếm nước ngọt dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

“Tình trạng thiếu nước đã diễn ra khoảng 1 tháng nay. Thông thường, chúng tôi có nước từ 11 giờ trưa đến khoảng 6 giờ chiều mỗi ngày. Những khung giờ khác, hệ thống ống dẫn rất ít khi có nước, hoặc mất nước hoàn toàn. Việc sinh hoạt cũng vì thế mà bất tiện, khó chịu”, chị Nguyễn Thị Kim Trinh (vợ anh Thảo) cho biết.

Chị Nguyễn Thị Kim Trinh.

Giống như gia đình chị Kim Trinh, gia đình anh Đặng Văn Đông vẫn gặp khó vì nguồn nước sạch khan hiếm trong những ngày qua. “Ngoài trang bị nhiều bồn trữ nước, gia đình tôi còn dùng thêm môtơ để bơm tăng áp. Nếu tôi không làm như vậy thì hệ thống ống dẫn nước dùng trong gia đình hầu như không thể hoạt động hoặc chỉ chảy được nhỏ giọt”, anh Đông nói.

Anh Đặng Văn Đông thường không thể mở được nước đủ dùng vào các giờ cao điểm trong ngày.

Anh Cao Minh Thông, ngư dân sống trên xã đảo Tiên Hải hơn 10 năm nay. Trong trí nhớ của mình, anh nói khoảng 6 năm trở lại đây, khi hồ trữ nước trên đảo hoạt động hiệu quả, thì chưa năm nào tình trạng thiếu nước diễn biến phức tạp như bây giờ. Hiện tại, dù nước được chuyển từ đất liền ra đảo, nhưng gia đình anh vẫn còn đối mặt với tình trạng thiếu nước dùng cục bộ trong ngày.

Anh Cao Minh Thông dùng nhiều dụng cụ để dự trữ nước ngọt.

Tuy nhiên theo anh Thông, việc thiếu nước dùng ở đảo trong mùa khô không phải là vấn đề quá lớn, vì mọi người đã quen với tình trạng này trong nhiều năm. Điều đọng lại trong suy nghĩ của anh Thông lúc này là sự quan tâm lớn từ chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc hỗ trợ nước dùng cho người dân xã đảo.

Đại diện Ban quản lý công trình đô thị TP. Hà Tiên cho biết, chi phí chở nước ngọt từ đất liền ra xã đảo là rất lớn. Tuy nhiên, ngành chức năng của TP. Hà Tiên đã nỗ lực “bù lỗ”, đảm bảo bình ổn giá nước cấp cho người dân xã đảo Tiên Hải với mức 7.000 đồng/m3 . Việc này khiến không ít người dân xã đảo bất ngờ, xúc động.

Để hỗ trợ nhu cầu dùng nước ngọt để uống, nấu ăn cho người dân xã đảo, Công an xã Tiên Hải hiện phụ trách vận hành hệ thống lọc nước biển mặn thành nước ngọt và cấp miễn phí cho người dân.

Hệ thống lọc nước này được nhà hảo tâm hỗ trợ đầu tư cho xã Tiên Hải năm 2020, kinh phí thực hiện khoảng 1 tỷ đồng. Công suất hệ thống đạt 35m3/ngày đêm.

Anh Trần Tuấn Anh (giữa), ngụ ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên nhận nước ngọt tại điểm cấp nước miễn phí do Công an xã Tiên Hải phụ trách thực hiện.

Câu chuyện khó của gia đình anh Thông, chị Trinh, anh Đông cũng là những điều bất tiện mà rất nhiều hộ dân trên xã đảo Tiên Hải đã và đang trải qua, khi mùa khô hạn vẫn chưa kết thúc. Mọi người bảo nhau cần sử dụng nước thật tiết kiệm. Nước ngọt ở đất liền trong mùa khô đã ít, thì nước ngọt ở đảo mùa này thật sự là tài nguyên hiếm, cần phải được chắt chiu bội phần.

HOÀNG GIÁM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/hai-trinh-38km-mang-nuoc-ngot-ra-dao-19826.html