Hai tỉnh tranh quản di tích 200 tuổi Hoành Sơn Quan

Hoành Sơn Quan hùng vĩ trên đỉnh Đèo Ngang tồn tại gần 200 năm, là mốc phân định địa giới hành chính hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thế nhưng, di tích này do tỉnh nào quản lý vẫn đang là câu chuyện gây tranh cãi.

Nhiều hạng mục xuống cấp

Di tích Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang xuống cấp, bị xâm hại.

Đèo Ngang nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh với chiều dài khoảng 6km, đỉnh cao khoảng 250m. Đèo Ngang mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử xa xưa để lại.

Trước những năm 2000, thời điểm hầm đường bộ Đèo Ngang chưa đưa vào khai thác sử dụng, muốn vượt Đèo Ngang từ Hà Tĩnh sang Quảng Bình và ngược lại bắt buộc các phương tiện phải men theo tuyến quốc lộ 1A ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua tay áo nguy hiểm.

Sau thời điểm hầm đường bộ Đèo Ngang đưa vào sử dụng, các phương tiện không còn phải di chuyển trên cung đường ấy nữa. Cũng từ đấy, Hoành Sơn Quan thưa dần những chuyến dừng nghỉ ghé thăm.

Thay vào đó là những đoàn khách có lịch trình cụ thể hay những người thích khám phá chứng tích lịch sử, thích trải nghiệm.

Đèo Ngang từng là ranh giới tự nhiên của Đại Việt và Chăm Pa, sau đó trở thành điểm phân định Đàng Trong - Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn Hoàng là người đầu tiên đặt tên Quảng Bình, năm Hoằng Định thứ 5 (1640).

Theo sử sách ghi lại, Hoành Sơn Quan được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), cửa ải được xây trên núi, xung quanh kết cấu bằng đá núi, phía trước có mở một cửa. Mỗi bên quan có 1.000 bậc thang đá để người dân leo lên và leo xuống theo triền núi để qua đèo.

Sau gần 200 năm phơi mưa nắng, Hoành Sơn Quan hiện nay ở phía Nam chỉ còn lại dấu tích không còn bậc đá, phía Bắc vẫn còn vài trăm bậc đá.

Được đánh giá là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng Hoành Sơn Quan lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Dấu tích còn lại chỉ là tường thành hoang phế, ít được chăm sóc nên xung quanh cây cỏ mọc um tùm. Xung quanh Cổng Trời, nhiều hạng mục đang xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích. Mặt sau Hoành Sơn Quan chi chít hình vẽ, chữ viết, còn Cổng Trời trở nên biến dạng vì bị bôi bẩn.

Đáng nói, sát Hoành Sơn Quan, khoảng 7 năm trước, người dân còn tự ý xây một miếu lớn, xâm phạm trực tiếp di tích. Sau đó, công trình này bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, đập bỏ. Ngôi miếu này hiện còn tồn lại phần móng và một am thờ, vẫn có người đến thắp hương, khấn bái.

Hoành Sơn Quan ai quản?

Di tích Hoành Sơn Quan được cả Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa phương mình vào năm 2002 và 2005. Hai tỉnh này cũng đều đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Hoành Sơn Quan là di tích quốc gia nhưng không được chấp nhận, do có tranh chấp.

Năm 2002, cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc họp bàn nhằm giải quyết chuyện tranh chấp Hoành Sơn Quan. Phía Hà Tĩnh đưa ra bản đồ ranh giới mới để khẳng định Cổng Trời thuộc về tỉnh mình nhưng phía Quảng Bình cương quyết không đồng ý.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sau đó gợi ý Quảng Bình và Hà Tĩnh làm hồ sơ chung đề nghị công nhận di tích Hoành Sơn Quan nhưng không tỉnh nào chấp thuận.

