Hai tiến sĩ bàn tiếp về việc hành khách 'chuyến bay giải cứu' có đòi được tiền chênh lệch vé

Theo hai chuyên gia, để người dân được hoàn trả phần 'phí chênh lệch' cũng không khó nếu được các cơ quan nhà nước thống nhất.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Trong vụ án này, sai phạm của các bị cáo được nhận định là đã khiến cho giá vé các chuyến bay về nước bị "đôn lên gấp nhiều lần".

Một số bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Nhiều quan điểm cho rằng những người mua vé ‘chuyến bay giải cứu’ (hiện không được xác định là bị hại trong vụ án đang xét xử) có thể khởi kiện để đòi lại phần tiền chênh lệch vì đây là giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán (Xem tại đây).

Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác về vấn đề này. Cụ thể, theo TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM), nếu nói đây là giao dịch dân sự bình thường e rằng chưa phù hợp lắm dưới góc nhìn quản lý hành chính nhà nước. Bởi đây là giao dịch có điều kiện, chỉ thực hiện được khi có một quyết định hành chính từ Bộ trưởng (thứ trưởng ký thay) cho hay không cho chuyến bay cất cánh, rồi bay về đâu, danh sách hành khách, cách ly ở đâu... (tức phải có sự quyết định từ chủ thể mang quyền lực nhà nước) “có màu sắc” là hành chính. Còn số tiền đóng vào chỉ là “phí” phải trả cho dịch vụ mà nhà nước đang cho phép một số doanh nghiệp thực hiện theo “tờ trình”, trong đó có phần chi phí.

Cạnh đó, theo TS Dung, danh sách được về hay không phải do các lãnh sự quán, đại sứ quán duyệt rất gắt gao, không thể muốn là về nên đây là một hoạt động quản lý nhà nước về bảo trợ công dân. Vì vậy, các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài đều có danh sách này, các cơ sở được cấp phép “cách ly” cũng có danh sách này.

Do đó, TS Dung cho rằng với các yếu tố trên thì danh sách “người bị hại” đều do cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nắm giữ và việc có được hoàn trả phần “phí chênh lệch” hay không cũng không khó lắm dưới góc nhìn về dữ liệu trong quản lý nhà nước.

Còn theo TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc Gia TP.HCM), tuy giao dịch mua bán vé được thực hiện sau khi có một quyết định hành chính từ tổ chức cá nhân có thẩm quyền cho bay về nước nhưng quyết định này là về mặt chủ trương chứ không tác động trực tiếp đến một đối tượng cụ thể. Nói cách khác, quyết định này chỉ nêu cho bao nhiêu trường hợp (số lượng người) được bay về nước chứ không nêu rõ một cá nhân nào và số tiền phải trả là bao nhiêu. Đây vẫn là một quyết định hành chính nhưng không phải là một quyết định hành chính cá biệt tác động trực tiếp đến một cá nhân cụ thể. Vì vậy, người dân không thể căn cứ vào đây để yêu cầu bồi thường hay hoàn trả phần giá vé chênh lệch.

TS Minh cho rằng việc xác định quan hệ mua bán vé này là quan hệ dân sự vẫn là con đường hợp lý hơn. Tuy nhiên, việc để người dân “vác” đơn đi kiện sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và có vẻ như đang đẩy cái khó cho người dân, nhất là việc chứng minh giá vé chênh lệch là bao nhiêu. Thậm chí khi giải quyết, e rằng sẽ có sự không thống nhất giữa các tòa trong việc xác định giá nào là giá vé hợp lý làm căn cứ xác định giá vé chênh lệch là bao nhiêu.

Do đó, theo TS Minh, vụ án này xuất phát từ việc các bị cáo đã lợi dụng chủ trương của nhà nước đón người dân về trong tình hình dịch bệnh, đây là một hoạt động quản lý, bảo trợ công dân. Do đó, nhà nước phải có trách nhiệm hoàn trả cho người dân phần chênh lệch.

Về cách thức hoàn trả, các cơ quan nhà nước có liên quan nên họp liên ngành, ngồi lại với nhau để xác định các căn cứ và đưa ra một mức giá hợp lý. Trường hợp người dân nộp tiền vượt quá mức giá này thì xem như là tiền chênh lệch. Nếu muốn nhận lại phần tiền này thì người dân chứng minh thông qua sao kê, biên nhận chuyển tiền hoặc các cách thức tương tự khác. Thiết nghĩ, cách làm này tuy có những khó khăn, phức tạp nhưng vẫn là cách khả thi và hữu hiệu nhất.

Về nguyên lý chung, “tiền của dân thì trả lại cho dân”. Do đó, việc hoàn trả cho dân cần phải được nâng lên thành chủ trương và phương châm hành động của các cơ quan nhà nước. Hiện nay, hàng chục tỉ đồng khắc phục đã được thu hồi, tức tiền đã “có sẵn”. Vì vậy, để khôi phục lại niềm tin cho người dân, không để những tái diễn hành vi tương tự thì cần sớm xây dựng phương án xác định giá hợp lý làm căn cứ để tính toán phần chênh lệch; cách thức người dân gửi đơn để yêu cầu hoàn trả phần chênh lệch; cơ quan đứng ra thực hiện cũng như thủ tục, thời hạn thực hiện...

TS Minh nhận định, có thể cách tính toán giá hợp lý không phải là một con số hoàn toàn tuyệt đối nhưng chắc chắn nó tạo được sự đồng thuận cao. Người dân cũng sẽ ủng hộ vì họ có thể căn cứ vào đó để so sánh và rất dễ để chứng minh số tiền vượt quá mà họ phải trả cho chuyến bay này.

“Cần nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề tiền bạc mà góp phần tạo dựng lại niềm tin của người dân về các chính sách tốt đẹp của nhà nước. Tiền đã có và được sự đồng thuận của các cơ quan nhà nước thì người dân rất dễ đòi lại số tiền chênh lệch”, TS Minh nói.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/hai-tien-si-ban-tiep-ve-viec-hanh-khach-chuyen-bay-giai-cuu-co-doi-duoc-tien-chenh-lech-ve-post742462.html