Từ đó đến nay, Hoành Sơn Quan vô tình bị chia làm hai, phía Bắc thì Hà Tĩnh quản lý, còn phía Nam thuộc Quảng Bình. Thế nên, việc bảo vệ di tích này gặp nhiều khó khăn.

Phản hồi về thông tin có tranh chấp trong xác định di tích Hoành Sơn Quan thuộc tỉnh nào, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh khẳng định di tích này hoàn toàn trong địa giới hành chính tỉnh Hà Tĩnh và do Hà Tĩnh quản lý.

Ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cũng khẳng định không có chuyện tranh chấp.

Theo ông Lĩnh, Hoành Sơn Quan hiện nằm hoàn toàn thuộc địa giới hành chính tỉnh Hà Tĩnh, nằm cách đường phân giới đến gần 5m. Trong lịch sử có thể di tích thuộc tỉnh Quảng Bình nhưng hiện nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Hà Tĩnh.

Thời gian qua, chính quyền thị xã Kỳ Anh quản lý di tích này. Từ năm 2012 đến nay, Hà Tĩnh cũng ít nhất 2 lần tu sửa các bậc cầu thang lên Hoành Sơn Quan và cắm biển dẫn tích. Trước năm 2005, có lần tu sửa lớn hơn.

Ông Nguyễn Tùng Lĩnh cho rằng, di tích Hoàng Sơn quan có ý nghĩa lịch sử văn hóa rất đặc biệt. Di tích này nằm ở vị trí đẹp để ngắm cảnh, để khai thác du lịch. Thế nhưng, thời gian qua chính quyền địa phương chưa đầu tư đúng mức nhằm phát huy được giá trị của di tích.

Ông Mai Xuân Thành, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình lại cho rằng, việc chưa phân định rõ di tích Hoành Sơn Quan thuộc về địa phương nào quản lý trong suốt thời gian dài khiến việc quản lý gặp nhiều bất cập. Về địa giới hành chính, ngày nay Hoành Sơn Quan nằm bên mái núi Hà Tĩnh tính theo đường phân thủy, song xét về lịch sử và việc bảo vệ di tích, nhiều người cho rằng thuộc Quảng Bình.

"Sau khi có nhiều luồng dư luận nêu vấn đề Hoành Sơn Quan thuộc về địa phương nào, chúng tôi đã làm văn bản gửi Sở Nội vụ đề nghị cung cấp thông tin về địa giới hành chính. Cùng với đó là đề nghị cung cấp bản đồ khu vực Hoành Sơn Quan để có cơ sở tham mưu với UBND tỉnh Quảng Bình.

Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin từ Sở Nội vụ. Khi nào có thông tin cụ thể, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ thông tin cụ thể để có phương án xử lý dứt điểm", ông Thành nói.

Hiểu sai về lịch sử?

Ông Nguyễn Trí Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, xét về mặt lịch sử thì di tích cổng Hoành Sơn Quan không phải của tỉnh nào, nên nhiều người cho rằng di tích này đang bị hai tỉnh tranh chấp là hiểu sai về văn hóa, lịch sử.

"Theo các tài liệu ghi chép, dưới thời nhà Nguyễn, nhà vua cho dựng cổng thành nằm trên đỉnh Đèo Ngang, giao cho người canh gác vì đây là cửa ải quan trọng để kiểm soát đường đi vào kinh thành Huế từ phía Bắc. Tương tự, Hải Vân quan thuộc khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Do đó, cổng được xây dựng là để kiểm soát người vào kinh thành Huế thời ấy, nên không phải là cổng vào của Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Còn xét về mặt địa lý thì hiện tại Hoành Sơn Quan nằm trên địa giới quản lý hành chính của tỉnh Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh). Về di tích này thì tỉnh Quảng Bình cũng đã xếp hạng, nhưng theo tôi là xếp hạng sai. Bởi vì muốn xếp hạng di tích thì phải có đất", ông Sơn nói.

Hà Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hai-tinh-tranh-quan-di-tich-200-tuoi-hoanh-son-quan-192231006095137835.htm